Cuộc săn lùng gián điệp Nga ráo riết của Mỹ, châu Âu

Phương Đăng (theo Washington Post) Thứ sáu, ngày 17/02/2023 21:02 PM (GMT+7)
Trong số những hành khách đang ngủ trên một chuyến bay từ Miami đến Munich vào tháng trước, có hai du khách ở hai phe đối lập nhau trong một vụ triệt hạ gián điệp Nga, Washingtonpost cho biết.
Bình luận 0
Cuộc săn lùng gián điệp Nga ráo riết của Mỹ, châu Âu - Ảnh 1.

Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến quan hệ giữa Nga và các nước châu Âu lẫn Mỹ suy giảm nghiêm trọng. Ảnh AFP

Ngồi một ghế trên máy bay là một công dân Đức, người sẽ bị bắt khi đến Munich và bị buộc tội phản quốc vì đã giúp Nga tuyển dụng và chỉ dẫn một gián điệp khác cho Điện Kremlin trong hàng ngũ cấp cao của cơ quan tình báo Đức.

Theo các quan chức an ninh phương Tây, ngồi gần công dân Đức này là một đặc vụ FBI, người lên chuyến bay để âm thầm theo dõi công dân Đức bị tình nghi làm gián điệp cho Nga và đảm bảo rằng người này sẽ bị chính quyền Đức bắt giữ.

Vụ bắt giữ Arthur Eller, công dân Đức ngày 21/1 - chủ yếu dựa trên bằng chứng mà FBI thu thập được trong thời gian nghi phạm ở Florida - là phát súng mới nhất trong cuộc chiến ngầm của Mỹ và châu Âu để chống lại lực lượng tình báo của Nga.

Trong năm qua, khi các chính phủ phương Tây đã tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow. Đồng thời, các cơ quan an ninh của Mỹ và châu Âu cũng đã tiến hành một chiến dịch ít được biết đến hơn nhằm làm tê liệt các mạng lưới gián điệp của Nga.

Vụ triệt hạ gián điệp Nga ở Đức, vốn liên quan đến vụ bắt giữ một quan chức cấp cao của BND, cơ quan tình báo nước ngoài của Đức sau vụ bắt giữ hàng loạt nghi phạm là gián điệp của Nga ở Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Áo, Ba Lan và Slovenia.

Một tháng trước khi Eller bị bắt ở Munich, chính quyền Đức đã bắt giữ ông Carsten Linke, 52 tuổi, người phụ trách một đơn vị chịu trách nhiệm về an ninh nội bộ của BND có quyền truy cập vào hồ sơ cá nhân của nhân viên cơ quan này.

Các động thái này nhằm tấn công và phá vỡ các mạng lưới điệp viên Nga vẫn còn ẩn mình ở châu Âu sau vụ trục xuất hàng loạt hơn 400 người bị nghi là sĩ quan tình báo Nga khỏi các đại sứ quán của Moscow trên khắp "lục địa già" vào năm ngoái.

Các quan chức an ninh Mỹ và châu Âu cảnh báo rằng Nga vẫn giữ được những khả năng gián điệp đáng kể nhưng nói rằng các cơ quan gián điệp của họ đã phải chịu thiệt hại lớn hơn trong năm qua so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Các quan chức này cho rằng, dường như Nga đã mất cảnh giác, làm giảm khả năng thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng ở châu Âu.

Antti Pelttari, Giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài của Phần Lan cho biết: “Thế giới bây giờ hoàn toàn khác đối với các cơ quan tình báo Nga".

Theo ông Pelttari, những vụ trục xuất, bắt giữ gián điệp và một môi trường thù địch hơn ở châu Âu đã khiến “năng lực gián điệp của Nga đã bị suy giảm đáng kể".

Ông Pelttari và các quan chức châu Âu khác cho biết, Nga đã tìm cách bù đắp cho những tổn thất của họ bằng cách phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động gián điệp mạng. Moscow cũng đã cố gắng tận dụng các cửa khẩu biên giới và dòng người tị nạn để triển khai các điệp viên mới, bổ sung cho hàng ngũ đang cạn kiệt của mình.

Nhưng những người mới đến này sẽ không có sự bảo vệ và lợi thế khi làm việc bên ngoài các đại sứ quán Nga, và có thể thiếu kinh nghiệm, nguồn lực cũng như sự đào tạo, các quan chức cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem