Cuộc "cách mạng" đưa cây chè về xã Bản Bo, dân xã nghèo đổi đời

Hương Thạch Thứ bảy, ngày 24/10/2020 18:41 PM (GMT+7)
Từ một xã nghèo của huyện Tam Đường (Lai Châu), nhờ cuộc "cách mạng" chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sau gần một thập kỷ, đồng bào các dân tộc xã Bản Bo đã có thu nhập cao, đời sống ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Cuộc "cách mạng" vận động chuyển đổi

Năm 2009, huyện Tam Đường có 14 xã và 1 thị trấn, trong đó xã Bản Bo là xã nghèo đứng thứ ba của huyện Tam Đường. Nhưng giờ đây, có mặt ở Bản Bo đầu tháng 10/2020, đến đâu chúng tôi cũng thấy những ngôi nhà xây dựng kiên cố, khu chợ xã sầm uất, những con đường bê tông thẳng tắp...

:Có được thành quả như hôm nay, chính tôi cũng không thể tin nổi. Đã có những thời điểm lãnh đạo thực hiện đề án cũng nghĩ rằng nhiệm vụ là không thể thực hiện. Tất cả các vùng chè rộng lớn trải dài hàng chục km2 hiện nay trước đây đều là nương lúa, nương ngô của bà con các dân tộc Thái, H'Mông, Tày…" - Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo Nguyễn Xuân Hoàn chia sẻ.

Cây chè đưa sung túc về xã Bản Bo  - Ảnh 1.

Bí thư Đảng uỷ xã Bản Bo Nguyễn Xuân Hoàn giữa đồi chè gần 4ha của gia đình mình. Ảnh: H.N

"Trước đây, chính tôi là người phản đối đề án này, nhưng được cán bộ vận động tôi mới bắt tay làm. Và giờ đây, với 2ha chè, gia đình tôi thu lãi hơn 60 triệu đồng, số tiền mà nếu chỉ trồng lúa, ngô thì không thể có được".

Anh Hảng A Sào (bản Nậm Phát, xã Bản Bo)

Theo ông Hoàn, đề án phát triển cây chè ở Tam Đường bắt đầu từ năm 2009, khi Viện Cây trồng ôn đới phía Bắc lên làm việc với huyện Tam Đường để đặt vấn đề triển khai trồng giống cây chè mới. 

"Sau đó lãnh đạo huyện xuống làm việc trực tiếp với xã Bản Bo để vận động chuyển đổi cây trồng. Thấy đây là cơ hội để bà con dân bản đổi đời, tôi họp anh em lại và quyết định bắt tay làm ngay" - ông Hoàn kể lại. Ban chỉ đạo đề án được thành lập ngay sau đó, và lựa chọn thực hiện thí điểm 15ha ở 2 bản Hưng Phong và Hợp Nhất để trồng 3 giống chè: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên và Bát Tiên.

Sau hơn 1 năm thí điểm, kết quả thu được là giống chè Kim Tuyên phù hợp với thổ nhưỡng xã Bản Bo và cho năng suất cao nhất. Kể từ đây một cuộc "cách mạng" vận động chuyển đổi được thực hiện trên diện rộng, đi liền với đó là đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. 

Theo Bí thư Hoàn, khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thức và phong tục tập quán của bà con dân bản. Bà con không tin vào giá trị của cây trồng mới và từ chối triển khai đề án. Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính quyền, hàng loạt các giải pháp được đưa ra và triển khai quyết liệt.

"Ròng rã trong 2 năm từ 2011 - 2012 không nghỉ ngơi, ngày thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần cán bộ xã trực tiếp xuống giúp dân làm đất, hai giáo viên và một cán bộ phụ trách vận động một gia đình dân bản tham gia trồng chè" - ông Hoàn nói.

Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo từng xác định, với những khó khăn nói trên thì không thể thực hiện đề án trên diện rộng ngay được. Vậy là hơn 20 gia đình ở 2 bản Nậm Tà và Cốc Phát được chọn làm thí điểm, đưa đi học tập các mô hình phát triển cây chè ở Thái Nguyên, Phú Thọ… Sau đó họ về thực hiện với chính gia đình của mình và tuyên truyền cho dân bản. Với sự nỗ lực của cả chính quyền và nhân dân, sau 9 năm (từ 2011-2020), đề án đã cho "quả ngọt", mang lại đời sống khấm khá và niềm tin cho người dân xã Bản Bo.

Diện tích chè năm 2014 ước đạt 215ha, so với 30ha ban đầu và tính đến hết năm 2019, diện tích chè của huyện Tam Đường ước đạt 802,2ha, trong đó có hơn 400ha chè kinh doanh đã thu hái, chủ yếu tập trung tại xã Bản Bo. Năm vừa qua, người dân thu hái được trên 3.500 tấn chè búp tươi, doanh thu từ cây chè đạt gần 40 tỷ đồng.

Đầu tư thành cây trồng chủ lực

Cây chè đưa sung túc về xã Bản Bo  - Ảnh 3.

Bộ mặt xã nghèo Bản Bo thuở nào đã có nhiều thay đổi, nhà cửa được người dân xây dựng khang trang nhờ có cây chè.

Ông Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở NNPTNT Lai Châu cho biết, năm 2019, tổng giá trị sản xuất chè của tỉnh đạt gần 400 tỷ đồng, trong đó đã xuất khẩu 1.950 tấn chè khô với giá trị 4,29 triệu USD. Thành công từ cây chè ở Tam Đường sẽ là động lực để tỉnh Lai Châu tiếp tục phát triển vùng chè ở Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ…

Tiếp chúng tôi, anh Lò Văn Vạn (sinh năm 1980) - Bí thư Chi bộ bản Hợp Nhất chỉ vào đồi chè nhà mình mà trước đó hơn 10 năm là nương ngô, chính tay anh đã chặt bỏ ngô để thực hiện thí điểm đề án phát triển cây chè. 

Nhớ lại thời gian đó, anh Vạn cho hay: "Trước đây nhà trồng ngô và lúa một năm hai vụ, không đủ ăn lại còn rất vất vả lắm. Lúc chặt bỏ hơn 2.000m2 nương ngô sắp thu hoạch để trồng chè, hàng xóm còn bảo tôi là điên, nhưng đã quyết rồi thì làm thôi" - anh Vạn nói.

Năm 2012, nhà anh Vạn thu hoạch lứa chè đầu tiên, ngày năm đầu thu nhập đã đạt gần 25 triệu đồng - con số mà nếu làm lúa, ngô thì không thể có được. "Có trong mơ tôi cũng không nghĩ có được cuộc sống no đủ như hôm nay" - anh Vạn chia sẻ.

Khá giả nhất Bản Bo phải kể đến nhà ông Nguyễn Văn Dũng - một cựu chiến binh. Năm 2011, ông Dũng nghe lời cán bộ xã vận động, mua đất của bà con dân bản, vay ngân hàng 350 triệu đồng để đầu tư trồng hơn 6ha chè Shan và chè Kim Tuyên. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu được từ 350 - 400 triệu đồng, đã xây được nhà hai tầng kiên cố và mua được ôtô.

Trong hơn 10 năm thực hiện đề án phát triển cây chè, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng bức tranh tổng thể về phát triển bền vừng cây chè Lai Châu đã được định hình. "Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tam Đường nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện tiếp tục thực hiện đề án phát triển vùng chè chất lượng cao, đảm bảo an toàn sinh học và các tiêu chuẩn xuất khẩu, liên kết bao tiêu sản phẩm, ổn định giá cả, tạo niềm tin trong nhân dân" - Bí thư Huyện ủy Tam Đường Hoàng Quốc Khánh khẳng định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem