Có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để “hạ nhiệt” giá xăng

Thanh Phong Chủ nhật, ngày 13/03/2022 17:12 PM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (lần lượt 10% và 8% với xăng RON95 và E5RON92), thuế nhập khẩu (10%) đối với xăng dầu cần được tính tới để kìm đà tăng giá mặt hàng này trong nước, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Bình luận 0

Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 của Việt Nam thì hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: Thuốc lá, rượu, rượu bia, xe ô tô, xe mô tô, xăng các loại... Và theo biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 7 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 sửa đổi năm 2014, thuế suất cụ thể đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7% trên giá nhập tại cảng.

Từ lâu, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu đã được các chuyên gia đánh giá chưa hợp lý. Hiện tại, khi giá xăng tiệm cận 30.000 đồng/lít, vấn đề về thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu lại được các chuyên gia nhắc tới.

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, với cơ cấu hình thành giá có gần 40% là thuế phí, mặt hàng xăng dầu có nhiều cơ hội để giảm giá khi thuế phí được giảm. Trong đó, vị ĐBQH cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt nên được giảm tối đa.

Có thể giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt để “hạ nhiệt” giá xăng - Ảnh 1.

Có thể giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt để “hạ nhiệt” giá xăng. (Ảnh: PVN)

"Chúng ta phải xác định xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, huyết mạch của nền kinh tế, người nghèo cũng phải sử dụng, vì thế không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng dầu như với rượu bia, trong khi chi tiêu cho mặt hàng này của người dân ngày càng tăng. 

Có giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và áp 8% thuế VAT giá xăng mới không vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít. Kiềm chế giá xăng dầu chính là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, không nên chần chừ, vì giá tăng rồi càng khó cho nền kinh tế. Khi tình hình giá dầu thế giới dịu lại, chúng ta trở lại áp dụng như bình thường", ĐBQH Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cũng khẳng định, xăng dầu là hàng hóa thiết yếu của người dân và doanh nghiệp. Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, cho nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu sẽ không hợp lý, nhất là trong bối cảnh chi phí sản xuất đầu vào tăng rất nhanh. 

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam lại đang kích thích tiêu dùng, sản xuất để phục hồi sau dịch Covid-19. Không thể chỉ nhìn vào việc giảm thu ngân sách khoảng 30.000 tỷ đồng mà chần chừ giảm thuế để hạ giá xăng dầu.

Đồng ý với việc có thể giảm thêm các loại thuế khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, có thể giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt trong một khoảng thời gian nhất định với mặt hàng xăng dầu để giảm sức ép tăng giá mặt hàng này trong thời gian tới.

Cụ thể, ông Lâm ví dụ việc giảm thuế để "hạ nhiệt" giá xăng dầu cũng đã được các quốc gia trên thế giới thực hiện thời gian qua. Trong đó, với thuế tiêu thụ đặc biệt, Ấn Độ đã giảm 5 rupee (0,0671 USD)/lít đối với xăng và 10 rupee (0,1342 USD) mỗi lít đối với dầu diesel. Chính phủ liên bang nước này dự kiến sẽ giảm thu từ 550-600 tỷ rupee (7,38-8,05 tỷ USD) từ việc cắt giảm thuế.

Tại Thái Lan, nội các nước này đã quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel còn ở mức 3 Bạt/lít trong thời hạn 3 tháng đến hết ngày 20/5/2022, nhằm giảm mức ảnh hưởng giá dầu ở mức cao đối với hàng hóa tiêu dùng và vận tải. Chính phủ Thái Lan ước tính việc giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel sẽ khiến thu thuế giảm 17 tỷ Bạt.

Tại Ba Lan, Chính phủ nước này đã quyết định giảm thuế đối với xăng dầu, gas. Theo đó, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng từ mức 1,514 PLN/lít xuống mức 1,413PLN/lít trong vòng 5 tháng kể tử ngày 20/12/2021.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp được yêu cầu thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14/3/2022 cho phép bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, đề nghị nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022.

Với việc điều chỉnh giảm mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế Bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng trên (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, làm giảm thu ngân sách Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem