Cô giáo trẻ mê phượt được hơn 5000 lượt follow bởi những lý do này

Đỗ Huyền-Thanh Tùng Thứ hai, ngày 05/07/2021 07:17 AM (GMT+7)
"Cô giáo đi phượt" là cái tên quen thuộc bạn bè hay nhắc về Lê Ngọc Hân - cô gái trẻ với niềm đam mê xê dịch và khao khát khám phá những miền đất, con người và cuộc sống mới.
Bình luận 0

Đây cũng là cái tên Ngọc Hân đặt cho trang Blog của mình, nơi cô chia sẻ những kiến thức du lịch với hơn 5000 lượt follow tính đến thời điểm hiện tại.

Cô giáo trẻ mê phượt được hơn 5000 lượt follow bởi những lý do này - Ảnh 1.

Lê Ngọc Hân đam mê phượt. (Ảnh: NVCC)

Lê Ngọc Hân hạnh phúc khi được chứng kiến khoảnh khắc "thay áo mới" của những cánh đồng lúa trải dài miên man

Lê Ngọc Hân sinh năm 1998, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và hiện đang là giáo viên tại một trường Tiểu học ở Bắc Giang. Dù không còn được như thời sinh viên nhưng cô giáo trẻ vẫn cố gắng dành thời gian cho những chuyến đi như để giải tỏa mệt mỏi và cũng là cách cô chọn để đặt chân tìm đến những vùng đất mới. "Cứ 2 - 3 tuần, Hân lại đi du lịch một lần. Có những chuyến đi xa, mình cần chuẩn bị kỹ lưỡng và lên kế hoạch chi tiết. Còn những chuyến đi gần mình chuẩn bị sẽ đỡ vất vả hơn và để bản thân tự mình khám phá vùng đất ấy", Hân chia sẻ.

Cô giáo trẻ mê phượt được hơn 5000 lượt follow bởi những lý do này - Ảnh 2.

Xe máy được Lê Ngọc Hân ưu tiên lựa chọn trong mỗi chuyến đi (ảnh:NVCC)

Cô giáo trẻ Lê Ngọc Hân đã đặt chân đến 28 tỉnh, thành và hầu như đã đi hết các tỉnh miền Bắc. Sau mỗi chuyến "phượt", cô đều có cho mình ấn tượng riêng, những câu chuyện mà có lẽ sau này dù không còn đi được nữa cô giáo trẻ ấy cũng không bao giờ quên. Chuyến đi để lại trong cô nhiều kỷ niệm nhất chính là hành trình 15 ngày khám phá Sa Pa và Y Tý mùa lúa chín. 

Chỉ trong 15 ngày nhưng Ngọc Hân đã khám phá được hầu hết các điểm có lúa đẹp nhất ở đây, có những nơi theo cô chia sẻ dù tra google map cũng không tìm ra được, chỉ có thể hỏi đường người dân bản địa. Hân nói: "15 ngày ấy mình được nhìn thấy 2 chiếc cầu vồng cùng một lúc, dòng thác như chiếc vòi nước lấp sau ánh mây dồn nước từ trên trời xuống hạ giới, đám mây như chú rồng tinh nghịch vắt mình qua núi, lúa xanh mơn mởn sau cơn mưa, xếp tầng đẹp và ngon như chiếc bánh xốp, tầng tầng lớp lớp chơi đùa ẩn hiện cùng áng mây đằng xa xa. 

Lần đầu thấy mình được gần gũi với người dân bản địa đến thế, ăn cơm dân bản nấu, ở dưới nếp nhà người Mông, người Hà Nhì, nghe kể về truyền thuyết hay những mẩu chuyện về núi rừng, trò chuyện vui cười với đám trẻ".

Cô giáo trẻ mê phượt được hơn 5000 lượt follow bởi những lý do này - Ảnh 3.

Chiếc máy ảnh cùng cô giáo trẻ ghi lại từng khoảnh khắc (ảnh: NVCC)

Sapa mùa lúa chín sẽ thật tiếc nếu không kể đến những cánh đồng lúa như Lao Chải, bản Hồ, bản Thanh Phú, bản Nậm Sài, bản Dền, bản Ý Linh Hồ... Nhưng bên cạnh đó theo Lê Ngọc Hân, ở đây còn có một mùa lúa Nậm Cang đẹp "quên lối về". Nằm cách thị xã Sapa khoảng 30km, địa điểm này ít người biết tới nên vô cùng bình yên, một Sapa rất khác. 

Nơi đây hoàn toàn hoang sơ, người Dao Đỏ vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống từ mái nhà cho đến trang phục. Khung cảnh Nậm Cang nên thơ, hữu tình những vẫn không một góc máy nào có thể lột tả được hết vẻ đẹp nơi đây. Theo kinh nghiệm săn mùa lúa chín, cô giáo trẻ chia sẻ thêm thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9 là lúc lúa đang độ đẹp nhất. "Chứng kiến khoảnh khắc "thay áo mới" của những cánh đồng lúa trải dài miên man bất tận trên những sườn đồi những ruộng bậc thang quả thật khiến người ta phải trầm trồ".

Cô giáo trẻ mê phượt được hơn 5000 lượt follow bởi những lý do này - Ảnh 4.

Nậm Cang – Sapa mùa lúa chín (ảnh: NVCC)

Như một gương mặt quen thuộc trong các hội nhóm về du lịch, Lê Ngọc Hân có thói quen luôn chia sẻ những bức ảnh về các địa điểm mình đi qua để mọi người biết và cùng khám phá. Quãng thời gian chinh phục các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc cô chủ yếu di chuyển bằng xe máy một phần để tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng để chủ động hơn trong việc đi lại và tham quan. 

Ngọc Hân từng chia sẻ trên trang Blog của mình về một số tips cho những chuyến đi: "Nếu chỉ có một mình, mình sẽ liên hệ các tour uy tín để ghép đoàn. Như vậy vừa được khám phá vùng đất mới, chi phí vừa rẻ lại kết được nhiều bạn mới chung sở thích. Khi đã chán với việc đến những điểm du lịch bị thương mại hoá, mình sẽ tìm đến các bản làng hoang sơ. Người dân thường rất mến khách lại không mất vé vào. Mình còn trẻ, đừng trói buộc bản thân trong 4 bức tường, hãy bước ra ngoài kia và trải nghiệm cuộc sống đầy sắc màu. Còn rất nhiều nơi đợi bạn đến khám phá.

Cô giáo trẻ mê phượt được hơn 5000 lượt follow bởi những lý do này - Ảnh 5.

Lê Ngọc Hân đi du lịch trái mùa là một cách để tiết kiệm chi phí

Khi đến với các tỉnh miền Trung và phía Nam, Hân chọn phương tiện là ô tô hoặc máy bay và cũng cố gắng để "săn" được vé rẻ. Tuy nhiên khi đến nơi, cô vẫn chọn thuê xe máy để đi lại để đỡ bất tiện hơn. Chuyến đi Phan Thiết 2 ngày 1 đêm gần đây nhất của Ngọc Hân với tổng chi phí khoảng 2.500.000 cho tất cả các mục, từ đi lại, nghỉ ngơi và ăn uống. Giá vé khứ hồi mà cô "săn" được là 1.300.000, phí thuê xe máy đi lại giữa các địa điểm là 200.000/ngày. 

Cô giáo trẻ mê phượt được hơn 5000 lượt follow bởi những lý do này - Ảnh 6.

Cùng em bé người Dao tại bản Tả Phìn – Sapa (ảnh: NVCC)

Ngoài ra, việc ăn uống được cô đánh giá là rất rẻ và tuỳ vào nhu cầu riêng của từng người. Trước mỗi chuyến đi xa, cô giáo trẻ phải có cho mình một kế hoạch, lịch trình để dự trù kinh phí và tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt được mong muốn khám phá của mình. Chia sẻ về chi tiêu là một trong những bài viết được rất nhiều bạn trẻ theo dõi trên trang Blog của Hân - câu chuyện về việc làm thế nào để tiết kiệm tài chính nhất có thể. 

Cô giáo trẻ chia sẻ trên trang của mình: "Ngay từ hồi sinh viên, mình đã có những trải nghiệm hết sức tuyệt vời, mỗi tháng mình đều giành thời gian cho những chuyến đi. Do chỗ làm thêm xa và lương không được cao nên mình đã chọn cách sống tiết kiệm". Thay vì mua một bộ váy 500-700.000 thì Hân lại dành ra khoản tiền ấy để góp thêm cho những chuyến đi. Đồng thời, việc đi du lịch trái mùa, di chuyển bằng xe máy hay tiết kiệm chi phí bằng việc lựa chọn nhà cộng đồng tại các homestay, camping thay vì các dịch vụ đắt đỏ khác là ưu tiên hàng đầu của Hân khi bắt dầu hành trình của mình.

Cô giáo trẻ mê phượt được hơn 5000 lượt follow bởi những lý do này - Ảnh 7.

Chuyến "xê dịch" đến Phan Thiết – Bình Thuận (ảnh: NVCC)

Nhiều người vẫn nói nên tranh thủ thời gian khi còn là sinh viên để đi du lịch, làm những điều mình muốn vì khi bắt đầu đi làm, cuốn vào vòng xoáy công việc sẽ rất khó để đi. Tuy nhiên với Lê Ngọc Hân, cô gái ấy luôn dành cho bản thân những ngày cuối tuần, vừa giải tỏa stress sau một tuần làm việc mệt mỏi, vừa để thỏa mãn niềm đam mê xê dịch. Dịp lễ tết thường được nghỉ dài hơn nhưng lượng khách tham quan rất đông nên Hân phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Đây chính là cách để cô cân bằng cuộc sống giữa công việc và đam mê của mình.

Sau mỗi chuyến đi, Hân cảm thấy như mình được bước vào một trang mới của cuộc đời, được sống với chính mình và gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn mới, đặc biệt là những người bạn có cùng đam mê xê dịch trên khắp cả nước. Khi được hỏi về việc liệu cô có dự định tiếp tục những chuyến "phượt" đến năm bao nhiêu tuổi, Hân không chần chừ mà trả lời: "Luôn nuôi trong mình khao khát được đặt chân tới những chân trời mới, khám phá nhiều địa điểm thú vị và trải nghiệm nhiều nếp sống và văn hoá, khi nào trái tim này còn đập thì có lẽ mong muốn được đi của mình vẫn còn cháy".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem