Thất bại của Tổng thống Putin, nền kinh tế sẽ giống Triều Tiên

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 28/12/2022 14:55 PM (GMT+7)
Cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cô lập đất nước Nga. Sự đóng cửa lớn của nền kinh tế sẽ tăng tốc vào năm 2023, khi Nga tiến gần hơn đến mô hình kinh tế của Triều Tiên.
Bình luận 0

Kế hoạch xoay chuyển trật tự kinh tế thế giới của Putin vấp phải rào cản

Mức trần giá 60 USD đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có thể đánh dấu sự khởi đầu cho sự kết thúc chiến lược kinh tế của Putin. Maximilian Hess, một thành viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Luân Đôn nước Anh nhận định, vào ngày 5 tháng 12, mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga được Liên minh Châu Âu, G7 và Australia nhất trí, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong cuộc chiến kinh tế giữa Nga và phương Tây.

Giới hạn giá có thể là một trong những sự phản đối quan trọng nhất đối với việc vũ khí hóa nguồn dự trữ năng lượng của Nga, kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine, nhưng những gì chiến lược này đòi hỏi và hy vọng đạt được dường như bị hiểu lầm rộng rãi.

Bất chấp những gì mà nhiều người dường như tin tưởng, thực tế thì việc áp giá trần không phải là một nỗ lực để chấm dứt xuất khẩu dầu thô của Nga, mà thực tế cho thấy rằng chúng tiếp tục chảy bất chấp các quy định và lệnh trừng phạt ngày càng thắt chặt – mặc dù không đến các thị trường phương Tây.

Quang cảnh chung tại cảng ở Vladivostok, Nga ngày 5 tháng 9 năm 2022. Ảnh: @REUTERS/Vladimir Soldatkin.

Quang cảnh chung tại cảng ở Vladivostok, Nga ngày 5 tháng 9 năm 2022. Ảnh: @REUTERS/Vladimir Soldatkin.

Thật vậy, rõ ràng Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước thứ ba khác đã mua dầu thô của Nga với số lượng lớn và với mức giá chiết khấu cao kể từ tháng 2/2022. Mục đích của giới hạn giá dầu không phải là để ngăn chặn các giao dịch mua này, mà là để hạn chế lợi nhuận của Nga - vốn chủ yếu được sử dụng để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của nước này.

Tất nhiên, việc đồng ý về động thái này rõ ràng không hề dễ dàng đối với liên minh quốc tế chống lại cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Điểm mấu chốt là đặt giới hạn mức giá ở đâu. Các quốc gia cuối cùng đã quyết định đặt nó ở mức 60 đô la – thấp hơn mức giá mà hầu hết dầu thô của Nga được giao dịch vào đêm trước khi lệnh hạn chế được công bố. Là quốc gia châu Âu được cho là ủng hộ Ukraine nhiều nhất sau cuộc xâm lược của Nga, nhưng Ba Lan là nước cuối cùng cầm cự quy trình này. Bởi có lý do rằng, Ba Lan đã tham gia chỉ trích rằng việc đặt giới hạn ở mức đó có nghĩa là Nga vẫn kiếm được một số lợi nhuận từ các thùng mà họ bán.

Nhưng cuối cùng, tất cả các bên đã đồng ý với mức trần 60 đô la, bởi vì họ thấy rằng ở mức đó, lợi nhuận của Nga có thể bị hạn chế rất nhiều mà không gây ra sự gián đoạn lớn đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể khiến giá tăng vọt tạo gánh nặng cho tất cả mọi người.

Tất nhiên, bất kỳ mức giá trần thấp hơn nào cũng có thể buộc Nga phải có hành động quyết liệt - chẳng hạn như ngừng tất cả hoạt động xuất khẩu, và gây thiệt hại cho tất cả các quốc gia nhập khẩu dầu cùng với Nga.

Tàu chở hàng rời Great Wenchao thả neo ở Vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga, ngày 4 tháng 12 năm 2022. Ảnh: @REUTERS/Tatiana Meel.

Tàu chở hàng rời Great Wenchao thả neo ở Vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga, ngày 4 tháng 12 năm 2022. Ảnh: @REUTERS/Tatiana Meel.

Phương Tây cũng sẽ thực hiện giới hạn đơn giản bằng cách từ chối cung cấp các dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn như môi giới tàu biển và bảo hiểm, đối với dầu thô của Nga được bán vượt quá mức giới hạn giá áp trần được đề ra.

Tổng thống Putin đã mắc một số tính toán sai lầm nghiêm trọng

Matxcơva chỉ có thể tự trách mình về tình trạng đáng buồn này. Khi phát động cuộc chiến chống Ukraine và quyết định muốn thay đổi trật tự kinh tế quốc tế, Tổng thống Putin đã mắc một số tính toán sai lầm nghiêm trọng.

Tất nhiên, đầu tiên và quan trọng nhất là sự hiểu sai chết người và tàn khốc của ông về Ukraine – Putin nghĩ rằng quân đội Nga sẽ được hầu hết người dân Ukraine hoan nghênh và "chiến dịch quân sự đặc biệt" của ông sẽ kết thúc bằng chiến thắng trong vài ngày.

Mọi người xếp hàng để rút đô la Mỹ và euro từ một máy ATM ở St. Petersburg vào ngày 25/2. Ảnh: @Dmitri Lovetsky/AP.

Mọi người xếp hàng để rút đô la Mỹ và euro từ một máy ATM ở St. Petersburg vào ngày 25/2. Ảnh: @Dmitri Lovetsky/AP.

Tính toán sai lầm thứ hai của ông là mức độ khả năng của Nga trong việc phá vỡ trật tự kinh tế quốc tế mà không phải đối mặt với sự phản kháng. Ông ấy cho rằng, ảnh hưởng của đất nước Nga đối với thị trường năng lượng sẽ cho phép ông ấy dễ dàng bẻ gãy phương Tây và ngăn cản các đối thủ đồng ý với các biện pháp đa phương - chẳng hạn như mức trần giá, vốn có thể hạn chế nghiêm trọng khả năng tiến hành chiến tranh kinh tế của chính mình.

Nhưng Nga không có khả năng đối đầu với phương Tây về kinh tế

Ví dụ, gần đây nhất là vào tháng 6, khoảng 2/3 lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga vẫn được vận chuyển bằng tàu của các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này.

Để giải quyết tình trạng phụ thuộc tê liệt này và các biện pháp trừng phạt dầu mỏ thô bạo, Điện Kremlin đã tìm cách nhanh chóng xây dựng một "hạm đội bóng tối" để vận chuyển dầu thô của chính mình. Nhưng hạm đội bóng tối đó cũng thấy mình phụ thuộc vào các dịch vụ của phương Tây – chẳng hạn như các quốc gia cung cấp bảo hiểm yêu cầu phải công khai lộ diện để chấp nhận các chuyến vận chuyển dầu – và do đó Nga cũng phải chịu các lệnh trừng phạt.

Để tránh bị phụ thuộc vào các công ty bảo hiểm đa quốc gia tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Điện Kremlin của Putin đã tìm cách phát triển công ty bảo hiểm của riêng mình. Nhưng nhiều quốc gia, đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đã từ chối chấp nhận giải pháp bảo hiểm này của Nga.

Tác động của sự từ chối của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là rất đáng kể do Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng chính của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia kiểm soát Bosphorus – con đường xuất khẩu chính của Nga ra khỏi Biển Đen.

Cả Bắc Kinh và Thổ Nhĩ Kỳ đều không phải là thành viên của chế độ trừng phạt của phương Tây, chứ đừng nói đến giới hạn giá dầu. Trung Quốc gần như chắc chắn có thể sử dụng các công ty bảo hiểm khổng lồ của mình để giúp Nga giảm thiểu một số thiệt hại. Nhưng họ không sẵn lòng làm như vậy. Mặc dù tuyên bố mối quan hệ với Moscow đã tăng lên mức "hữu nghị không giới hạn" vào đêm trước chiến tranh, nhưng sau đó Bắc Kinh đã xem xét lại lập trường này. Thỏa thuận mới là Bắc Kinh sẽ không tích cực giúp Nga phá bỏ các biện pháp trừng phạt mặc dù họ cũng sẽ không thực thi chúng, vì họ đã nhận ra rằng mục tiêu phá hủy trật tự kinh tế quốc tế của Putin xung đột với mong muốn thay thế Washington và vươn lên dẫn đầu vị trí của chính họ.

Logo của Gazprom được hiển thị trên màn hình trong diễn đàn khí đốt quốc tế Saint Petersburg ở Saint Petersburg, Nga ngày 15 tháng 9 năm 2022. Ảnh: @REUTERS/Anton Vaganov.

Logo của Gazprom được hiển thị trên màn hình trong diễn đàn khí đốt quốc tế Saint Petersburg ở Saint Petersburg, Nga ngày 15 tháng 9 năm 2022. Ảnh: @REUTERS/Anton Vaganov.

Nhìn chung, mức áp trần giá dầu thô của Nga trong tháng này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến kinh tế giữa Nga và phương Tây. Tất nhiên, cuộc chiến này vẫn còn lâu mới kết thúc, và chúng ta có thể sẽ gặp nhiều gián đoạn hơn do nó gây ra trong tương lai gần. Nhưng nó ngày càng giống như sự khởi đầu cho sự kết thúc tham vọng của Putin nhằm nhổ bật trật tự kinh tế thế giới.

Nga quay lưng với kinh tế thị trường

Nga nên tập trung chính sách kinh tế của mình vào việc ưu tiên các nhu cầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Denis Manturov cho biết tại phiên họp toàn thể ở Duma Quốc gia. "Chúng tôi coi việc đáp ứng nhu cầu trong nước là ưu tiên hàng đầu cho nền kinh tế của chúng tôi. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ đóng cửa và không tăng tiềm năng xuất khẩu của mình. Hoàn toàn ngược lại. Đặc biệt, trong bối cảnh đàm phán hợp tác với các thị trường mới. Ý tôi là, trước hết là với các quốc gia ở Trung Đông, Đông Nam Á, Châu Phi và Nam Mỹ ", quan chức này nêu rõ.

Ông còn lưu ý rằng để đạt được mục tiêu này, Nga nên sửa đổi chính sách công nghiệp của mình. "Cần phải chuyển từ chính sách công nghiệp định hướng thị trường sang chính sách đảm bảo chủ quyền công nghệ", Manturov tuyên bố và cho biết thêm rằng quan điểm này được chính phủ Nga hoàn toàn ủng hộ.

Mọi người dùng bữa tại một nhà hàng McDonald ở Moscow. (Nguồn: AFP/Getty Images).

Mọi người dùng bữa tại một nhà hàng McDonald ở Moscow. (Nguồn: AFP/Getty Images).

Quan chức này tin rằng máy móc và thiết bị nhập khẩu nên được thay thế dần bằng các phiên bản của Nga, đồng thời lưu ý rằng " ngành công nghiệp phải đảm bảo hoạt động và phát triển hầu như tự chủ của tất cả các lĩnh vực tiêu dùng".

Manturov cho biết: "Chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc sản xuất các thiết bị tương tự của riêng mình để thay thế các linh kiện nhập khẩu, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ sẽ phân bổ thêm kinh phí để hỗ trợ các dự án lớn của nhà nước". Ngoài ra còn có kế hoạch tạo ra các kênh hậu cần thay thế cho sản phẩm của Nga, nhằm hướng tới các thị trường mới, ông nói thêm.

Bộ trưởng vạch ra 5 lĩnh vực chiến lược quan trọng, trong đó chủ quyền công nghệ là quan trọng hàng đầu. Đó là an ninh quốc phòng, nơi ưu tiên tạo ra vũ khí công nghệ cao do Nga sản xuất; ngành năng lượng đang rất cần thiết bị sản xuất trong nước, do các biện pháp trừng phạt liên quan đến Ukraine khiến các công ty năng lượng gặp khó khăn trong việc mua các bộ phận và thiết bị do nước ngoài sản xuất; và các ngành công nghiệp đóng tàu, máy bay và hóa chất.

Như Bộ trưởng đã tuyên bố, Nga không có mục tiêu thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu trong ngành công nghiệp. Ông giải thích rằng có những ngành mà Nga buộc phải thay thế hàng nhập khẩu do lo ngại về an ninh quốc gia, trong khi ở những ngành khác, hợp tác quốc tế đang và sẽ được duy trì.

Hơi nước bốc lên từ các ống khói của một nhà máy điện sưởi ấm trên đường chân trời của trung tâm Moscow, Nga ngày 23 tháng 11 năm 2020. Ảnh: @REUTERS/Maxim Shemetov/File Photo.

Hơi nước bốc lên từ các ống khói của một nhà máy điện sưởi ấm trên đường chân trời của trung tâm Moscow, Nga ngày 23 tháng 11 năm 2020. Ảnh: @REUTERS/Maxim Shemetov/File Photo.

Ấn Độ, Nga có kế hoạch từ bỏ Đô la Mỹ, Euro cho thương mại song phương nhưng vấn đề vẫn còn

Hôm 25/12, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, họ cùng với Ấn Độ có kế hoạch ngừng sử dụng đồng đô la và đồng euro trong các thỏa thuận thương mại song phương, và có kế hoạch thực hiện tất cả các giao dịch như vậy bằng đồng rupee và đồng rúp.

Zamir Kabulov, người đứng đầu bộ phận Ấn Độ trong Bộ Ngoại giao Nga nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti rằng, quyết định này là cần thiết để giải quyết sự mất cân bằng thương mại để chuyển đổi hoàn toàn sang tiền tệ quốc gia.

Sau cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, thương mại của New Delhi với Moscow đã tăng lên nhiều lần do nhập khẩu năng lượng và các mặt hàng khác như phân bón, than đá, than  cốc cùng các mặt hàng khác tăng mạnh. Thương mại song phương tăng lên 27 tỷ USD trong năm chủ yếu nhờ nhập khẩu dầu và phân bón quy mô lớn của Ấn Độ từ Nga.

Đại sứ Ấn Độ tại Moscow Pavan Kapoor, khi phát biểu tại cuộc đối thoại kinh doanh Nga-Ấn, cho biết các doanh nhân Nga coi Ấn Độ là nguồn hoạt động chính của họ để làm cho thương mại giữa hai nước trở nên cân bằng hơn.

Tại sao chuyển sang thanh toán bằng đồng rupee là không khả thi?

Ông Zamir Kabulov nói thêm rằng hai bên đang thực hiện các giao dịch ngày càng tăng bằng tiền tệ quốc gia, nhưng quy trình hợp tác thương mại đó cần phải được cân bằng, nếu không một bên sẽ tích lũy nhiều hơn bên kia. Hai nước sẽ tiếp tục làm việc để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Các tờ tiền giấy 100 rúp được thiết kế mới của Nga được nhìn thấy tại nhà máy in Goznak ở Mátxcơva, Nga ngày 6 tháng 7 năm 2022. Ảnh: @Thông tấn xã Mátxcơva/Bản phát hành qua REUTERS.

Các tờ tiền giấy 100 rúp được thiết kế mới của Nga được nhìn thấy tại nhà máy in Goznak ở Mátxcơva, Nga ngày 6 tháng 7 năm 2022. Ảnh: @Thông tấn xã Mátxcơva/Bản phát hành qua REUTERS.

Nước Nga của Putin sẽ giống Triều Tiên hơn

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau cuộc xâm lược Ukraine đã khiến Nga không thể nhập khẩu những gì nước này cần. Các nhà đầu tư nước ngoài đang tránh xa, hàng ngàn người ưu tú của đất nước đã di cư, và giá trị xuất khẩu chính của Nga đã giảm xuống. 

Cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin đã cô lập đất nước của ông. Sự đóng cửa lớn của nền kinh tế sẽ tăng tốc vào năm 2023, khi Moscow tiến gần hơn đến mô hình kinh tế của Triều Tiên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chụp ảnh trong cuộc gặp của họ ở Vladivostok, Nga, ngày 25 tháng 4 năm 2019. Ảnh: @Alexander Zemlianichenko/Pool via REUTERS.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chụp ảnh trong cuộc gặp của họ ở Vladivostok, Nga, ngày 25 tháng 4 năm 2019. Ảnh: @Alexander Zemlianichenko/Pool via REUTERS.

Cuộc xâm lược Ukraine đã gây thiệt hại cho Nga, quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Mặc dù giá cao vào đầu năm 2022 đã giúp ích cho quốc gia này, nhưng phần còn lại của thế giới đã nhanh chóng điều chỉnh. Giá dầu thô Urals của Nga đã giảm 40% so với mức cao nhất vào tháng 3 năm 2022 và Nga hiện có thể thiếu các nguồn lực để giảm bớt tác động của suy thoái kinh tế đối với dân số.

Kết quả là nền kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng. Vào tháng 10 năm 2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng chỉ 2% vào năm 2023. Hiện tại, cơ quan này nhận thấy GDP của nước này sẽ giảm thêm 2,4% sau khi giảm 3% vào năm 2022. Dựa trên tỷ giá hối đoái năm 2021 của đồng rúp, con số đó tương đương khoảng 200 USD tỷ trong GDP bị mất.

Điều đó sẽ làm tăng thêm nỗi đau cho tình hình tài chính vốn đã xấu đi. Chi tiêu đã tăng hơn 20% vào năm 2022 chủ yếu là do sự gia tăng chi tiêu quốc phòng mà các nhà kinh tế của Ngân hàng Phần Lan ước tính khoảng 53 tỷ đô la. Thậm chí, Chính phủ Nga đã phải huy động quỹ khẩn cấp để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách đầu tiên trong nhiều năm. 

Cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cô lập đất nước của ông. Sự đóng cửa lớn của nền kinh tế sẽ tăng tốc vào năm 2023, khi Nga tiến gần hơn đến mô hình kinh tế của Triều Tiên. Ảnh: @AFP.

Cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cô lập đất nước của ông. Sự đóng cửa lớn của nền kinh tế sẽ tăng tốc vào năm 2023, khi Nga tiến gần hơn đến mô hình kinh tế của Triều Tiên. Ảnh: @AFP.

Putin đã siết chặt sự kiểm soát của ông và chính phủ đối với nền kinh tế, yêu cầu ký kết bán tài sản của các công ty phương Tây trong lĩnh vực ngân hàng hoặc năng lượng. Các công ty hoặc ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, hoặc các đầu sỏ thân thiện với Điện Kremlin, chẳng hạn như ông trùm niken Vladimir Potanin, đã mua tài sản ngân hàng hoặc công nghiệp với giá rẻ, và xu hướng này sẽ chỉ tăng lên.

Khác xa với sự giám sát của các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Nga sẽ được tự do đưa lên một tầm cao mới trước tình trạng tham nhũng tràn lan đã kìm hãm nền kinh tế trong nhiều năm. Và Putin có thể hoàn thành nhiệm vụ xây dựng một chế độ mà không ai có thể thay thế ông ấy.

Huỳnh Dũng- Theo Euronews /Apnews/Aljazeera/Forbes/ weforum/Ft

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem