Còn tranh giành, ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm

29/01/2021 15:30 GMT+7
Theo Bộ Tài chính, thị trường bảo vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức, xúi giục hay ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm,...

Còn tình trạng tranh giành, ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm

Bộ Tài chính vừa ban hành tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Chính phủ.

Tại tờ trình, Bộ Tài chính thừa nhận, do Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành cách đây 20 năm, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm và hội nhập, hợp tác quốc tế, nên thị trường cũng bộc lộ một số tồn tại và cơ chế chính sách cũng có những bất cập chưa theo kịp với thực tế.

Những tồn tại được thể hiện ở chỗ tiềm năng thị trường bảo hiểm còn rất lớn; nhu cầu bảo hiểm trong khu vực công, khu vực công nghiệp, thương mại, hộ gia đình và dân cư đang đòi hỏi ngày càng cao, trong khi quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn.

Hiện tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP còn thấp (3%) so với các nước tiên tiến trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (9,7%) và của thế giới (6,1%)1.

Tranh giành, ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm - Ảnh 1.

Vẫn còn tình trạng tranh giành, ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm còn chưa cao. Trong đó, nhiều khu vực, tầng lớp, tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận được với các sản phẩm bảo hiểm thương mại phù hợp với nhu cầu, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm cho các tài sản cá nhân.

Thông tin và nguồn thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm còn chưa đa dạng, đầy đủ, toàn diện để có cơ sở so sánh, tìm hiểu, quyết định tham gia bảo hiểm, nên có những tranh chấp phát sinh.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức, ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau (đại lý với đại lý hoặc môi giới, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc giữa các chi nhánh của cùng doanh nghiệp với nhau).

Ngoài ra, còn có tình trạng phí bảo hiểm chưa tương xứng với rủi ro được bảo hiểm.

Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có thể có hợp đồng bảo hiểm được giao kết với phí bảo hiểm thấp hơn rủi ro nhận bảo hiểm do hạ phí để cạnh tranh lấy khách hàng; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có thể có sản phẩm bảo hiểm có phí bảo hiểm cao hơn do phần chi phí cho kênh phân phối cao hơn chi phí rủi ro bảo hiểm,..

Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm,...

Thị trường bảo hiểm Việt Nam phụ thuộc vào các nhà tái bảo hiểm nước ngoài

Về quản trị điều hành, Bộ Tài chính nhận định mặc dù năng lực quản trị điều hành, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm đã được tăng cường, từng bước chuẩn hóa theo chuẩn mực quốc tế, nhất là đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có thị phần lớn.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có năng lực cạnh tranh thấp do vốn còn nhỏ, quản trị doanh nghiệp yếu, khả năng kiểm soát rủi ro của một số doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế; chất lượng cán bộ chưa theo kịp và chưa đáp ứng với sự phát triển của thị trường.

"Những bất cập trên dẫn đến thị trường bảo hiểm Việt Nam bị phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà tái bảo hiểm nước ngoài khi phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới hay nhận bảo hiểm cho các công trình, tài sản lớn. Điều này sẽ dẫn đến các hệ lụy lâu dài về rủi ro tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và tính độc lập, chủ quyền của thị trường bảo hiểm Việt Nam", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm là thực sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan và yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách và sự tồn tại của thị trường, bảo đảm các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm...

Theo Bộ Tài chính các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm về cơ bản không làm thay đổi kết cấu, nội dung cơ bản mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Được biết, trong giai đoạn 2000 - 2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng nhanh vượt bậc so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 70 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm…

Đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1 triệu lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng.

Hiện nay, khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 10% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn, 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn, 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không…

Tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP bổ sung Điểm d Khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

b) Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

c) Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;

d) Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục