Cô giáo ra đề Văn khiến tác giả bài thơ phải thốt lên: "Tôi mà làm cũng lạc đề"

Tào Nga Thứ năm, ngày 20/10/2022 13:38 PM (GMT+7)
Một đề môn Văn được chính tác giả bài thơ chia sẻ khiến mọi người thích thú vì hay và ý nghĩa.
Bình luận 0

Đề thi môn Văn

Đề thi môn Văn luôn khiến mọi người thích thú và tò mò nhất. Bởi lẽ môn Văn là môn duy nhất trong nhiều kỳ thi tổ chức theo hình thức tự luận thay vì trắc nghiệm. Môn Văn không chỉ là môn thể hiện sự am hiểu, kiến thức của người viết mà còn mang nhiều yếu tố cảm xúc. 

Mới đây một đề thi Văn vô cùng ý nghĩa được chia sẻ. Điều đặc biệt là chính tác giả của bài thơ trong đề Văn này đã đăng tải và vui vẻ trêu đùa: "Tôi mà làm cũng lạc đề".

Cô giáo ra đề môn Văn khiến tác giả bài thơ phải thốt lên: "Tôi mà làm cũng lạc đề" - Ảnh 1.

Đề luyện tập môn Văn. Ảnh: NVCC

Cụ thể, đây là đề luyện tập đọc hiểu môn Văn. Ở phần 1 Đọc hiểu, đề đã cho đọc bài thơ Trái cau  hoa của tác giả Phạm Xuân Cần và trả lời 4 câu hỏi. Phần 2 Nghị luận xã hội yêu cầu học sinh viết một đoạn văn khoảng 200 chữ với chủ đề: Tình mẫu tử. 

Tác giả Phạm Xuân Cần vui vẻ chia sẻ: "Có giai thoại rằng, con của nhà văn Nguyễn Khải đã nhờ bố làm hộ bài "Phê bình truyện ngắn Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải". Kết quả bài tập làm văn ấy bị điểm kém, với lời phê "Không hiểu ý tác giả!".

Nay có cô giáo lấy bài thơ "Trái cau hoa" của mình ra làm đề thi Văn cho học sinh trường chuyên. Mình mà làm đề văn này thì nguy cơ cũng bị cô phê: "Không hiểu ý tác giả" là cái chắc". Đoạn chia sẻ khiến ai nấy phải bật cười vì tác giả bài thơ vô cùng vui vẻ và dí dỏm.

Cô giáo ra đề môn Văn khiến tác giả bài thơ phải thốt lên: "Tôi mà làm cũng lạc đề" - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Xuân Cần. Ảnh: NVCC

Tác giả của bài thơ Trái cau hoa không ai khác chính là nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Xuân Cần, Nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An. Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông tiết lộ, đề luyện tập này là của một cô giáo ở Hà Giang. Bài thơ trong đề Văn này của ông từng đạt Giải Nhất cuộc thi Thơ hay về mẹ của báo Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2015. 

Xu hướng ra đề Văn những năm gần đây

Chia sẻ với PV về xu hướng ra đề thi Văn hiện nay, Thạc sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Mộng Tuyền, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM: "Về hình thức, cấu trúc, đề Văn đang dần đi theo hướng đánh giá kỹ năng ngôn ngữ nhiều hơn là kỹ năng cảm thụ văn học. Cụ thể là đánh giá khả năng đọc - hiểu văn bản. 

Theo đó, câu hỏi đi từ nhận biết, thông hiểu, đến vận dụng và vận dụng cao. Ở cấp độ nhận biết, đề tập trung vào các câu hỏi nhận dạng thể loại, phong cách ngôn ngữ, nội dung chính của văn bản... Ở cấp độ thông hiểu, đề thường yêu cầu học sinh phân tích nghĩa của từ, lỗi sai về từ vựng hoặc ngữ pháp, hiệu quả nghệ thuật... 

Ở cấp độ vận dụng, có yêu cầu nhận xét về một khía cạnh nội dung hoặc nêu quan điểm về một ý kiến trong văn bản. 

Về nội dung, do xuất phát từ mục tiêu đánh giá năng lực ngôn ngữ, nên văn bản được chọn để làm ngữ liệu cũng phong phú hơn, không gói gọn trong các tác phẩm đã học. Nó có thể trải dài ở nhiều dạng thức ngôn ngữ, như 1 bài thơ, bài báo, bài hát, trang nhật kí, đoạn giao tiếp trên mạng xã hội... Việc lựa chọn này phụ thuộc vào dụng ý của người ra đề. Thường thì ngữ liệu sẽ mang tính thời sự hoặc có một hạt nhân về giá trị tư tưởng, đạo lí, để dễ tích hợp với yêu cầu viết nghị luận xã hội. 

Về cách đánh giá, với cấu trúc và nội dung như vậy, thang điểm và đáp án của đề Văn hiện nay sẽ bám vào kỹ năng và quan điểm chứ không đi vào từng ý về nội dung chi tiết. Học sinh không cần học vẹt bài giảng của giảng viên mà phải chủ động thể hiện kỹ năng diễn đạt và ý kiến cá nhân của mình.

Lý tưởng hơn nữa, xu hướng này có thể hướng đến một thời điểm hợp lý trong tương lai, Việt Nam có thể có một kỳ thi đánh giá năng lực ngôn ngữ chuẩn hoá như IELTS để bao quát cả 4 kỹ năng đọc, viết, nói, nghe".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem