Có bao nhiêu tội phạm người Việt đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ?

Ngọc Lương Thứ hai, ngày 05/08/2019 16:44 PM (GMT+7)
Theo Bộ Công an tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Bình luận 0

img

Ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy trường hợp bị khởi tố và truy nã quốc tế (ảnh IT).

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và tác động về thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ. Dự thảo nêu trên được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến nhân dân.

Báo cáo tổng kết thi hành về dẫn độ cho biết, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng

Bộ Công an đã lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ (YCDĐ) đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (gồm 21 YCDĐ theo các hiệp định song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Ô-xtrây-li-a, Cộng hòa Bê-la-rút, Vương quốc Căm-pu-chia, Cộng hòa U-crai-na, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Bun-ga-ri và 14 YCDĐ theo nguyên tắc có đi có lại với Vương quốc Anh, Hồng Công - Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Pê-ru, Ma-lai-xi-a...), trong đó:

Đã dẫn độ được 07 đối tượng về Việt Nam (gồm: Phạm Thế Vinh, Nguyễn Hà Lan, Phạm Thúy Ngân và Nguyễn Xuân Đại từ Liên bang Nga, Lê Quang Nhật từ Cộng hòa U-crai-na, Phùng Hữu Sơn từ Cộng hòa Séc và Phạm Minh Đại từ Cộng hòa Bê-la-rút); 1 đối tượng bị bắt giữ khi bỏ trốn về Việt Nam (Nguyễn Tất Kiên từ Ô-xtrây-li-a);

Có 4 YCDĐ bị phía nước ngoài từ chối (gồm Nguyễn Trần Hường bị Nhật Bản từ chối do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Nhật Bản, Nguyễn Hải An bị Cộng hòa Séc từ chối do đối tượng được cấp quy chế tỵ nạn tại Séc, Phạm Mạnh Hùng bị Vương quốc Thái Lan từ chối do đối tượng được Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn cấp quy chế tỵ nạn và đã được Ca-na-đa tiếp nhận, Đào Thanh Tùng bị Liên bang Nga từ chối do đang chấp hành án về một tội phạm thực hiện trên lãnh thổ Nga);

Có 1 đối tượng trở về Việt Nam và ra trình báo với cơ quan chức năng về việc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chấp hành hình phạt về tội phạm bị YCDĐ tại nước ngoài (Nguyễn Văn Trung từ Vương quốc Căm-pu-chia).

Bộ Công an đang tiếp tục tích cực đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài khẩn trương giải quyết các YCDĐ còn lại.

Lệnh truy nã đỏ là quy ước truy nã phổ biến và nổi tiếng nhất trong hệ thống lệnh truy nã hiện có của Interpol và cũng là một loại giấy chứng nhận bắt giữ hình sự mang tính chất tạm thời. Lệnh truy nã đỏ chính thức được ban hành và có hiệu lực sau khi có cả hai chữ ký, một của Trưởng trung tâm Interpol nước xin phát lệnh truy nã và chữ ký của Tổng thư ký Tổ chức Interpol quốc tế.

Trong lệnh truy nã đỏ ngoài ảnh đối tượng truy nã còn có hai phần nội dung chính yếu. Phần thứ nhất là những thông tin liên quan nhân thân đối tượng (họ tên, quốc tịch, đặc điểm nhận dạng, vân tay, số hộ chiếu, số chứng minh thư...). Phần thứ hai là những thông tin tư pháp thông báo quá trình phạm tội và những căn cứ pháp luật để bắt giữ đối tượng (trích yếu vụ án, tòng phạm, tội danh, các điều khoản pháp luật liên quan, lệnh bắt giữ, bản án, thời gian bản án có hiệu lực...).

Trong vòng 1 tuần, lệnh truy nã đỏ sẽ được Tổng thư ký Interpol xem xét, sau đó chuyển cho các chuyên gia luật pháp của Interpol thẩm định kỹ càng mới được ký duyệt và chính thức có hiệu lực tại lãnh thổ các quốc gia thành viên Interpol.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem