Có gì đặc biệt trong cuốn nhật ký của phi công tiêm kích hạ 6 máy bay Mỹ được phong anh hùng năm 27 tuổi?

Khánh Thư Thứ ba, ngày 22/12/2020 20:45 PM (GMT+7)
Từng luôn mang theo sổ nhật ký trong các chuyến bay để “nếu không may lâm nạn, nhật ký sẽ mãi mãi đi theo tôi”, sau nửa thế kỷ, Trung tướng - AHLLVTND Nguyễn Đức Soát bất ngờ công bố những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ với nhiều tư liệu giá trị về người lính không quân trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Bình luận 0

Cuốn "Nhật ký phi công tiêm kích" (NXB Trẻ) của Trung tướng - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Đức Soát vừa ra mắt bạn đọc sau nửa thế kỷ.

Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới ở tuổi 27. Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ được Nguyễn Đức Soát bắt đầu viết vào ngày 20/3/1966 (sau khi sang Liên Xô được 8 tháng) và viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu và ngừng lại ở ngày 31/12/1972 (một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc). 

Có gì đặc biệt trong cuốn nhật ký của phi công tiêm kích hạ 6 máy bay Mỹ được phong anh hùng năm 27 tuổi? - Ảnh 1.

Thông tin trích ngang về Trung tướng - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Đức Soát ở bìa cuốn sách.

Những trang nhật ký của một cá nhân nhưng chất chứa trong đó tinh thần, khí phách của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến đấu khốc liệt, không cân sức với Không quân Mỹ hùng mạnh. Ở đó, có cả những niềm vui xốn xang khó tả khi lập chiến tích:

Có gì đặc biệt trong cuốn nhật ký của phi công tiêm kích hạ 6 máy bay Mỹ được phong anh hùng năm 27 tuổi? - Ảnh 2.

Trích sách "Nhật ký phi công tiêm kích" trang 136.

… Bên cạnh niềm vui, vì nhật ký là những điều chân thực nhất được ghi lại nên ngay cả những dằn vặt, những tổn thất cũng được đối diện một cách sòng phẳng nhất:

Có gì đặc biệt trong cuốn nhật ký của phi công tiêm kích hạ 6 máy bay Mỹ được phong anh hùng năm 27 tuổi? - Ảnh 3.

Trích sách "Nhật ký phi công tiêm kích" trang 231.

Lật mở những trang "Nhật ký phi công tiêm kích", bên cạnh những chiến công oanh liệt cũng như tổn thất không gì bù đắp nổi của chiến tranh, tác giả đã cho ta thấy cuộc sống, tình bạn, tình yêu, tình đồng chí thật đẹp…

Nhật ký thường là nơi để "cái tôi" bộc bạch và bộc lộ, nhưng điều đặc biệt trong những trang nhật ký của anh phi công trẻ ngày ấy là đã dành khá nhiều đất để viết về những người đồng đội của mình. Có lẽ đó cũng chính là động lực để Trung tướng Nguyễn Đức Soát quyết định công bố những trang nhật ký vốn chỉ định giữ cho riêng mình, như ông chia sẻ: "Khi ra mắt cuốn sách này, mong ước của tôi là để rất nhiều đồng chí bạn bè của tôi mà họ không viết sách nhưng vẫn xuất hiện trong cuốn sách với các chiến công rất chói sáng thì điều đó cũng sẽ mang tới niềm vui đối với gia đình người thân của họ".

Có gì đặc biệt trong cuốn nhật ký của phi công tiêm kích hạ 6 máy bay Mỹ được phong anh hùng năm 27 tuổi? - Ảnh 4.

Trích sách "Nhật ký phi công tiêm kích" trang 386.

Đoạn nhật ký viết sáng 28.12.1972 về chuyện anh hùng Phạm Tuân bắn hạ B-52 được mô tả sinh động kèm lời cảm ơn lay động lòng người: "Cảm ơn Tuân vô cùng. Mày đã nhấc hộ bọn tao gánh nặng mà lịch sử sẽ mãi mãi treo lên đầu cả lũ lái máy bay tiêm kích". Để rồi sau gần nửa thế kỷ, đến lượt Trung tướng Phạm Tuân – người ba lần được phong tặng Anh hùng lại bày tỏ lòng cảm kích: "Tôi nghĩ đây là nhật ký rất sâu sắc về cuộc sống của phi công chúng tôi. Đọc các trang nhật ký thấy có mình trong đó. Anh Soát nói lên cái gì, ý nghĩ của anh Soát thì cũng là ý nghĩa của chúng tôi. Những trăn trở trong những trận chưa đánh thắng hay niềm phấn khởi ở những trận đánh thắng đều có hình ảnh của phi công chúng tôi. Cuốn sách đã bao trùm được một thế hệ phi công thời gian đó mà khó khăn, gian khổ, hy sinh và chiến thắng đều có cả. Tất cả những cái đó hun đúc một ý chí quyết tâm nối tiếp cho các lớp phi công sau này...".

Có gì đặc biệt trong cuốn nhật ký của phi công tiêm kích hạ 6 máy bay Mỹ được phong anh hùng năm 27 tuổi? - Ảnh 5.

Trích sách "Nhật ký phi công tiêm kích" trang 382.

Không phải nhà văn mặc áo lính nhưng dễ dàng thấy chất văn thấm đẫm trong những trang nhật ký của Nguyễn Đức Soát – vốn là một cậu học sinh giỏi văn mang tâm hồn lãng mạn:

Có gì đặc biệt trong cuốn nhật ký của phi công tiêm kích hạ 6 máy bay Mỹ được phong anh hùng năm 27 tuổi? - Ảnh 6.

Trích sách "Nhật ký phi công tiêm kích" trang 111.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: "Giá trị lớn nhất của cuốn sách này là ở tính chất nhật ký của nó và tính chất chính người ghi nhật ký đứng ra cho phổ biến thay vì là những hồi ức được nhớ lại hay kể lại". Tuy nhiên, thêm một điểm đặc biệt nữa là "Nhật ký phi công tiêm kích" không chỉ thuần chứa những dòng nhật ký năm xưa mà tác giả còn viết thêm những dẫn nhập bối cảnh sự kiện, số phận những nhân vật chính trong nhật ký, những hồi ức và những chiêm nghiệm khi đã có độ lùi lịch sử. Điều đó không chỉ giúp bạn đọc có thông tin để tiếp cận văn bản dễ dàng hơn mà còn mang tới nhiều cảm xúc lắng đọng hơn.

Có gì đặc biệt trong cuốn nhật ký của phi công tiêm kích hạ 6 máy bay Mỹ được phong anh hùng năm 27 tuổi? - Ảnh 7.

Trích sách "Nhật ký phi công tiêm kích" trang 390.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: "Cuốn nhật ký vừa là một tác phẩm văn chương phi hư cấu, vừa là một tư liệu quan trọng, bởi trong mỗi trang cá nhân đấy chứa đựng một lịch sử. Họ là những nhân chứng, bằng chứng lịch sử lớn nhất, chính xác nhất, trung thực nhất. Tôi nghĩ các nhà văn sẽ rất biết ơn những trang viết của những người thực sự đi qua cuộc chiến như thế". 

Có gì đặc biệt trong cuốn nhật ký của phi công tiêm kích hạ 6 máy bay Mỹ được phong anh hùng năm 27 tuổi? - Ảnh 8.

Trích sách "Nhật ký phi công tiêm kích" trang 392.

Tư liệu mà cuốn sách mang tới còn là những hình ảnh giá trị ở phần Phụ lục, trong đó có bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đặc biệt tại sân bay Đa Phúc năm 1972 khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tươi cười giơ 6 ngón tay lúc nghe giới thiệu phi công Nguyễn Đức Soát bắn rơi 6 máy bay Mỹ:

Có gì đặc biệt trong cuốn nhật ký của phi công tiêm kích hạ 6 máy bay Mỹ được phong anh hùng năm 27 tuổi? - Ảnh 9.

Có gì đặc biệt trong cuốn nhật ký của phi công tiêm kích hạ 6 máy bay Mỹ được phong anh hùng năm 27 tuổi? - Ảnh 10.

Có gì đặc biệt trong cuốn nhật ký của phi công tiêm kích hạ 6 máy bay Mỹ được phong anh hùng năm 27 tuổi? - Ảnh 11.

Cũng là một người lính "tay ngang" viết văn chương, cái tên Vũ Công Chiến cách đây 4 năm từng là một hiện tượng xuất bản khi cuốn "Hồi ức Lính" (NXB Trẻ) của ông đã nhận được sự chào đón nhiệt tình của đông đảo bạn đọc và sự trân quý, ghi nhận của chính giới văn chương dành cho một cây viết chưa hề có tên tuổi.

Chia sẻ với Dân Việt về cảm nhận khi cầm trên tay cuốn "Nhật ký phi công tiêm kích", người bộ đội Trường Sơn năm nào bày tỏ: "Rất sung sướng, rất thích, rất tự hào! Binh chủng không quân được mọi người lính ngày xưa đều thần tượng như một điều gì đó rất siêu vời. Ai cũng muốn được biết về lực lượng không quân như thế nào. Với tôi, đến hôm nay cuốn sách này là cuốn viết về những người phi công đã đạt được điều hay nhất là độ thật, độ cởi mở và độ văn của nó. Tấm gương của những người phi công cũng nằm trong niềm tự hào của cả một thế hệ những thanh niên Việt Nam chúng tôi lên đường đánh Mỹ bất kể ở mặt trận nào, quân binh chủng nào. Qua cuốn sách này, tôi càng khâm phục thêm một người anh, một người đồng đội ở một quân chủng huyền thoại và thấy thêm tự hào vì mình cũng có một thời khoác áo lính và là đồng đội của các anh".

img

Tác giả cuốn "Hồi ức Lính" Vũ Công Chiến nâng niu trên tay cuốn "Nhật ký phi công tiêm kích".

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem