Cuộc “cách mạng” từ tôm thẻ chân trắng

Ngọc Lê Thứ năm, ngày 07/07/2016 13:30 PM (GMT+7)
Từ năm 2008, con tôm thẻ chân trắng được đưa vào nuôi ở nước ta đã tạo ra một đột phá rất lớn đối với lĩnh vực nuôi tôm nước lợ.
Bình luận 0

LTS: Con tôm đã và đang ghi những dấu ấn đậm nét về kinh tế trong khoảng chục năm trở lại đây. Đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất tôm lớn nhất trên thế giới, xuất khẩu  hàng năm mang về 3-4 tỷ USD, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu người tham gia vào chuỗi giá trị tôm. Để ngành tôm phát triển hơn nữa, đem lại giá trị kinh tế-xã hội lớn hơn nữa, cần có những giải pháp gì?

Diện mạo mới từ vật nuôi mới

img

Nông dân huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) thu hoạch tôm thẻ chân trắng.  Ảnh: Bảo Hân

Tại thời điểm hợp nhất Bộ Thủy sản về Bộ NNPTNT (năm 2008), vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí không đồng ý đưa con tôm thẻ chân trắng vào Việt Nam nuôi. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát và lãnh đạo Bộ đã rất quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá rõ ràng về khả năng phát triển tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam. Năm 2008, với đề xuất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng như các doanh nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo cho phép mở rộng sản xuất tôm thẻ chân trắng trên phạm vi toàn quốc và nó đã tạo ra một sự đột phá rất lớn.

Thực vậy, chỉ sau 5 năm đưa vào sản xuất, tôm thẻ chân trắng đã tạo ra một diện mạo mới cho ngành tôm Việt Nam. Năm 2013 lần đầu tiên sản lượng tôm thẻ chân trắng vượt tôm sú và cũng trong năm này đã đánh dấu kim ngạch xuất khẩu của tôm thẻ cao hơn tôm sú. Do tôm thẻ chân trắng có hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn nhiều so với tôm sú nên trong năm 2014 đã có sự dịch chuyển lớn về diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Cơ cấu diện tích tôm thẻ tăng từ 9,9% năm 2013 lên mức cao nhất 14,9% vào năm 2014, đóng góp cơ cấu 60% tổng sản lượng tôm nước lợ. Như vậy, ưu thế về năng suất của tôm thẻ chân trắng so với tôm sú là khá lớn. Chính điều này đã tạo ra đột phá rất lớn đối với ngành nuôi trồng thủy sản.

Một trong những điều tạo ra dấu ấn cho ngành tôm Việt Nam là việc Bộ NNPTNT đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng quyết liệt để xử lý các vấn đề dịch bệnh đối với tôm nước lợ cũng như tôm hùm. Từ năm 2011-2012, khi các nước trong khu vực cũng như quốc tế bị bệnh hoại tử gan tụy cấp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo và dành kinh phí của Bộ để mời những chuyên gia quốc tế giỏi nhất cũng như trong nước để nghiên cứu bằng được các tác nhân gây bệnh hại tủy gan tụy cấp cũng như các dịch bệnh trên tôm khác. Và chúng ta là một trong những nước thành công và đi đầu trong việc kiểm soát được dịch bệnh trên con tôm.

img

Thành công này giúp Việt Nam tranh thủ được cơ hội trên thị trường trong khi các nước chưa khôi phục được. Phải nói rằng, năm 2014 tôm là ngành hàng nổi bật và được mùa với sản lượng cao, giá cả tương đối tốt. “Năm 2014 sản lượng tôm tăng 110.000 tấn đã làm tăng thêm giá trị ngành nông nghiệp lên 16.500 tỷ đồng và riêng con tôm đóng góp mức tăng 1,6% GDP cho toàn ngành nông nghiệp” – Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Năm 2014 cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ của Việt Nam đạt mức  kỷ lục 4,1 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã đem lại lợi ích rất lớn cho quốc gia cũng như cho nhân dân.

1kg tôm = 20kg lúa

Nuôi tôm nước lợ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực hàng đầu của ngành thủy sản Việt Nam trong nhiều năm qua với hai sản phẩm chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Địa bàn nuôi tôm nước lợ tập trung chủ yếu tại 8 tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Vùng này có diện tích nuôi tôm là 621.000ha (chiếm 91,2% diện tích toàn quốc), làm ra 484.000 tấn sản phẩm, chiếm 81% sản lượng toàn quốc. Đây là vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước.

Theo Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát, hạn – mặn hiện đã chấm dứt, vụ thả nuôi tôm mới ở đồng bằng sông Cửu Long đang bắt đầu, thị trường xuất khẩu thủy sản, nhất là tôm đang rất tốt nên có thể nói đây là mảng còn có dư địa phát triển mạnh, đem lại hy vọng có thể “vực dậy” ngành nông nghiệp trong năm nay.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), Việt Nam hiện là một trong những quốc gia sản xuất tôm lớn trên thế giới, xuất khẩu tôm hàng năm mang về cho đất nước nhiều tỷ USD. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia sản xuất tôm hàng đầu. Với 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2015, con tôm Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm trên bản đồ tôm thế giới. Trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản Việt Nam, con tôm luôn chiếm tỷ trọng lớn và là đối tượng nuôi mang lại thu nhập và lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp cũng như sinh kế của hàng triệu người tham gia vào chuỗi giá trị tôm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, cùng với trồng trọt, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng mạnh do ô nhiễm nguồn nước, khô hạn và xâm nhập mặn. Riêng đồng bằng sông Cửu Long đã có 81.000ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. “1kg tôm có giá bình quân bằng 20kg lúa. Vụ đông xuân cả nước bị giảm khoảng 1 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng nuôi tôm giảm 8.000 tấn, tương đương với 160.000 tấn lúa. Nếu từ giờ đến cuối năm, chúng ta làm tăng lên 60.000 tấn tôm thì bù hết thiệt hại của ngành trồng trọt những tháng đầu năm”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem