Con "lộc trời" xuất hiện nhiều, người dân một xã của Hải Dương vớt mỏi tay, bán 300.000 đồng/kg, ngày nào cũng thu tiền triệu

Nguyễn Thảo Chủ nhật, ngày 31/12/2023 11:21 AM (GMT+7)
Từ đầu tháng 10 đến nay, người dân xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã thu hoạch rươi chính vụ với tổng sản lượng 150 tấn, tăng 20 tấn so với cùng kỳ năm trước, nhiều nhất từ trước đến nay.
Bình luận 0

Năng suất rươi trung bình đạt 40 kg/sào, tăng 5-7 kg/sào so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do người dân quan tâm cải tạo, mở rộng diện tích khai thác rươi trong đồng, tạo môi trường cho rươi sinh trưởng, phát triển...

Hiện giá rươi từ 300.000 – 330.000 đồng/kg, tương đương cùng kỳ năm trước. Người dân xã An Thanh tiếp tục thu hoạch rươi đến cuối tháng 12 âm lịch.

Đến nay, toàn xã An Thanh có 300 ha diện tích khai thác rươi cáy ở trong đồng và ngoài bãi với gần 500 hộ tham gia.

Người dân xã An Thanh cũng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi rươi kết hợp sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Con "lộc trời" xuất hiện nhiều, người dân một xã của Hải Dương vớt mỏi tay, bán 300.000 đồng/kg, ngày nào cũng thu tiền triệu - Ảnh 1.

Người dân xã An Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương) phấn khởi vì rươi năm nay được mùa, được giá.

Năm 2023, dự án có 3 hộ tham gia với quy mô 10 ha. Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ các hộ 10 triệu con rươi giống và 500kg chế phẩm vi sinh ZEO BACILLUS. Trung tâm lựa chọn Công ty TNHH Đặc sản rươi cáy Hà Tiến ở thôn An Định, xã An Thanh là đơn vị tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ tham gia dự án; lựa chọn giống lúa ST25 trồng trong mô hình và đối chứng với giống lúa hom.

Qua triển khai mô hình tại Hải Dương cho thấy, năng suất lúa và rươi đều cao hơn so với mô hình không bổ sung rươi giống, vi sinh. Cụ thể, sản lượng rươi đạt 1.940 kg/ha; năng suất lúa đạt gần 5 tấn/ha. Về hiệu quả kinh tế, thu lãi từ mô hình hơn 618 triệu đồng/ha, cao hơn 89 triệu đồng so với mô hình đối chứng.

Việc triển khai dự án góp phần đánh giá hiện trạng vùng rươi đặc hữu của tỉnh; bảo vệ và phát triển loài thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế cao của địa phương, xây dựng phát triển nghề nuôi rươi trên địa bàn. Dự án cũng giúp nâng cao nhận thức và trình độ kỹ thuật của người dân trong sản xuất rươi; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, hướng đến nuôi thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn gen giống rươi...

UBND huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) cũng vừa công nhận 20 sản phẩm OCOP 3 sao, tăng 19 sản phẩm so với năm 2022, trong đó có nhiều sản phẩm liên quan đến rươi. Trong số 20 sản phẩm được công nhận có nhiều sản phẩm liên quan đến rươi, gồm: chả rươi và mọc rươi Hải Nam (cơ sở sản xuất Hải Nam, xã Nguyên Giáp); chả rươi và rươi đốt Tuấn Viên (hộ kinh doanh Nguyễn Quốc Tuấn, xã Minh Đức); rươi cấp đông và nem rươi Hà Tiến (Công ty TNHH Hà Tiến, xã An Thanh).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem