Cuộc đấu tranh, phản bác âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc

Duy Tuấn Thứ ba, ngày 14/05/2024 15:27 PM (GMT+7)
Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc đấu tranh diễn ra rất khó khăn, lâu dài, phức tạp và cần sự kiên trì, quyết liệt.
Bình luận 0

Cần nhận thức đúng về đấu tranh

Đấu tranh ở đây không có nghĩa là phá hoại sự ổn định xã hội mà chính là thông qua đấu tranh để ngăn chặn, loại trừ những phần tử bảo thủ, thoái hóa, biến chất và chống đối nhằm củng cố, tăng cường và phát huy vai trò của sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong nhân dân. Việc nhận thức đúng về đấu tranh hiện nay là cơ sở quan trọng để chúng ta khẳng định lập trường, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Cuộc đấu tranh, phản bác âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc- Ảnh 1.

: Cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng luôn gắn bó, gần gũi với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: Lam Hồng

Hiện nay sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã thu được rất nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, khó khăn mới. Các tổ chức phản động và các đối tượng xấu, cơ hội chính trị luôn tìm mọi thủ đoạn để chống phá trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Bằng nhiều phương thức, các tổ chức phản động tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của Đảng, Nhà nước ta dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ - nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số luôn là mục tiêu hướng đến của chúng với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và hết sức trắng trợn. Chúng lợi dụng những thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, những khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số để xuyên tạc đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hòng gây sự hoài nghi, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, hòng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng

Không chỉ kêu gọi, kích động từ bên ngoài, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị còn cử người trà trộn vào cộng đồng người dân tộc thiểu số, trực tiếp chỉ đạo, điều hành các vụ tấn công, khủng bố, âm mưu lật đổ chính quyền khiến dư luận bức xúc.

Điển hình tại khu vực Tây Bắc, trong những năm 2003, 2004, manh nha xuất hiện một số đối tượng cầm đầu tuyên truyền thành lập "nhà nước Mông", sau năm 2011, mặc dù lực lượng chức năng đã đấu tranh, bóc gỡ, xử lý nhiều đối tượng cầm đầu, cốt cán, tích cực gặp gỡ, giáo dục, vận động, củng cố địa bàn, tuy nhiên những hoạt động tuyên truyền lập "nhà nước Mông" vẫn có biểu hiện diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, từ đầu năm 2020 đến nay, một số đối tượng do chưa từ bỏ tư tưởng chống đối, vẫn ảo tưởng sẽ được bên ngoài giúp đỡ thành lập nhà nước riêng của người Mông nên đã móc nối, câu kết với tổ chức ở nước ngoài và một số đối tượng ở Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu tập trung về Mường Nhé để bàn bạc, thống nhất, nhen nhóm tổ chức hoạt động lập "nhà nước Mông".

Theo thống kê, cộng đồng người Mông ở Mỹ đã hình thành hơn 160 tổ chức, hội nhóm, ở 25 bang. Điển hình là các tổ chức "Phát triển quốc gia Mông" (Mong National Development. Inc-HND); "Mặt trận giải phóng thống nhất người Mông" (HMong United Liberation Front)… Các tổ chức này đều tập hợp các phe phái, hội nhóm người Mông, kêu gọi thành lập một "nhà nước Mông", thông qua Hội người Mông quốc tế, xác định cương lĩnh xây dựng "nhà nước" của dân tộc Mông...

Như tên gọi của những tổ chức này đã phần nào cho thấy âm mưu của chúng, đó là tập hợp phe phái, xây dựng lực lượng, vận động, kêu gọi người Mông xây dựng nhà nước riêng của mình, đối kháng với chính quyền.

Chúng còn tổ chức các hoạt động nhằm thao túng, kiểm soát cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, với hàng loạt hội nhóm chống phá xuất hiện, rầm rộ phô trương thanh thế như "Hội những người miền núi" (MFI), "Nhân quyền người Thượng" (MHRO); "Người Thượng thống nhất" (UMP), "Người Thượng vì công lý" (MSFJ)...

Cuộc đấu tranh, phản bác âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc- Ảnh 2.

Lễ hội mừng năm mới Chol Chnam Thmay theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. Ảnh tư liệu

Với luận điệu "người Kinh cướp đất của người Thượng', "chính quyền đã đẩy người Thượng đến bước đường cùng" các đối tượng kích động người dân ly khai, chống đối chính quyền, thành lập nhà nước độc lập với khẩu hiệu mỹ miều: "Thúc đẩy hòa bình và bảo vệ quyền con người của những người bị áp bức tại Tây Nguyên", đưa ra đòi hỏi "đất Tây Nguyên là của người Thượng".

Với âm mưu và thủ đoạn thâm độc, các tổ chức phản động lưu vong vẫn ráo riết hoạt động, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, đòi ly khai Tây Nguyên, điển hình là tổ chức phản động FURLO. Nhiều năm qua, tổ chức phản động FULRO lưu vong với sự cổ súy, hậu thuẫn của các thế lực thù địch để kích động "ly khai, tự trị" ở Tây Nguyên. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn nhằm xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng những vụ việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với các dân tộc khác, so sánh trình độ văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp với người Kinh, để vu cáo chính quyền không quan tâm, phân biệt đối xử nhằm xúi giục, khoét sâu mâu thuẫn, gây mất đoàn kết chia rẽ trong đồng bào dân tộc.

Cùng chung âm mưu, thủ đoạn như trên, đối với đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh Tây Nam Bộ, các tổ chức "Mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia Krôm" (KKNLF), "Hội những người Khmer", "Quốc hội Khmer Krôm hải ngoại", "Hội Ái hữu", "Hội bảo vệ nhân quyền",… và đặc biệt là tổ chức "Liên đoàn Khmers Kampuchea Krom" (KKK) thường xuyên tuyên truyền luận điệu xuyên tạc "chính quyền người Việt muốn xóa bỏ văn hóa của người Khmer", muốn thực hiện chính sách "đồng hóa dân tộc Khmer". Mục đích của chúng là kích động đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ biểu tình, bạo loạn, gây ra những điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn.

Thổi phồng, bóp méo sự thật rồi quy chụp, quy kết thành vấn đề lớn, lấy cái cá biệt làm thành cái phổ biến. Việc thông tin sai lệch và xuyên tạc như thế khiến cho một số đối tượng bên ngoài, chưa từng đến Tây Nguyên nhầm tưởng đa số người dân ở đây kham khổ, bị bức hại, thiếu tự do tôn giáo. Kỳ thực, nếu so sánh giữa một nhóm vài chục đến trăm đối tượng tham gia các tổ chức này với tổng số vài triệu bà con các dân tộc Tây Nguyên đang ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc mới thấy sự lạc lõng của các nhóm chống phá, mới rõ luận điệu phản động của chúng. Song nhờ sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cơ quan chức năng, sự cảnh giác, hợp tác của người dân, những năm qua các hoạt động chống phá lợi dụng chính sách dân tộc để chống phá chế độ đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, được người dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số được bảo đảm và ngày càng khởi sắc.

Tiếp tục đấu tranh có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Trước yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh trong tình hình mới cùng với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng thâm độc của các thế lực thù địch, nhằm gây mâu thuẫn trong đồng bào dân tộc thiểu số, kích động bạo loạn, phá hoại an ninh quốc gia và ổn định chính trị - xã hội đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, thường xuyên lắng nghe, kịp thời phát hiện những vấn đề khúc mắc để tìm cách tháo gỡ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách đến với đồng bào bằng những hình thức phù hợp, hiệu quả. Việc bồi dưỡng từ đào tạo bài bản đội ngũ cán bộ kế cận nòng cốt, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt đang làm nhiệm vụ và bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia cố vấn, đồng thời cần bổ sung một số cơ chế chính sách đặc thù tạo động lực hoạt động cho lực lượng cán bộ nòng cốt, cho đội ngũ cố vấn chuyên gia đáp ứng yêu cầu trong cuộc đấu tranh rất khó khăn, phức tạp, quyết liệt và lâu dài.

Bên cạnh việc giữ gìn sự đoàn kết giữa cộng đồng các đồng bào dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam, chúng ta cần tin tưởng vào đường lối của Đảng, cảnh giác để không bị lôi kéo vào các hoạt động bất hợp pháp, làm tổn hại đến khối đoàn kết dân tộc và sự phát triển ổn định của xã hội.

Mỗi chúng ta là người dân chân chính, luôn phải tìm hiểu vấn đề một cách kỹ càng, đề cao cảnh giác, tránh tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Việc đấu tranh, phản bác âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục để giúp bà con nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động. Không để kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc để xuyên tạc, chống phá. Trách nhiệm của mỗi công dân là cùng chung tay bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân nói chung và của đồng báo các dân tộc thiểu số nói riêng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem