Cô giáo ra đề Văn "tả con đường đến trường", cậu bé lớp 6 gây bất ngờ với 1 nét vẽ

Tào Nga Thứ sáu, ngày 04/11/2022 12:59 PM (GMT+7)
Thay vì một bài văn tả con đường đến trường với nhiều mạch cảm xúc thì cậu bé lớp 6 này đã trả lời bằng một nét vẽ.
Bình luận 0

Bài văn tả con đường đến trường gây bão mạng

Mới đây, mạng xã hội chia sẻ một clip về một cậu bé học lớp 6 với bài văn tả con đường đến trường vô cùng đặc biệt của mình. Không phải là một bài văn với nhiều câu chữ diễn tả mà đó là một hình ảnh rất... lạ mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Theo đó, khi cô giáo yêu cầu "Hãy tả con đường từ nhà đến trường của em", em học sinh này đã vẽ bằng một nét với nhiều đường thẳng gấp khúc. Theo nội dung chia sẻ, khi cô giáo yêu cầu diễn đạt là bài văn, em đã giải thích là đoạn đường từ nhà đến trường vô cùng vất vả, gian nan xuống dốc, lên dốc. Chặng đường đi xa đến mức vẽ hết trang giấy vẫn chưa hết đoạn đường đi. 

Bài văn của em học sinh này ngay sau khi chia sẻ lập tức đã gây bão mạng và nhận được nhiều chia sẻ, bình luận. 

Bài văn tả con đường đến trường gây bão. Clip: MXH

Nhận xét về bài văn trên, chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Đặng Ngọc Ngận, giáo viên dạy Văn ở TP.HCM cho hay: "Bài làm của bạn nhỏ chưa đạt yêu cầu của một bài văn miêu tả, dẫu vậy, đó vẫn là một lời giải mang nhiều ý nghĩa, thể hiện nỗi vất vả của em trong hành trình tìm kiếm tri thức. Những giọt nước mắt ngây ngô của bạn ấy khiến người xem không khỏi chạnh lòng, ai đã từng có một tuổi thơ cơ cực, mỗi ngày hai buổi đi về bởi trường – nhà xa cách, mới hiểu được sự khó khăn mà bạn ấy đang trải qua. 

Là một người giáo viên, tôi hi vọng rằng, cùng với những trăn trở khác, chúng ta cần chia sẻ sự khó khăn của các bạn học sinh, đặc biệt là các bạn nhỏ, mong rằng ở những vùng đất xa xôi của Tổ quốc sẽ có nhiều trường học hơn. Bởi lẽ, đôi khi với chúng ta, đó là điều không quá cần thiết, nhưng với các bạn học sinh, điều đó mang một ý nghĩa rất lớn lao".

Mặc dù bài văn không đạt yêu cầu, tuy nhiên, thầy Ngận cũng bày tỏ quan điểm: "Tôi tin rằng, cô giáo của bạn ấy đã thật sự rất cảm thông với học trò của mình. Cô đã bao dung, không quở phạt bạn. Cô đã cho bạn tiếp tục thực hiện bài làm của mình như một cách chia sẻ với sự nhọc nhằn mà học trò đang trải qua. Với lòng bao dung của cô giáo, chúng ta có quyền tin rằng, khi sửa bài cho bạn, cô sẽ nhắc lại những đặc điểm và yêu cầu của bài văn miêu tả. 

Em học sinh ấy đã có kỹ năng liên tưởng, quan sát - cơ sở nền tảng giúp bài văn miêu tả trở nên chân thật và sinh động. Tuy nhiên, để bài làm ấy trở thành một văn bản mang tính thông báo thẩm mỹ, đáp ứng được những đặc điểm và yêu cầu của văn miêu tả, ngoài cái riêng trong cách quan sát, cách cảm nhận của học sinh, mỗi phụ huynh và giáo viên dạy Văn cần phải kiên nhẫn hơn nữa. Một mặt cần trao đổi, chia sẻ về lý thuyết để học sinh hiểu được đặc trưng của kiểu bài, một mặt đưa ra những dẫn chứng, bài làm minh họa của các bạn cùng lớp, cùng trường,… để học sinh có thể tham khảo, hiểu rõ và làm bài tốt hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem