Cô gái đi bằng đôi tay, vượt lên số phận

Thiên Việt Thứ sáu, ngày 13/11/2015 11:30 AM (GMT+7)
Trước mắt tôi là một cô gái có cái tên của một loài hoa rất đẹp: Trương Thị Sen. Năm nay Sen đã 27 tuổi (sinh năm 1988) nhưng thân hình lại quá nhỏ bé và mang dáng mảnh khảnh của một đứa trẻ. Sen đã không may bị dị tật bẩm sinh ở chân.
Bình luận 0

Trương Thị Sen sinh ra ở xã Nghĩa Mai, huyện miền núi Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Gia đình có 4 anh chị em, Sen là con út. Bố Sen là ông Trương Thanh Hải, một người lính từ chiến trường năm xưa. Khi trở về với gia đình, ông đã mang trong mình những di chứng ảnh hưởng của chất độc da cam Dioxin. Sen là cô con gái út, cũng bị tật co quắp bẩm sinh.

Khó khăn là vậy nhưng tai ương giáng xuống gia đình họ liên tiếp. Năm 1991 trong một buổi đi lấy măng, cơn lũ rừng đã cuốn phăng 2 người con của gia đình năm đó mới 13 và 11 tuổi. Bố mẹ ôm Sen không khóc được vì nước mắt khô cứng, lòng nghẹn lại.

Rồi năm 1995, bố ốm nặng và mất, Sen chỉ còn 2 người thân. Hằng ngày, Sen vẫn gắng gượng lết đi học ở lớp mẫu giáo gần nhà. Những năm học ở trường tiểu học, mẹ và chị thay nhau cõng Sen đến lớp. Khi Sen học lên bậc trung học cơ sở, người chị của Sen đi lấy chồng xa, ở nhà chỉ còn một mình mẹ đưa Sen đi học. Hy vọng có con chữ sẽ giúp Sen sau này làm chỗ dựa bấu víu. Không phụ lòng mong mỏi của mẹ, Sen đã nhiều lần là học sinh giỏi của trường THCS Nghĩa Mai và trường PTTH Cờ Đỏ - Khu vực Tây Nghĩa Đàn.

img

Cô gái Trương Thị Sen bên chiếc máy may.

Có thể nói suốt cả một thời thơ ấu. Sen đã lết đi học bằng chút sức lực còn lại trên đôi tay của mình cùng sự giúp đỡ cưu mang của những người thân trong gia đình. Ước có tới hàng nghìn km mà cô bé Sen đã vượt qua. Hiện tại em đã tốt nghiệp PTTH nhưng ước mơ có được công việc vẫn xa vời. Tháng 9/2015 Sen ra Hà Nội để xin học và tìm công việc làm mong sao có chút thu nhập trong cái nghèo. Tuy nhiên cơ hội để có việc làm với một cô gái dị tật như vậy có thể nói là rất khó.

Thật may mắn khi Trung tâm May Nhân đạo Nhất tâm đã dang tay đón cô gái Sen vào học nghề. Đây là Trung tâm do chị Nguyễn Thị Thúy mới thành lập, dạy may cho những người tàn tật nhằm giúp họ nghị lực vươn lên, có thể sống bằng đôi tay của mình. Được biết, do mới thành lập nên hiện tại Trung tâm cũng đang gặp khó khăn, nhưng với tấm lòng của chị Thúy, “lá rách đùm lá rách” nên cô gái Sen đã có thể học may, sinh sống bằng đôi tay của mình và rồi hy vọng sẽ tiếp tục có điều kiện học lên Đại học.

Khi chúng tôi đến thăm Trung tâm May Nhất tâm, chứng kiến những đường may mũi chỉ của em Sen đã khá tốt. Con đường đi lên phía trước của cô gái Trương Thị Sen còn xa ngàn dặm, nhất là khi chỉ có đôi tay. Mong rằng em sẽ đạt được ước mơ, tiếp tục đi học và vượt lên số phận.

Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về Trung tâm May nhân đạo Nhất tâm. Số ĐT: 0964496604. Hoặc Ban bạn đọc – Báo Nông thôn ngày nay- 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; ĐT: 0985523229

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem