Công viên ở TP.HCM bị xẻ thịt để phục vụ ai?

Hồ Văn Chủ nhật, ngày 08/07/2018 08:40 AM (GMT+7)
Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu chấm dứt tình trạng bát nháo ở các công viên lớn trong thành phố. Tuy nhiên, những quán cà phê, quán nhậu, ca nhạc, ... đang đem lại lợi ích cho ai?
Bình luận 0

Tại cuộc họp sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong rất bức xúc với tình trạng công viên bị chiếm dụng, mảng xanh bị thu hẹp.

“Công viên là nơi nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của người dân sau một ngày làm việc mệt mỏi. Vậy mà tôi thấy công viên gì toàn cà phê, quán nhậu, ca nhạc. Phải chấm dứt tình trạng này càng sớm càng tốt, không thể để bát nháo vậy được”, ông Phong chỉ đạo Sở GTVT.

img

Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo phải trả lại đúng công năng cho công viên

Ai xẻ thịt công viên?

Phóng viên Dân Việt đã đến các công viên lớn của TP.HCM để mục sở thị tình trạng như Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói.

img

Một góc quán cà phê, rạp xiếc chiếm dụng một phần Công viên Gia Định

Tại Công viên Gia Định, ngay góc đường gần ngã năm Nguyễn Thái Sơn thuộc quận Gò Vấp, một quán cà phê to chắn phía bên ngoài rạp xiếc (đang được UBND TP.HCM cho trú trạm chờ dời về chỗ mới). Giữa công viên, bên cạnh trạm cấp nước còn hai quán cà phê khác cũng đang kinh doanh.

Đặc biệt, tại khu vực này còn có hơn 10 hộ dân đang sinh sống ngay trong lòng công viên, kinh doanh phế liệu vô cùng nhếch nhác. Ở phần công viên thuộc quận Phú Nhuận, một nhà hàng và một quán cà phê nằm nối liền với ba sân bóng, chiếm dụng một khoảng không gian lớn của công viên.

img

Một phần Công viên 23-9 bị chiếm dụng làm nhà hàng, cà phê

Tại Công viên 23-9, thuộc quận 1 còn tệ hơn, một phần đất bên trong được sử dụng làm bãi xe buýt, sân khấu ca nhạc, quán cà phê, trung tâm thương mại ngầm… Nổi bật nhất là sân khấu Sen Hồng, kế bên là quán cà phê GM ngay phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Nghĩa, được khai thác triệt từ sáng sớm tới tối khuya.

Ngay sau sân khấu Sen Hồng là trung tâm thương mại dưới lòng đất cũng được tận dụng tối đa, với nhiều nhà hàng ngoài trời phục vụ khách đến tận khuya. Ở khu B còn thường xuyên tổ chức các hội chợ ngoài trời... Với những hoạt động như vậy cho nên Công viên 23 tháng 9 thường xuyên biến thành chợ, không phải là nơi dành cho người dân đi dạo, tận hưởng không khí thoáng mát vốn có.

Tương tự, Công viên Lê Thị Riêng (quận 10) cũng có rất nhiều hạng mục, từ sân khấu giải trí đến khu vui chơi, ăn uống. Phần lớn diện tích công viên này được cho thuê làm dịch vụ. 

img

Một phần đất Công viên Lê Thị Riêng được cho tư nhân thuê làm khu vui chơi 

Ở hai mặt tiền đường Cách Mạng Tháng 8 và Trường Sơn là khu vui chơi Tuổi Thần Tiên do Công ty Thỏ Trắng làm chủ đầu tư, phía bên trong là tòa nhà 2 tầng làm văn phòng điều hành của công ty này. 

Ngoài ra, trong khuôn viên công viên còn có một nhà hàng, khu y tế và một dãy kiôt kinh doanh ăn uống cũng buôn bán cả ngày lẫn đêm. Các khu trò chơi liên tục mở nhạc ầm ĩ. 

Đi sâu vào trong, một phần đất thuộc Công viên Lê Thị Riêng được cho thuê để làm sân khấu ca nhạc Hoàn Vũ và nhà sách, siêu thị...

Tại Công viên Phú Lâm (phường 12, quận 6), một phần diện tích lớn nhất của công viên này được biến thành 1 trung tâm tiệc cưới với quy mô rất hoành tráng tên Sun Palace. Vị trí nhà hàng Sun Palace hiện nay trước đây vốn là hội trường cũ thuộc Trung tâm Văn hóa quận 6.

img

Trung tâm Hội nghị xây chiếm phần lớn tại Công viên Phú Lâm

Công viên Bình Phú (phường 10, quận 6) cũng là nơi vui chơi, giải trí của người dân địa phương. Nhưng nhiều năm nay, công viên này cho một số doanh nghiệp thuê đất kinh doanh, trong đó nổi bật nhất là nhà hàng - cà phê 7 Kỳ Quan…

Còn Công viên Tao Đàn nằm ngay trung tâm quận 1 lâu nay vẫn tồn tại một quán cà phê Chim và bãi giữ xe choán phần lớn công viên phía đường Cách Mạng Tháng Tám.

img

Quán cà phê Chim và bãi giữ xe chiếm một phần diện tích mặt tiền Công viên Tao Đàn phía đường Cách Mạng Tháng Tám

Hội chợ cũng chiếm dụng công viên

Theo báo cáo của Sở GTVT, việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trong công viên công cộng cũng gây ảnh hưởng đến các hoạt động vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục của người dân. Ngoài ra, nó còn gây hư hại cỏ, cây cảnh, cơ sở vật chất trong công viên, ảnh hưởng đến mỹ quan của công viên,…

img

Hội chợ Xuân, triển lãm... cũng chiếm khoảng không gian lớn của công viên theo từng đợt tổ chức

Cụ thể, trong năm 2016 và 2017, chỉ tính riêng các công viên do Sở GTVT quản lý đã có 24 lượt hội chợ, triển lãm được tổ chức. Trong đó, Công viên 23-9 với 9 đợt, sử dụng mặt bằng công viên 130 ngày; Công viên Lê Văn Tám 7 đợt, 73 ngày; Công viên Gia Định 7 đợt, 115 ngày và Công viên 30-4 có 1 đợt, 15 ngày…

Ai cho thuê và thu tiền?

Theo Sở GTVT, với Công viên 23-9 hiện có nhiều đơn vị đang quản lý như: UBND Q.1, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở GTVT, và đất công viên được giao lại cho nhiều đơn vị khai thác khác nhau.

Được biết, các khu vực cho thuê của Công viên 23-9 là do Trung tâm Phát triển quỹ đất hợp đồng cho thuê, chính những đơn vị này thu tiền.

Riêng các công viên Phú Lâm, Bình Phú, Gia Định đều do UBND quận quản lý và cho thuê một phần diện tích. Việc thu chi cũng do quận quản lý. Riêng quán cà phê Chim và bãi giữ xe ở công viên Tao Đàn là do Khu 1 tổ chức đấu thầu cho thuê để phục vụ công viên.

“Các công viên bị chiếm dụng hầu hết đều có hợp đồng cho thuê khai thác, công viên nào do đơn vị nào quản lý thì đơn vị đó cho thuê, thu tiền và sử dụng tiền. Việc thu chi đều có báo cáo tài chính của các đơn vị. Riêng Sở GTVT chỉ quản lý chung về mọi mặt”, ông Vũ Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý công viên, cây xanh Sở GTVT cho biết.

Đầu năm 2019 phải di dời 

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 ngày 3.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phòng đã chỉ đạo Sở GTVT trong tháng 7 phải báo cáo tình trạng bị chiếm dụng, giải pháp xử lý triệt để việc chiếm dụng công viên, trả lại mảng xanh cho ngươi dân vui chơi.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Vũ Văn Điệp cho biết Sở GTVT đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM. Theo đó, giải pháp được đưa ra là yêu cầu tất cả các đơn vị quản lý công viên không kéo dài hợp đồng cho thuê và đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 phải kết thúc, di dời các quán, nhà hàng… cho thuê, trả lại mặt bằng cho công viên.

“Làm ngay thì chưa được vì các đơn vị đã ký hợp đồng với những quán cà phê, nhà hàng… khai thác, cần phải tôn trọng hợp đồng này. Hợp đồng cho thuê ở một vài công viên hiện nay dài nhất là đến cuối năm 2018, vì vậy Sở đã yêu cầu các đơn vị quản lý hết năm 2018 phải kết thúc cho thuê, không dây dưa với bất kỳ lý do gì”, ông Điệp cho biết.

img

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo việc sử dụng công viên phải đúng chức năng

Ngày 31.1.2018, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng đã có Công văn chỉ đạo về việc Tổ chức các hoạt động tại các công viên, mảng xanh công cộng trên địa bàn TP.

Công văn này yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận huyện có liên quan sử dụng đúng công năng, mục đích phục vụ công cộng của công viên; đảm bảo công viên luôn được duy trì xanh, sạch, thông thoáng, an toàn nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân đến nghỉ ngơi, vui chơi và luyện tập thể dục thể thao…

Không tổ chức hội chợ, hạn chế tối đa các lễ hội, triển lãm có hoạt động thương mại trong công viên. Còn để tổ chức các hoạt động mang tính cổ động chính trị hoặc lễ hội lớn của TP, các đơn vị phải lập kế hoạch trình UBND TP chấp thuận ít nhất 2 tháng trước khi tổ chức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem