"Có những ngành nghề tưởng vất vả nhưng thật ra đất nước đang vô cùng thiếu và cần"

Tào Nga Thứ tư, ngày 13/04/2022 12:54 PM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT trong một buổi giao lưu trực tuyến.
Bình luận 0

Những điều chỉnh trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2022

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT đã chia sẻ về những điều chỉnh trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2022. Theo đó, trong buổi tọa đàm "Chọn trường "top" hay ngành yêu thích", PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy cho biết: "Chủ trương của Bộ GDĐT mong muốn giữ một kỳ tuyển sinh tương đối ổn định như những năm vừa qua, để các em thí sinh yên tâm trong quá trình học tập, ôn tập.

Ở đây, những điều chỉnh về mặt kỹ thuật là để mang lại điều kiện thuận lợi hơn cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh. Những điều chỉnh kỹ thuật mà các bạn thí sinh đặc biệt quan tâm: Trước hết là quá trình các bạn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển nguyện vọng. Trước đây, chúng ta đăng ký dự thi và xét tuyển vào cùng một thời điểm qua trực tiếp và trực tuyến, còn hiện nay các bạn đăng ký thi tốt nghiệp THPT và dự thi xong, biết được khoảng điểm của mình, thậm chí là đã biết điểm rồi mới đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào đại học, cao đẳng. Đăng ký nguyện vọng sẽ có khoảng thời gian để thí sinh có thể thay đổi.

"Có những ngành nghề tưởng vất vả nhưng thật ra đất nước đang vô cùng thiếu và cần"  - Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT trong cuộc tọa đàm do báo Dân Trí tổ chức tối 12/4. Ảnh: CMH

Ngoài ra, việc đăng ký dự thi và xét tuyển được thực hiện trực tuyến. Với hạ tầng cơ sở về công nghệ thông tin hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này một cách thuận lợi.

Một điểm mới nữa là các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh dù là theo phương thức nào (bằng học bạ, bằng điểm thi tốt nghiệp THPT…) đều vào cùng một hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Sau đó, hệ thống hỗ trợ xét tuyển nguyện vọng theo thứ tự này. Điều này sẽ giúp hạn chế thí sinh "ảo". Các cơ sở đào tạo cũng xác định được đúng số lượng thí sinh "ảo", qua đó tuyển được số lượng thí sinh nhà trường mong muốn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa vào những quy định để cơ sở đào tạo có được sự công bằng với thí sinh. Ví dụ có nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau, các trường sẽ phải giải trình với phụ huynh, thí sinh và xã hội vì sao lại phân bổ chỉ tiêu như vậy.

Một điểm mới rất thuận lợi cho thí sinh, đó là cơ sở dữ liệu ngành được cập nhật. Điểm học tập của các em ở bậc THPT sẽ được cập nhật đồng bộ trên hệ thống thi và xét tuyển. Lúc này các em không cần phải xin xác nhận từ trường THPT hay phải photo công chứng để các em đem đi xét tuyển. Các cơ sở tuyển sinh có thể xem điểm học bạ của các em trên hệ thống này. Nhờ đó, các em giảm thiểu được công sức, chi phí trong nộp hồ sơ xét tuyển.

Về vấn đề hiện nay có tới 20 phương thức xét tuyển đại học khiến phụ huynh và học sinh choáng ngợp, Vụ trưởng Vụ đại học cho biết: "Các trường đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Các phương thức xét tuyển mà các trường đưa ra cũng nhằm chọn được những thí sinh phù hợp nhất với chương trình đào tạo mà trường cung cấp.

Con số 20 có thể làm cho các bạn thấy lo lắng nhưng thực ra mỗi trường không sử dụng nhiều phương thức xét tuyển tới như vậy. Mỗi trường sẽ sử dụng phương thức xét tuyển phù hợp với mình. Tất nhiên có những trường hợp đặc biệt như các trường khối nghệ thuật, năng khiếu nên sẽ có những phương thức riêng. Hay những trường thuộc khối công an, quân đội sẽ có những điều kiện sơ tuyển khác biệt với đại đa số.

Vì vậy, tưởng chừng như có nhiều phương thức xét tuyển nhưng kỳ thực đã được khu trú cho phù hợp với điều kiện của các trường.

Ngoài ra, các phương thức tuyển sinh đã được các trường công bố trước. Cơ sở đào tạo sẽ không muốn làm cho các bạn ngạc nhiên vì có những thay đổi đột ngột. Cho nên thí sinh có thể tìm hiểu thông tin từ những trường mong muốn để không phải lo lắng".

Chọn ngành, chọn trường thế nào?

Chia sẻ về chọn ngành hot, trường hot GS.TS. Nguyễn Thu Thủy cho rằng: "Khái niệm danh giá rất khó xác định. Khi tìm hiểu về một ngôi trường, thí sinh nên nhìn vào mức độ minh bạch thông tin của trường đó. Nếu trên trang web của nhà trường có đầy đủ thông tin mà mình trông đợi, đó đã là biểu hiện rất tốt để thí sinh có thể so sánh giữa các cơ sở đào tạo với nhau.

Về phía Bộ GDĐT cũng yêu cầu công khai của cơ sở đào tạo tới người học, để toàn xã hội và các bên liên quan có thể giám sát được, đấy là thông số đầu tiên. Thứ hai về giảng viên, cơ sở vật chất, thư viện, nguồn học liệu có thể tiếp cận…

Một khi đã có công cụ rõ ràng để đối chiếu, thí sinh không còn bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người thân.

Tôi không cổ súy cho việc nhìn vào thứ tự xếp hạng nhưng đó cũng là căn cứ để xem xét. Ngoài ra, người học có thể xem xét cơ sở giáo dục đó đã có kiểm định chưa, đã được các cơ quan chức năng công nhận về chất lượng các chương trình đào tạo hay không.

Việc thí sinh rất yêu thích và làm mọi cách để vào một ngôi trường danh tiếng là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, mỗi trường có một thế mạnh riêng và các em phải khu trú lĩnh vực ngành nghề mình yêu thích để xem trường nào đào tạo tốt nhất.

Muốn biết đào tạo tốt hay không, người học phải nhìn vào chương trình và ngành chứ không nên nhìn vào trường trước. Điều đó, quyết định hơn việc lựa chọn một ngôi trường mà không biết trong đó họ đào tạo cái gì là thế mạnh. Ngay cả trên thế giới cũng vậy, việc xếp hạng ngành nghề quan trọng hơn là xếp hạng trường.

Về ngành hot, dưới góc độ quản lý nhà nước, tôi xin khẳng định là ngành nghề nào cũng vô cùng cần thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các bạn đừng quá nặng nề như là nhìn vào bạn hàng xóm của mình lựa chọn cái gì, bạn ở trong lớp lựa chọn cái gì, mà chúng ta phải nhìn vào bên trong chúng ta mong muốn cái gì, thực lực của bản thân ra sao, có thể làm gì được trong tương lai.

Chúng tôi hoàn toàn có thể thống kê được rằng tỷ lệ các bạn học sinh đăng ký vào nhóm ngành nào là cao nhất, nhóm ngành nào thấp hơn, nhưng tôi sẽ không chia sẻ vào thời điểm này.

Tôi muốn nói rằng, có những lĩnh vực, ngành nghề chúng ta tưởng rằng rất khó khăn, vất vả nhưng thật ra đất nước đang vô cùng thiếu và cần. Nếu như các bạn là những người giỏi nhất trong lĩnh vực đó, các bạn sẽ có được chỗ đứng của mình trong nghề nghiệp, vừa có thành công cá nhân, vừa đóng góp to lớn cho đất nước.

Do đó, các bạn phải biết thế mạnh của mình ở đâu và phải cố gắng, nỗ lực cao nhất để đạt được vị trí hàng đầu trong lĩnh vực mà mình lựa chọn.

Có những bạn học sinh đang rất giỏi về khoa học tự nhiên nhưng lại lựa chọn lĩnh vực kinh tế để dấn thân. Có những bạn thành công khi đi theo con đường này, nhưng có những bạn sau đó cảm thấy rằng không phù hợp với con người của mình. Vì vậy, các bạn hãy lắng nghe bản thân mình và sự tư vấn từ những người có chuyên môn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem