Cựu nhân viên ngân hàng Việt Á không nhận tội vì cũng cho "siêu lừa" Hà Thành vay 2 tỷ đồng

Gia Bình Thứ sáu, ngày 17/03/2023 10:28 AM (GMT+7)
Bị cáo buộc có sai phạm giúp “siêu lừa” Hà Thành chiếm đoạt 25 tỷ đồng của Việt Á, cựu nhân viên nhà băng này không nhận tội. Lý do, bị cáo không biết Thành lừa đảo nên cũng cho cô ta vay 2 tỷ đồng.
Bình luận 0

Sáng 17/3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên toà xét xử 26 bị cáo trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân. Tại tòa, các luật sư được nêu quan điểm đối đáp phần luận tội của đại diện viện kiểm sát.

Theo kiểm sát viên, Hà Thành là chủ mưu trong vụ, có hành vi "mượn" các sổ tiết kiệm của một số cá nhân, thế chấp vay tiền các ngân hàng Quốc Dân (NCB), Việt Á (VAB) và PVcombank. Cô ta cấu kết với nhân viên ngân hàng, giả chữ ký của người có tiền gửi tiết kiệm để hoàn thiện hồ sơ vay nên bị đề nghị án tù chung thân.

Nhân viên ngân hàng Việt Á không nhận tội vì cũng cho siêu lừa Hà Thành vay 2 tỷ - Ảnh 1.

Lừa hơn 400 tỷ đồng, Hà Thành nhận tội nhưng xin sớm về chăm con.

Tại tòa, Hà Thành nhận tội nhưng xin giảm nhẹ hình phạt vì: "Trong thời gian chịu tạm giam, bị cáo đã nhận thức sai phạm của mình. Bị cáo có con gái mắc bệnh hiểm nghèo, mong được sớm trở về chăm sóc".

Luật sư bào chữa cho bị cáo này nêu quan điểm, hậu quả trong vụ thuộc nhóm 17 cán bộ ngân hàng vì thiếu trách nhiệm, không thẩm tra hồ sơ vẫn ký duyệt các khoản vay cho Hà Thành.

Một số luật sư bào chữa cho nhóm nhân viên ngân hàng phản đối quan điểm này, cho rằng Viện kiểm sát đúng khi kết luận Hà Thành là chủ mưu trong vụ và trực tiếp chiếm đoạt khoản tiền đặc biệt lớn. Đa phần các bị cáo này xin giảm nhẹ hình phạt với lý do tin tưởng Hà Thành là khách hàng VIP hoặc chịu sự chỉ đạo, ép buộc từ cấp trên nên làm sai quy định, giúp nữ "siêu lừa" được vay tiền rồi chiếm đoạt.

Riêng bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương, nguyên Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô của VAB đề nghị trả hồ sơ điều tra lại 2 tội danh của mình. Về hành vi đồng phạm lừa đảo cùng Hà Thành, bị cáo Hương nói: "Lừa đảo phải bàn bạc, thống nhất nhưng bị cáo không bàn bạc".

Nhân viên ngân hàng Việt Á không nhận tội vì cũng cho siêu lừa Hà Thành vay 2 tỷ - Ảnh 2.

Bị cáo Quỳnh Hương cũng cho Hà Thành vay 2 tỷ đồng.

Trong vụ án, Viện kiểm sát cáo buộc Hà Thành cùng bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương - nguyên Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô VAB và Đặng Thị Quỳnh Hương rút tiền của ngân hàng này. Hà Thành sau đó chiếm đoạt 25 tỷ đồng của VAB.

Do vậy bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên 16 – 18 năm tù đối với Quỳnh Hương về 2 tội danh gồm "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng"

Bào chữa cho Quỳnh Hương, luật sư Bùi Văn Dũng cho rằng Quỳnh Hương không thể biết mục đích của "siêu lừa" và chính Hương cũng tự góp 2 tỷ đồng cho Thành bị thiếu tiền.

"Quỳnh Hương không thể tự lừa tiền của chính mình nếu biết Thành vay tiền nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản", luật sư phân tích. Ngoài ra, việc Quỳnh Hương giới thiệu khách cho Hà Thành vay tiền không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả siêu lừa này chiếm đoạt 25 tỷ của VAB.

Với tội vi phạm hoạt động của ngân hàng, các luật sư phân tích Quỳnh Hương đã làm đúng các quy định do căn cứ theo quy định nội bộ của VAB, bị cáo không có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn can thiệp vào nghiệp vụ cho vay, cầm cố số dư tiền gửi của quầy giao dịch. Từ đó, luật sư của Quỳnh Hương đề nghị toà tiếp tục điều tra bổ sung hoặc tuyên bố thân chủ không vi phạm.

Theo luật sư Dũng, cần xác minh việc báo cáo của VAB tới Ngân hàng Nhà nước và việc phê duyệt của cơ quan này với các quy trình, nghiệp vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại VAB. Các văn bản này sẽ giúp xác định Quỳnh Hương vi phạm pháp luật hình sự hay không.

Trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Đức Toàn bào chữa cho bị cáo Quản Trọng Đức, cựu Trưởng phòng giao dịch Đông Đô VAB cũng đề nghị tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án.

Nhân viên ngân hàng Việt Á không nhận tội vì cũng cho siêu lừa Hà Thành vay 2 tỷ - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Đức Toàn, bào chữa cho Quản Trọng Đức.

Bị cáo Đức chịu cáo buộc có trách nhiệm điều hành, kiểm soát hồ sơ tín dụng nhưng lại cùng cấp dưới phát hành Hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu trái quy định của VAB, duyệt đề xuất cấp tín dụng vượt hạn mức… Hành vi này giúp Hà Thành chiếm đoạt 245 tỷ đồng của VAB. Do vậy, ông Đức bị đề nghị nhận từ 15 – 17 năm tù về tội lừa đảo.

Luật sư Toàn dẫn các quy định liên quan, cho rằng Quản Trọng Đức có trách nhiệm phê duyệt khoản vay theo thẩm quyền nhưng không có trách nhiệm trong quá trình thẩm định khoản vay, trách nhiệm đó thuộc về các nhân viên quầy giao dịch bởi họ trực tiếp nhận, thẩm định và lập hồ sơ khách hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem