Cựu thù lên cùng thuyền

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ sáu, ngày 25/08/2023 14:38 PM (GMT+7)
Lưỡng viện lập pháp bầu và Nhà vua đã phê chuẩn nên Thái Lan đã có được thủ tướng mới sau cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi hơn ba tháng.
Bình luận 0
Cựu thù lên cùng thuyền - Ảnh 1.

Thủ tướng mới là ông Srettha Thavisin, thủ lĩnh của đảng Pheu Thái vốn đã được cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra thành lập và lãnh đạo. Năm 2014, đảng này đang cầm quyền thì bị giới quân sự ở Thái Lan tiến hành lật đổ. Giới quân sự sau đấy trực tiếp nhiếp chính và rồi thành lập một chính phủ dân sự làm vỏ bọc, cũng thành lập đảng chính trị riêng và tham gia tranh cử quốc hội. 

Trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 14/5 năm nay, đảng của giới quân sự và tất cả những đảng phái chính trị khác có liên quan tới giới quân sự, có quan hệ với giới quân sự hay đã từng liên minh với giới quân sự cầm quyền đều chỉ đạt được kết quả bầu cử rất thấp, không đủ để duy trì vị thế cầm quyền trước đấy. 

Đảng Tiến lên giành về thắng cử lớn, trở thành đảng phái chính trị lớn nhất trong quốc hội mới và đảng Pheu Thai về thứ hai. Hai cam kết vận động tranh cử chủ chốt của đảng Tiến lên là chấm dứt sự nhiếp chính hay tham gia cầm quyền của giới quân sự, của đảng phái của giới quân sự và huỷ bỏ luật về hình sự hoá chuyện báng bổ Nhà vua và hoàng gia.

 Kết quả bầu cử cho thấy rất rõ là đại đa số cử tri ở Thái Lan mong muốn có chính quyền dân sự dân cử thực sự và chấm dứt hoàn toàn quyền lực chính trị của giới quân sự.

Đảng Tiến lên cùng đảng Pheu Thai liên minh với 7 đảng khác nhưng vẫn không có đủ đa số cần thiết để người của họ được bầu làm thủ tướng. Nguyên do là giới quân sự đã chuẩn bị sẵn cho kịch bản bị thất cử nhưng vẫn duy trì được quyền lực. Cử tri bầu 500 dân biểu hạ viện trong khi thủ tướng do cả hạ viện và thượng viện bầu mà tất cả 250 thành viên của thượng viện đều do giới quân sự chọn cử. 

Sau khi đảng Tiến lên không thể thành lập nổi chính phủ, đảng Pheu Thai đứng ra liên minh với 10 đảng khác để thành lập chính phủ mới. Trong số 10 đảng này có đảng của tướng Prayuth, người đã tiến hành cuộc đảo chính lật đảng Pheu Thái hồi năm 2014 và cầm quyền ở Thái Lan cho tới tận bây giờ và đảng của một vị phó thủ tướng trong chính phủ của ông Prayuth. Ông Thavisin nhận được 482 trong tổng số 747 phiếu bầu - tức là gần hai phần ba số thành viên thượng viện đã bỏ phiếu bầu ông Thavisin. 

Không biết bi đối với ai và hài cho ai khi hai cựu thù khi xưa nay lại cùng nhau cầm quyền ở Thái Lan. Năm xưa, giới quân sự lật đổ vị thế cầm quyền của đảng Pheu Thai và bây giờ đảng Pheu Thai lại liên minh cầm quyền với các đảng phái của phe cánh giới quân sự. Chính phủ liên hiệp 11 đảng này vì thế rất dễ đổ vỡ bởi đấy trong thực chất là một cuộc hôn nhân của lý trí. Mối thù xưa đâu có dễ quên được nhưng quyền lực có sức cám dỗ quá lớn và rất khó, nếu như không muốn nói, không thể cưỡng lại được. 

Đảng Pheu Thái không cấp tiến như đảng Tiến lên và mức độ quyết chí cầm quyền cao hơn và triệt để hơn đảng Tiến lên. Đảng này chịu chia sẻ quyền lực với phe cánh của giới quân sự. Giới quân sự chịu chấp nhận trở thành đối tác nhỏ trong liên minh cầm quyền do đảng Pheu Thai lãnh đạo vì chỉ như thế mới có thể ngăn cản đảng Tiến lên lên nắm quyền bính, chấp nhận "thà chịu thua cừu thù xưa còn hơn bị kẻ thù nay đánh bại". 

Đảng Pheu Thai và giới quân sự chịu liên minh với nhau vì chỉ như thế mới có thể thành lập được chính phủ mới và chỉ khi thành lập được chính phủ mới thì mới không xảy ra chuyện lại tổng tuyển cử trong thời gian tới. Họ ý thức được rằng nếu tổ chức bầu cử quốc hội lại thì đảng Tiến lên sẽ thắng lợi còn vang dội  hơn nữa và kết quả bầu cử của họ sẽ tồi tệ hơn hiện tại nhiều. 

Vị thủ tướng mới của Thái Lan có được sự ủng hộ của đa số trong cả hạ viện lẫn thượng viện, nhưng chuyện cầm quyền rồi đây đầy rủi ro như nghệ sỹ đi trên dây. Sẽ là điều kỳ diệu tốt lành cho Thái Lan nếu chính phủ liên minh 11 đảng ổn định bởi không có sự ổn định chính phủ thì giới quân sự luôn có lý do và cơ hội để lại làm đảo chính và trực tiếp cầm quyền. Chỉ có điều, khách quan và công bằng mà nói thì trình độ lãnh đạo và thoả hiệp phải đạt đến mức độ được coi là nghệ thuật thì mới có thể duy trì sự sống của chính phủ liên minh 11 đảng này ở Thái Lan. 

Với chính phủ pha trộn nhiều thành phần như thế này, hiện không ai ở trong cũng như ngoài Thái Lan dám chắc chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ mới rồi đây sẽ như thế nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem