Con vật hoang dã quái ác chuyên rình "ăn trộm của quý" từ rừng ở Kon Tum, dân nói vừa yêu vừa hận

Thứ tư, ngày 29/11/2023 18:55 PM (GMT+7)
Người Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) xem chuột “quý tộc” là đặc sản dùng đãi khách quý, nhưng cũng khá đau đầu bởi món khoái khẩu của nó là “quốc bảo” sâm Ngọc Linh.
Bình luận 0

Từ xưa, sâm Ngọc Linh được bà con người Xơ Đăng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) gọi là “cây thuốc giấu” vì có công dụng thần kỳ, chữa lành vết thương nhanh chóng, giúp phục hồi sức khỏe, tinh thần.

Săn lùng “siêu trộm”

Từ khi được công bố là dược liệu quý, sâm Ngọc Linh trở nên đắt đỏ. Trong vùng, người dân trồng sâm này thường giấu nhẹm thông tin mình “trồng sâm ở đâu, trồng bao nhiêu cây” do lo sợ sâm bị mất cắp.

Tôi may mắn được “vua sâm” A Sỹ (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), người có hơn 100.000 gốc sâm, thu nhập đến cả chục tỉ đồng mỗi năm, dẫn đường mới lên được vườn sâm. Tại đây, tôi được nghe câu chuyện “vừa thích vừa hận” về loài chuột rừng mang tên chuột “quý tộc”.

Ông A Sỹ bảo: “Thịt chuột ở đây ngon không có thịt gì bằng nhưng nó có thói quen ai cũng ghét là thích ăn hạt và củ sâm Ngọc Linh. Chỉ vài nhát cắn, người dân có thể bị thiệt hại từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Mới đây thôi, chỉ nghỉ tết có hai ngày không lên vườn, hàng chục hộ dân đã báo có mấy ngàn gốc sâm bị chuột gây hại”.

Theo chân ông A Sỹ, chúng tôi men theo lối nhỏ, băng qua ba chốt chặn trên rừng mới vào được vườn sâm. Ông A Sỹ dặn nhỏ không được tự ý đi lung tung kẻo mang họa. Mỗi vườn sâm đều có bẫy chuột giăng kín xung quanh để ngăn “siêu trộm sâm quốc bảo”.

Con vật hoang dã quái ác chuyên rình "ăn trộm của quý" từ rừng ở Kon Tum, dân nói vừa yêu vừa hận - Ảnh 1.

Người dân vùng trồng sâm Ngọc Linh trong rừng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum dùng bẫy dây bắt chuột sâm tại vườn sâm quý. Ảnh: LK

Đang miên man câu chuyện, chúng tôi bỗng giật mình với tiếng la và truy đuổi của A Lang (thanh niên làng Đắk Viên, xã Tê Xăng đi cùng đoàn). Thì ra A Lang đang truy bắt con chuột “quý tộc” trú trong lùm cây. Chỉ sau 3 phút, con chuột hết đường đành co rúm lại trong bị.

A Lang chia sẻ thường bà con dùng bẫy sắt, bẫy dây hoặc đèn pin soi vào mắt, lấy ná cao su bắn chuột vào ban đêm. 

Loại chuột này khá tinh ranh, bẫy bình thường ít dính. Vậy nên họ lấy hạt ngô trộn với hạt tiêu rừng để tạo mùi thơm mới bẫy được. Khác với đồng loại, giống chuột này có màu lông vàng óng mượt, bụng trắng, răng sắc nhọn.

Nói về giải pháp trị chuột ăn sâm, ông A Sỹ cười bảo: “Giải pháp thì nhiều lắm nhưng đều chưa triệt để. Thông thường mình phải có mặt tại vườn, đi tuần cho nó thấy, nó sợ không dám đến và đặt bẫy. Nhiều người cũng nghĩ cách dùng thuốc độc nhưng sợ nó dính bẫy và bị người khác bắt được, làm thịt ăn thì nguy hiểm nên không ai làm”.

Theo ông A Đê, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) để trị loài chuột sâm này, chính quyền địa phương thường xuyên khuyến khích, vận động người dân có nhiều biện pháp phòng ngừa. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là dùng lưới rào kín vườn sâm và bố trí bẫy xung quanh. Cách bẫy là đặt một cái cây bắc thành cái cầu để chúng bò lên và đặt bẫy ngay trên đó.

Con vật hoang dã quái ác chuyên rình "ăn trộm của quý" từ rừng ở Kon Tum, dân nói vừa yêu vừa hận - Ảnh 2.

Con vật hoang dã quái ác chuyên rình "ăn trộm của quý" từ rừng ở Kon Tum, dân nói vừa yêu vừa hận - Ảnh 3.

Anh A Lang bắt được chuột “quý tộc” giữa ban ngày (ảnh trái) và hạt sâm Ngọc Linh được bọc lại để tránh chuột ăn (ảnh phải). Ảnh: LK

“Mấy con chuột này ăn sâm nên khôn lắm, mình bẫy bình thường nó né hết” - ông A Đê nói.

Thịt chuột sâm-Món ngon đãi khách quý

Sau chuyến leo núi rã rời, “vua sâm” A Sỹ mời chúng tôi dùng bữa và thiết đãi món khách phương xa ao ước là thịt chuột “quý tộc” nướng và nấu canh. Món nướng được dọn lên bàn trước, trông cháy sém, đen bóng, tỏa ra mùi thơm phức nao lòng.

"Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu chủ lực thoát nghèo ở địa phương. Trong ba năm qua trên địa bàn có gần 2.000 hộ thoát nghèo, trong đó phần lớn nhờ vào trồng, mua, bán dược liệu sâm Ngọc Linh.

Đặc biệt, nhiều hộ đã làm giàu lên từ sâm Ngọc Linh, chỉ tính ba xã Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Lây có gần 70 hộ làm giàu, thu nhập từ 500 triệu đến 10 tỉ đồng/năm. Toàn huyện có khoảng 1.700 ha sâm Ngọc Linh".

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Thấy khách rụt rè, ông A Sỹ bảo: “Còn nóng, ăn cho ngon”. Do lần đầu ăn thịt chuột sâm nên tôi cũng hơi e ngại. Nhưng sau ly rượu sâm ấm bụng, mạnh dạn cầm miếng thịt quệt muối ớt mới, tôi cảm nhận được vị ngon mê ly và không đắn đo nữa.

Ông A Sỹ vui vẻ nói: “Đây là những món ngon, chỉ có khách quý hoặc dịp lễ mới dọn ra mời. Nếu ăn quen thì mới cảm nhận được, không có thịt gì so bì được với thịt chuột sâm. Chuột nó ăn sâm, mình ăn nó thì bổ còn gì bằng. Chuột sâm này có thể được chế biến ra rất nhiều món như nướng, xào sả ớt, nấu chuối…”.

Chuyện này làm tôi nhớ đến lời của chị Y Hlạng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). 

Theo chị Hlạng, trước đây chưa có tủ lạnh, bà con bẫy được chuột sâm đều làm thịt, rửa sạch rồi gác phơi khô trên bếp để ăn dần. 

Nay có tủ lạnh, nhà ai cũng có chuột “quý tộc” tươi trong nhà. Nếu mua ở ngoài, một con chuột sâm giá 50.000 đồng.

Chị Hlạng cho biết: “Hiện nay mỗi ký củ sâm Ngọc Linh có giá 70-130 triệu đồng, củ sâm Ngọc Linh lâu năm có thể vài trăm triệu đồng/kg. Lá sâm Ngọc Linh cũng bán được 13-15 triệu đồng/kg, riêng hạt sâm Ngọc Linh bán được 100.000 đồng/hạt. 

Nếu mỗi cây sâm Ngọc Linh có trái đều có thể thu 30-60 hạt/cây… Nếu quy ra tiền mới thấy giá trị cây sâm rất cao. Vì thế mới nói với chuột “quý tộc”, dân vừa yêu vừa hận”.

Lê Kiến (Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem