Đà Nẵng: Nữ 9X duy nhất giữ “hồn” cho lồng đèn thủ công Việt Nam là ai?

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ bảy, ngày 03/10/2020 12:31 PM (GMT+7)
Mỗi độ Tết Trung thu về, thị trường luôn thịnh hành các mặt hàng đồ chơi trẻ em hiện đại, khiến lồng đèn thủ công truyền thống dường như bị “lép vế”.
Bình luận 0

Trăn trở với điều đó, chị Trần Thị Thanh Phương (29 tuổi, trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã nhen nhóm ý định làm lồng đèn thủ công, với hi vọng lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Thổn thức hồi ức xưa

Những chiếc lồng đèn ông sao, đèn cá chép đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng…là món đồ chơi giản dị từng lưu giữ những trang hồi ức tươi đẹp của biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Theo sự phát triển ngày một vượt bậc của đời sống xã hội, đồ chơi thủ công dần bị người tiêu dùng quên lãng, thay vào đó là sự lên ngôi của những sạp hàng đồ chơi điện tử hiện đại.

9X duy nhất ở Đà Nẵng giữ “hồn” cho lồng đèn Việt là ai? - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Thanh Phương (29 tuổi) theo đuổi niềm đam mê làm lồng đèn thủ công truyền thống được 12 năm.

Chị Trần Thị Thanh Phương tâm sự: "Hồi trước, cứ sắp đến Trung thu là nhà tôi bày bán các mặt hàng đồ chơi hiện đại như: lồng đèn điện tử (xuất xứ Trung Quốc), mặt nạ nhựa, xe ô tô, búp bê…. Dù gian hàng luôn sặc sỡ màu sắc, âm thanh nhộn nhịp nhưng tôi không thấy được không khí Trung thu rạo rực như hồi còn bé. Chính vì thế, tôi nghĩ đến việc làm những chiếc lồng đèn ông sao truyền thống, bán kèm với đồ chơi hiện đại với hi vọng tạo nên một mùa Tết Trung thu cổ truyền ý nghĩa hơn".

9X duy nhất ở Đà Nẵng giữ “hồn” cho lồng đèn Việt là ai? - Ảnh 2.

Lồng đèn thuần Việt được làm thủ công từ các vật liệu đơn giản như: tre, giấy kính, hồ dán, dây thép (hoặc kẽm), đèn cầy…

Từ năm 2008, chị Phương bắt tay vào làm những chiếc lồng đèn thủ công hình ngôi sao, con thỏ, con bướm, con gà…để bày bán trong dịp Tết Trung thu. Các thành viên trong gia đình luôn nhiệt tình ủng hộ chị theo đuổi niềm đam mê với lồng đèn Việt. Thế là chị miệt mài tìm tòi, học hỏi cách làm đèn thủ công đẹp mắt, hợp xu thế nhưng an toàn, giá cả phải chăng.

9X duy nhất ở Đà Nẵng giữ “hồn” cho lồng đèn Việt là ai? - Ảnh 3.

Cứ mỗi độ tháng 7 âm lịch là xưởng của chị lại tất bật làm lồng đèn các loại, tạo thêm việc làm cho 10 lao động tại địa phương.

Chị Phương cho hay, lồng đèn thuần Việt được làm thủ công từ các vật liệu đơn giản như: tre, giấy kính, hồ dán, dây thép (hoặc kẽm), đèn cầy…. Những công đoạn cơ bản để làm lồng đèn gồm tạo khung, dán giấy kính và trang trí, nó không khó nhưng đòi hỏi người thợ phải khéo tay, tỉ mỉ và sáng tạo để hình thành nên một chiếc lồng đèn vừa đẹp mắt, vừa mới lạ hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. 

Trong đó, các loại đèn ông sao, đèn cá chép, đèn hình chiếc thuyền…vẫn luôn là món đồ chơi được nhiều em thiếu nhi yêu thích, hoặc cha mẹ, ông bà ưu ái chọn mua tặng cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu.

Dũng cảm thực hiện đam mê

Nhớ lại những ngày đầu gắn bó với nghề làm lồng đèn thủ công truyền thống, chị Phương bùi ngùi: "Những món đồ chơi hiện đại khi ấy đang chiếm lĩnh thị trường với mẫu mã đa dạng, sinh động và rất thu hút trẻ em. Vì thế, để có thể cạnh tranh thì các loại đồ chơi truyền thống phải luôn được làm mới, màu sắc phải sặc sỡ, hình thù đa dạng, thậm chí phải đầu tư kiểu dáng cầu kỳ, họa tiết sắc sảo".

9X duy nhất ở Đà Nẵng giữ “hồn” cho lồng đèn Việt là ai? - Ảnh 4.

Lồng đèn hình chiếc thuyền thể hiện chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, luôn được nhiều người lớn và trẻ em yêu thích.

Từ niềm đam mê mãnh liệt, chị Phương đã gặt hái được niềm vui lớn khi sản phẩm dần được mọi người ưa chuộng, tin tưởng và đặt hàng với số lượng lớn. Cứ mỗi độ tháng 7 âm lịch là xưởng của chị lại tất bật làm lồng đèn các loại, tạo thêm việc làm cho 10 lao động tại địa phương. Nhiều cửa hàng, công ty, trường học đã tìm đến chị để đặt hàng làm quà tặng, trang trí dịp Tết Trung thu. 

Điển hình như chiếc lồng đèn hình chiếc thuyền thể hiện chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, luôn được nhiều người lớn và trẻ em yêu thích. Số lượng thuyền lớn 1m trở lên tính đến nay chị làm hơn 2000 chiếc.

Chị Phương chia sẻ: "Tạo khung là công đoạn khó nhất khi làm lồng đèn truyền thống, bởi nếu người làm không khéo léo và tỉ mỉ thì không thể uốn tre theo hình dáng mình muốn, hoặc khung đèn thiếu độ bền chặt. Bên cạnh đó, công đoạn vẽ hoặc tô màu lên mặt giấy kính cũng rất quan trọng vì nó "thổi hồn" cho mỗi sản phẩm, tạo nên độ sắc sảo cho lồng đèn thủ công. Đặc biệt, tôi dùng bột mì pha với màu thực phẩm để tạo màu vẽ an toàn cho sức khỏe, dùng đèn led có gắn công tắc thay thế đèn cầy nếu khách hàng yêu cầu".

9X duy nhất ở Đà Nẵng giữ “hồn” cho lồng đèn Việt là ai? - Ảnh 5.

Dù thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhưng lồng đèn truyền thống luôn giữ một vị trí không thể thay thế trong ký ức của người Việt Nam.

Với tâm nguyện lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, chị Phương và những thành viên trong gia đình luôn tâm huyết với từng sản phẩm. Từ đó, chất lượng và uy tín ngày càng được khẳng định, giúp mọi người yêu mến lồng đèn truyền thống hơn. 

Mỗi mùa Trung thu, chị Phương xuất bán khoảng 3.000-4.000 chiếc đèn (chưa kể đèn cỡ lớn), đèn nhỏ dao động từ 15.000-95.000 đồng/chiếc, đèn lớn từ 300.000 đồng trở lên. Sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và nhiều nhất là khu vực phía Nam.

"Việc tôi làm lồng đèn thủ công như đi ngược lại với xu thế của thời đại. Bởi trong bối cảnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, không chỉ riêng lồng đèn Việt bị mai một, mà nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống khác cũng đang chật vật để tồn tại. Nhưng dù có khó khăn ra sao thì tôi vẫn cố gắng tiếp tục niềm đam mê với lồng đèn thuần Việt, tạo nên niềm vui cho những em nhỏ. Qua đó, tôi muốn giữ gìn hình ảnh những chiếc lồng đèn truyền thống trong ký ức của mọi người dân Việt Nam", chị Phương trăn trở.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem