Đa phần phụ nữ chủ động chọn bán dâm vì khó kiếm việc đủ sống

Diệu Linh Thứ tư, ngày 30/11/2016 13:37 PM (GMT+7)
Đây là kết luận từ nghiên cứu định tính do Viện nghiên cứu phát triển xã hội ISDS được chia sẻ tại Hội nghị quốc gia về tình dục, sức khoẻ và xã hội lần thứ 3 diễn ra tại Hà Nội từ 28-30.11.
Bình luận 0

Lựa chọn đường cùng

“Mẹ em thì mất, bố em cờ bạc, vô trách nhiệm với con cái…. Sau này lấy chồng thì cũng vướng vào người cờ bạc, không có công việc. Em đành chấp nhận xuống Hà Nội “ đi làm” một thời gian để nuôi con nhỏ 25 tháng. Nếu kiếm một ít vốn sẽ quay sang làm buôn bán” - Nguyễn H., một phụ nữ  bán dâm (22 tuổi, di cư) chia sẻ.  

Còn T. (29 tuổi) bước chân vào nghề “bán thân” khi em trai bị tai nạn giao thông nặng, phải nằm viện dài ngày. Bố mẹ chị làm ruộng nên kinh tế rất eo hẹp. Để chạy chữa cho em, gia đình đã phải bán hết gia sản. Cùng đường, chị đành bán nốt “vốn tự có”. 

Đây chỉ là 2 trong số nhiều câu chuyện mà ISDS đã thu thập được. ISDS đã tiến hành phỏng vấn 39 phụ nữ bán dâm ở Hà Nội. Kết quả cho thấy, đa phần chị em chủ động lựa chọn công việc này vì có rất ít cơ hội lựa chọn công việc có thu nhập đủ sống. Trước đó, họ đã làm nhiều việc khác như phục vụ quán ăn, bán quần áo, làm giày da, bán bánh mì… Trình độ học vấn thấp, không có tay nghề, thiếu vốn nên họ không thể tìm các việc khác có thu nhập cao hơn.

img

Phụ nữ bán dâm thường bị đánh đập, xỉ nhục, cưỡng bức (Ảnh minh họa: IT)

Đáng nói, điều khiến phụ nữ bán dâm phải đi đến lựa chọn bán dâm lại không phải vì bản thân họ. Nguyên nhân khiến họ “cùng bất đắc dĩ” thường do gia đình có người đau ốm, chi phí lớn, nuôi con một mình, nợ nần, chồng/người yêu/bản thân nghiện ma tuý nên phải bán dâm để kiếm tiền. Một số người là nạn nhân của nạn buôn bán người, bạo lực gia đình hoặc từng bị lạm dụng tình dục.

Chia sẻ ngày 30.11, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng ISDS phân tích, có thể phụ nữ bán dâm có thu nhập cao hơn nhiều ngành nghề khác nhưng họ gần như không giữ được tiền, thậm chí nhiều người còn trở thành “con nợ” với lãi suất cao “cắt cổ”. “Vì nghề nghiệp họ phải chi rất nhiều cho ăn mặc, son phấn. Họ phải đi khám sức khoẻ thường xuyên mà cũng không dám đi khám ở bệnh viện công mà đi khám tư với chi phí đắt đỏ.

Để vượt qua vất vả, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, không ít người đã tìm đến ma tuý. Cuộc sống tạm bợ khiến chi tiêu của họ cũng tuỳ tiện, hầu như không giữ được tiền” – TS Hồng cho biết.

Tầng lớp bạo lực

Một phụ nữ bán dâm hơn 10 năm chia sẻ: “Nếu như bây bỏ nghề thì em cũng cần kiếm được việc làm có thu nhập 3-5 triệu để đủ sống. Bỏ nghề hôm nay nhưng ngày mai con em cần tiền đóng học, em biết vay mượn ai. Cuối cùng lại buộc phải đi làm chứ không phải là như người ta nghĩ vừa sướng vừa được tiền đâu. Không có cái nghề nào nhục bằng đi làm cái nghề này. Nhưng mà mọi người bắt buộc phải làm thôi”.

“Nên thiết lập các địa điểm an toàn cho phụ nữ bán dâm bị bạo lực. Đồng thời cần thiết lập một dịch vụ hỗ trợ toàn diện:về sức khỏe, tư vấn luật pháp, tư vấn tâm lý, hỗ trợ đồng đẳng viên, nơi tạm trú. Cần có chính sách để bảo vệ phụ nữ bán dâm khỏi bạo lực, cụ thể như quản lý hoạt động mại dâm trong một số khu vực nhất định...”

TS Khuất Thu Hồng

Nghiên cứu của ISDS cũng chỉ ra rằng, phụ nữ bán dâm chịu tầng tầng lớp lớp các loại bạo lực (đánh đập, xỉ nhục, quỵt tiền, trấn tiền, đòi tiền, ép quan hệ tình dục, tình dục không an toàn, cưỡng hiếp thậm chí cưỡng hiếp tập thể), bị nhiều đối tượng hành hạ (khách hàng, chồng/bạn tình, người thân, bảo kê, chị em khác, cộng đồng, đầu gấu…).

Nhiều người trong số họ bị tổn thương các bộ phận cơ thể, viêm nhiễm phụ khoa, lây bệnh qua đường tình dục và có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đa sống số họ luôn trong trạng thái sợ hãi, lo lắng, cô đơn, tuyệt vọng. Họ sống bất cần nên dễ tìm đến ma tuý để giải toả.

Theo TS Hồng, bạo lực tình dục đối với nhóm phụ nữ bán dâm diễn ra “như cơm bữa” và với nhiều hình thức tàn bạo. Bản chất công việc của họ liên quan đến tình dục nên dù bị đánh đập, cưỡng bức, phụ nữ bán dâm vẫn ngậm ngùi chấp nhận. Cùng đó, những định kiến của xã hội đã khiến nhiều người cho rằng phụ nữ bán dâm “đáng bị như vậy” nên đã bỏ qua, không bênh vực cho họ, thậm chí một số người còn chính là thủ phạm gây ra bạo lực cho phụ nữ bán dâm.

TS Hồng khẳng định, mại dâm vẫn không phải là nghề nghiệp được thừa nhận. Tuy nhiên, phụ nữbán dâm vẫn có quyền con người, quyền được bảo vệ, quyền được an toàn về thân xác và nhân phẩm. “Ngay cả những người phạm tội thì cũng chỉ pháp luật được phép xử lý theo Luật, được cơ quan thi hành luật pháp bảo vệ về thể xác, còn người dân cũng không được quyền đánh đập, xâm hại họ. Tại sao bạo lực đối với phụ nữ bán dâm lại bị phớt lờ?” – TS Hồng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem