Con gái dàn cảnh bắt cóc cháu để tống tiền mẹ ruột ở TP.HCM có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ hai, ngày 11/07/2022 11:06 AM (GMT+7)
Trần Ngọc Kim Trang lên kế hoạch bắt cóc cháu N., để tống tiền chính mẹ ruột của mình. Pháp luật quy định thế nào về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản?
Bình luận 0

Dàn cảnh bắt cóc cháu để tống tiền mẹ ruột 200 triệu

Công an TP Thủ Đức đang tạm giữ Vũ Quốc Sơn (22 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) để điều tra về hành vi dàn cảnh bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.

Theo đó, khoảng 21h15 tối 8/7, Công an TP Thủ Đức nhận được tin báo của bà T.L. (53 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) về việc bà nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ cho biết đang giữ cháu nội của bà và yêu cầu bà đưa 200 triệu đồng, nếu không sẽ "không được gặp lại cháu nội".

Con gái dàn cảnh bắt cóc cháu để tống tiền mẹ ruột ở TP.HCM có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Tại cơ quan công an, Sơn khai được Trang thuê dàn cảnh vụ bắt cóc để chiếm đoạt tài sản của mẹ ruột là bà L. Ảnh công an cung cấp.

Bà L. cho biết khoảng 19h cùng ngày, con gái ruột của bà là Trần Ngọc Kim Trang chở cháu nội của bà là cháu L.X.B.N. (6 tuổi) đi chơi. Đến 21h, khi chưa thấy con gái và cháu nội về, bà L. liên lạc nhưng điện thoại của Trang tắt máy, sau đó bà nhận được tin nhắn như trên.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu của hành vi "bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản", nạn nhân là trẻ em, Ban Giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo Phòng cảnh sát hình sự phối hợp Công an TP Thủ Đức khẩn trương truy xét, giải cứu (nếu có).

Qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ truy xét, truy tìm đối tượng gây án, đến 0h ngày 9/7, các đơn vị có liên quan đưa đối tượng nghi vấn là Sơn về làm việc. Tại cơ quan công an, Sơn bước đầu khai nhận Trang thuê Sơn dàn cảnh vụ "bắt cóc" để chiếm đoạt tài sản của mẹ ruột là bà L.

Khung hình phạt của hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt giữ người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của người thân của người bị bắt giữ.

Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản không chỉ xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân (bắt giữ người trái pháp luật) mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản.

Mục đích thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân là để nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.

Hành vi này ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ.

Đối tượng bắt cóc không chỉ xâm phạm đến tự do thân thể của công dân, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản mà hành vi này cũng có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân.

Bởi vậy hành vi này liền một lúc xâm hại đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, có tính chất nguy hiểm cao đối với xã hội.

Ông Cường cho biết, theo Điều 169 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người có hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù trong thời gian từ 2 năm lên đến 7 năm. Người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Bị phạt tù từ 5 lên đến 12 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như phạm tội một cách có tổ chức, hành vi phạm tội mang tính chất chuyên nghiệp, trường hợp đối với người dưới 16 tuổi, có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng…

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng, gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân với mức tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên… sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm.

Theo ông Cường, người bị điều tra về hành vi này nếu bị xác định là có tội, tùy tính chất mức độ mà có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem