"Cỗ máy chiến tranh" Larry Olubamiwo: Võ sĩ nào cũng dùng chất cấm...

Thứ sáu, ngày 05/06/2020 13:10 PM (GMT+7)
Tay đấm có biệt danh “cỗ máy chiến tranh” từng suýt phải giải nghệ sớm năm 2012 vì dương tính với chất cấm. Hồi tưởng lại về thời khắc khó khăn nhất cuộc đời mình diễn ra 8 năm trước, Olubamiwo nói thẳng gần như mọi võ sĩ boxing chuyên nghiệp đều từng dùng doping. Họ chỉ chưa bị phát hiện hoặc hợp pháp hóa chúng mà thôi.
Bình luận 0

Ai cũng dùng chất cấm

Sinh ra trong một khu phố nghèo ở London, Larry Olubamiwo từng lang bạt qua vô số sàn boxing "phủi" ở giải nghiệp dư, trước khi chính thức thi đấu chuyên nghiệp ở tuổi 30. Thành tích của anh không quá ấn tượng so với những đồng nghiệp khác: 11 thắng, 19 thua, 0 hòa. Dễ hiểu vì sao chẳng mấy ai biết đến anh, và "cỗ máy chiến tranh" còn chẳng có trang Wikipedia cá nhân nào về mình.

"Cỗ máy chiến tranh" Larry Olubamiwo: Võ sĩ nào cũng dùng chất cấm... - Ảnh 1.

Lần duy nhất cái tên Olubamiwo được biết đến rộng rãi diễn ra vào năm 2012. Anh bất ngờ chịu án cấm thi đấu 4 năm vì dương tính với 13 loại doping khác nhau. Tay đấm này hoảng hốt, không hiểu vì sao mình chẳng bao giờ gian lận mà lại phải chịu phạt nặng như thế. Anh nộp đơn kháng án lên Ủy ban chống doping Vương quốc Anh và giải trình rõ mọi việc. Cuối cùng án phạt giảm xuống còn 1 năm. Điều gì giúp Olubamiwo có thể trở lại nhanh đến như vậy?

Mãi đến giờ này cựu võ sĩ 42 tuổi mới tiết lộ một phần phía sau hồi ức khó quên nhất cuộc đời mình. Thẳng thắn nhìn nhận doping như một phần không thể thiếu trong cuộc đời một VĐV chuyên nghiệp, anh cho biết: "Ai cũng phải dùng đến hóa chất để cải thiện bản thân. Bạn thức dậy uống một ly cà phê có caffeine, rồi uống bia rượu có cồn để giải trí. Hút thuốc lá thì có nicotine. Tất cả chúng đều là hóa chất cả thôi".

"Cỗ máy chiến tranh" Larry Olubamiwo: Võ sĩ nào cũng dùng chất cấm... - Ảnh 2.

Olubamiwo cho rằng danh mục chất cấm trong môn quyền Anh còn quá mập mờ.

Olubamiwo khẳng định anh không bất ngờ trước thông tin Tyson Fury có thể bị tước hết đai vô địch vì dương tính với chất cấm. 90% các võ sĩ boxing chuyên nghiệp đều từng dùng doping trong đời mình. Nhưng tại sao người thường được sử dụng hóa chất trong đời sống hàng ngày, còn VĐV dùng nó lại bị coi là doping? VĐV cũng là người. Giống Olubamiwo, họ cần làm vậy để kiếm thêm tiền chăm lo cho gia đình.

Vì sao người bị phạt, người không?

Trong trường hợp của Olubamiwo, anh được giảm án vì chủ động hợp tác với cơ quan phòng chống doping. Các điều tra viên tiến hành thẩm vấn những cộng sự của tay đấm này và khám phá ra một sự thật kinh hoàng khác. Olubamiwo vẫn đưa chất cấm vào trong cơ thể hàng ngày mà không hề hay biết. Thủ phạm đứng sau chuyện đó là các ông bầu, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng của anh. Họ âm thầm tiêm, bỏ, rắc vào các loại thức uống, thực phẩm hàng ngày để anh chơi tốt hơn.

Nhận định của Olubamiwo đáng tin hơn ở hai điểm. Thứ nhất, anh chỉ lên tiếng khi mình đã rời xa võ đài. Thứ hai, tay đấm này vừa tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Hóa - Dược. Mang trong mình kiến thức chuyên môn của một VĐV cũng như dược sĩ, rõ ràng lời Olubamiwo rất đáng tham khảo. Một vấn đề khác được anh đề cập tới là sự mập mờ trong quy định giữa các chất bị cấm và được cho phép.

Tại sao có cùng công dụng như nhau nhưng A được sử dụng thoải mái, còn B bị cấm tiệt? Maria Sharapova hẳn sẽ đồng tình với quan điểm của Olubamiwo. Tay vợt Nga từng dùng một loại thuốc nâng cao thể trạng trong nhiều năm vì nó nằm trong danh mục cho phép, rồi bất ngờ bị cấm thi đấu bởi chất này bị liệt vào danh sách doping lúc nào không hay. Phán quyết đó từng suýt làm Sharapova phải giải nghệ sớm vì không chịu nổi áp lực từ dư luận.

Trở lại với môn boxing, Olubamiwo cho rằng quy định về danh mục chất cấm và chất cho phép sử dụng cần được hệ thống lại thay vì mập mờ như hiện tại. Ở một góc độ nào đó, cách làm này còn giúp boxing trở thành một môn thể thao bớt nguy hiểm hơn trước. Mọi người vốn nghĩ các tay đấm dùng thuốc tăng cường thể trạng thì sẽ tăng số ca chấn thương và tử vong trên võ đài, nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại.

Không VĐV nào chết do bị đấm 1-2 cú cả, họ thường chết vì ảnh hưởng từ nhiều cú đấm tích tụ lại. Nếu các tay đấm dùng thuốc, các cú đấm mạnh hơn, trận đấu cũng diễn ra ngắn hơn trước. Thế nên mở rộng việc dùng thuốc mới là giúp các VĐV.

WBC nối lại việc thử doping

Hội đồng Quyền Anh Thế giới (WBC) vừa thông báo họ sẽ nối lại việc thử doping trong khuôn khổ "Chương trình Quyền Anh Sạch" (Clean Boxing Program) hợp tác với Hiệp hội Phòng chống Doping Tự nguyện (VADA). Trước đó, việc kiểm tra đã bị đình lại suốt 3 tuần kể từ ngày 21/03 để phòng ngừa sự lây lan của virus corona. Chủ tịch Mauricio Sulaiman của WBC cho biết: "Cả chúng tôi lẫn VADA đều đã sẵn sàng. Tất cả chỉ còn chờ sự xác nhận từ các phòng xét nghiệm".

Olubamiwo vẫn nhớ võ đài

Larry Olubamiwo đã không đấu thêm trận nào suốt 5 năm qua, kể từ thất bại trước người thách đấu Hughie Fury năm 2015. Thay vì đấm bốc, võ sĩ 40 tuổi giờ chuyển sang làm diễn viên với việc tham gia 8 bộ phim và vừa giành vai trong loạt phim truyền hình "The Capture" của kênh truyền hình BBC One. Nhưng phát biểu trên tờ World Boxing News, anh vẫn khẳng định: "Dù thích đóng phim, nhưng tôi vẫn chưa hết duyên với võ đài. Tôi sẽ cố gắng theo đuổi cả hai niềm đam mê này".

Cẩm Chi (Theo Bóng đá Plus)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem