Cuộc sống lênh đênh của những phận người “ăn ngủ” dưới lòng sông Hồng ước mơ một lần ăn Tết trên bờ

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 21/01/2023 06:08 AM (GMT+7)
Khác với khung cảnh mọi người mua sắm Tết tất bật trên đường phố Hà Nội thì đâu đó dưới làng chài ven sông Hồng (Hà Nội) những ngày cuối năm vốn bấp bênh nay lại thêm nặng trĩu ước mơ được đón Tết trên bờ.
Bình luận 0

Tết không đào, không quất của phận người quanh năm lênh đênh con nước sông Hồng

Nằm khuất mình dưới chân cầu Nhật Tân, Hà Nội, là cuộc sống của hàng trăm người dân ngụ cư sống cuộc đời chìm nổi ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Bao năm qua họ đã sống với nghề chài lưới bắt tôm, cá dưới sông Hồng kiếm kế sinh nhai.

Vào những ngày cuối năm, nếu như nhịp sống trên các con phố Hà Nội đâu đâu cũng hối hả thì xóm chài ven sông dưới chân cầu Nhật Tân vẫn lặng lẽ, ảm đạm không khác gì ngày thường. So với trên bờ, Tết của người dân xóm chài bắt đầu muộn và kết thúc sớm. Không đào, không quất, Tết của người dân nơi đây là ước mong sớm được lên bờ. Thế nhưng, bao năm nay, mong ước này cứ mãi lênh đênh.

Cuộc sống lênh đênh của những phận người “ăn ngủ” dưới lòng sông Hồng ước mơ một lần ăn Tết trên bờ - Ảnh 1.

Nằm khuất mình dưới chân cầu Nhật Tân, Hà Nội, là cuộc sống của hàng trăm người dân ngụ cư sống cuộc đời chìm nổi ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ảnh: Gia Khiêm

Chiếc thuyền rộng hơn 10m2 chắp vá bằng đủ nguyên liệu là nơi 4 người trong gia đình gia đình anh Bì Văn Tĩnh (45 tuổi) sinh sống hơn 40 năm. Cũng từng đó thời gian cả nhà anh Tĩnh ăn Tết trên thuyền. Với vợ chồng anh, được ăn Tết trên bờ là niềm mong ước chưa lúc nào nguôi.

Vừa làm thịt cá chuẩn bị bữa cơm tối sau một ngày ngược xuôi đánh bắt được, anh Tĩnh kể, Tết tại xóm này chẳng khác gì ngày thường, buồn lắm. Cuộc sống sông nước vốn chỉ đắp đổi đủ ăn nên dù Tết đã cận kề cũng chẳng có chút không khí.

Cuộc sống lênh đênh của những phận người “ăn ngủ” dưới lòng sông Hồng ước mơ một lần ăn Tết trên bờ - Ảnh 2.

Chiếc thuyền hơn 10m2 được dựng tạm chắp vá đủ nguyên liệu là nơi gia đình anh Tĩnh sinh sống bao năm qua. Ảnh: Gia Khiêm

Theo anh Tĩnh, cuộc sống của người dân làng chài rất vất vả, hằng ngày chật vật mưu sinh lo cơm áo gạo tiền nên chằng bao giờ mua đào quất chơi Tết. "Tết dưới thuyền chỉ con gà, cái giò với vài miếng bánh chưng là đủ lắm rồi còn cành đào, cây quất chúng tôi không mua bao giờ", anh Tĩnh nói.

Gia đình anh Tĩnh có 4 người sinh sống. Con trai lớn đi làm thuê, còn vợ chồng anh hằng ngày vẫn đi đánh cá chắt bóp từng đồng nuôi con trai út đi học. Năm nào hai vợ chồng cũng tạm dừng công việc đánh bắt cá vào tối 29 Tết.

Cuộc sống lênh đênh của những phận người “ăn ngủ” dưới lòng sông Hồng ước mơ một lần ăn Tết trên bờ - Ảnh 3.

Anh Tĩnh cho biết, bao năm qua vẫn mơ ước một lần được đón Tết trên bờ. Ảnh: Gia Khiêm

"Mấy chục năm hai vợ chồng ăn Tết trên sông thì thấy bình thường chứ giờ các con dần trưởng thành, mình luôn mong được một lần cả nhà được lên bờ ăn Tết chứ dưới này buồn lắm. Sau này còn lập gia đình cho các con. Cuộc sống khó khăn trăm bề là vậy nhưng làm ăn ngày càng khó khăn biết sao được", anh Tĩnh tâm sự.

Cuộc sống lênh đênh của những phận người “ăn ngủ” dưới lòng sông Hồng ước mơ một lần ăn Tết trên bờ - Ảnh 4.

Nhiều năm qua gia đình anh Tĩnh cũng như người dân sinh sống ven làng chài không bao giờ sắm đào, quất đón Tết. Ảnh: Gia Khiêm

Ngồi bên cạnh chồng, chị Nguyễn Thị Vẽ (vợ anh Tĩnh) cho biết, mỗi khi Tết đến, không riêng gì gia đình chị mà hơn chục hộ khác lại thấy chạnh lòng. Dù từ thuyền lên bờ chỉ vài mét nhưng không khí trái ngược đến lạ. Hỏi chị dự định khi nào lên bờ ăn Tết, chị bảo chỉ dám mơ chứ tiền đâu mà lên bờ.

"Đời hai vợ chồng sống dưới này quen rồi thì sao cũng được chỉ mong những đứa con, cháu sau này không phải tiếp tục sống như vậy. Ở trên này bất tiện lắm, cả nhà 4 người phải sống chen chúc. Ngày đêm cứ lênh đênh theo con nước. Gia đình mình khó khăn nên đành phải chấp nhận", chị Vẽ cho biết.

Không dám đi chúc Tết người thân

Cách thuyền nhà anh Tĩnh không xa, chị Nguyễn Thị Hiểu (38 tuổi) cho biết, sinh ra và lớn lên trên sông Hồng. Chị Hiểu đã có hơn 20 năm làm nghề chài lưới. Giờ đây cuộc sống của người mẹ đơn thân này đều trông nhờ cả vào việc đánh bắt tôm, cá dưới sông. 

Cuộc sống lênh đênh của những phận người “ăn ngủ” dưới lòng sông Hồng ước mơ một lần ăn Tết trên bờ - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Hiểu hơn 20 năm qua làm nghề chài lưới. Năm mới sắp đến, chị bảo nghĩ đến Tết lại ngại ngần vì không dám đi chơi nhà anh em, họ hàng. Ảnh: Gia Khiêm

"Cả ngày nay thả hai mẻ lưới mà chưa bắt được con cá nào. Mùa này mà đánh bắt thủ công thì đúng là chỉ chờ ăn may", chị Hiểu lắc đầu rồi cho biết, gần Tết không đánh bắt được cá chị tranh thủ làm thêm ở vườn đào để có thêm thu nhập. 

Dù tiền công không nhiều nhưng còn hơn ở dưới sông. Hai cô con gái, một lớp 7, một lớp 8. Năm nay khó khăn quá, kiếm không ra tiền, tôi một mình không lo được. Năm học vừa rồi thầy giáo trong lớp phải hỗ trợ kêu gọi mua thẻ bảo hiểm y tế cho các con. Nhiều phụ huynh biết hoàn cảnh gia đình tôi cũng hỗ trợ, cho tiền học", chị Hiểu bày tỏ.

Cuộc sống lênh đênh của những phận người “ăn ngủ” dưới lòng sông Hồng ước mơ một lần ăn Tết trên bờ - Ảnh 6.

Những ngôi nhà nổi của người dân làng chài ngày cuối năm. Ảnh: Gia Khiêm

Đa số những người mưu sinh trên sông nước như chị Hiếu đều không có đất trên bờ. Nhiều năm qua, 3 mẹ con chị sống tạm bợ trên chiếc thuyền nhỏ. Cách đây 10 năm trong lần mưa gió lớn khiến thuyền bị chìm. Chị Hiểu khi đó ôm hai con vội vã chạy lên bờ tránh nạn. Sau lần đó, người dân thương tình đã nhường cho chị vài mét đất dựng tạm túp lều mẹ con trú ngụ qua ngày.

"Người dân ở đây tốt vì mình cũng ở đây từ lâu nên họ giúp. Dựng tạm túp lều mẹ con ở chưa được bao lâu thì bị sập. Sau tôi xin gạch cũ nhờ người xây hộ nên giờ cũng có chỗ che mưa nắng. Hàng ngày đánh được con cá nào cho các con ăn, rau hái tại vườn, thịt cũng thi thoảng cải thiện. Có người cho thùng mì ăn sáng hay ít gạo ăn…", chị Hiểu chia sẻ.

Năm mới sắp đến, chị bảo nghĩ đến Tết lại ngại ngần vì không dám đi chơi nhà anh em, họ hàng bởi chị không có tiền để mừng tuổi. Số tiền chị kiếm được chỉ đủ mua cho con bộ quần áo, mua con gà và vài cái bánh chưng ăn Tết.

"Chưa năm nào mấy mẹ con được đi chúc Tết. Tết đến chơi họ hàng cũng phải có tiền mừng tuổi nhưng mình không có nên tôi và các con toàn ở nhà. Năm nào cũng vậy, mấy mẹ con chả dám đi đâu, toàn thấy mọi người ra đây mừng tuổi", chị Hiểu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem