Đặc sản: Hít hà với bánh canh "chờ", đu đủ đâm...huỳnh huỵch

Thứ bảy, ngày 03/06/2017 14:02 PM (GMT+7)
Trong lần ghé thăm người bạn ở xã Châu Lăng (Tri Tôn, An Giang), chúng tôi được giới thiệu những món ăn đặc sắc của người Khmer tại địa phương. Tuy không cao lương mỹ vị nhưng món đu đủ đâm và bánh canh “chờ” ở Châu Lăng thật sự ấn tượng với những ai đam mê ẩm thực.
Bình luận 0

Giòn cay với đu đủ đâm

Theo chân người bạn, chúng tôi thẳng hướng đến ấp Phnôm pi nằm dưới chân núi Nam Quy đang mùa xanh tốt. Anh cho biết, muốn ăn đu đủ đâm phải đợi tầm 2 giờ chiều vì những hộ chuyên bán món này chuẩn bị nguyên liệu khá lâu. Chúng tôi ghé lại quán “ruột” của anh bạn khi cơn mưa chiều còn lất phất. Quán nhỏ đơn sơ nhưng khá đông thực khách. Có lẽ hương vị độc đáo của món ăn dân dã này đã thu hút nhiều người sẵn sàng vượt đường xa đến đây thưởng thức.

img

Chế biến món đu đủ đâm 

Cô chủ quán nhanh nhảu cho một nắm đu đủ vào cối rồi dùng chày đâm huỳnh huỵch. Kế đến là khâu nêm nếm gia vị rồi múc ra dĩa. Khi món ăn được bày lên bàn là lúc chúng tôi cảm nhận được sự độc đáo của nó. Những sợi đu đủ giòn thấm gia vị kết hợp với tôm khô, đậu phộng, đậu đũa, rau muống, một lát chanh cùng với ớt cay khiến món ăn trở nên đa màu sắc. Về hương vị, món ăn có vị hơi mặn pha lẫn vị ngọt và khá cay. Với người sành ăn, đu đủ đâm càng cay ăn sẽ càng ngon. Thực khách chưa quen sẽ vừa ăn vừa hít hà nhưng cuối cùng cũng phải khen ngon.

Anh Lưu Tấn Quang, chủ quán đu đủ đâm, cho biết: “Món ăn này có từ rất lâu và trở thành đặc sản của người Khmer. Người ta có thể ăn kèm với hột vịt ung, hột vịt lộn hay bò nướng. Do nhiều người ưa thích nên các quán bán đu đủ đâm khá đông khách. Tuy cùng bán đu đủ đâm và có nguyên liệu giống nhau nhưng cách nêm nếm gia vị mỗi quán mỗi khác. Do đó, người thưởng thức có thể thoải mái chọn quán theo sở thích của mình. Đu đủ đâm được bán với giá 5.000 đồng/dĩa nên khá hút khách, nhất là các em học sinh”.

Theo người dân địa phương, món đu đủ đâm có tên gọi theo tiếng Khmer là Bốk la hông. Cách đây chừng chục năm, người ta hay ăn đu đủ đâm kèm với cá chạch non chiên giòn hay với bún. Tuy chỉ là món “ăn chơi” nhưng đu đủ đâm lại mang hương vị rất riêng, phản ánh một phần văn hóa ẩm thực Khmer vùng Bảy Núi.

img

Đu đủ đâm ăn kèm với các món như chạch chiên giòn, bún.

Hít hà với bánh canh “chờ”

Với nhiều người, bánh canh “chờ” đã trở thành thương hiệu của xã Châu Lăng. Thực tế, đây là bánh canh bột xắt được nấu theo kiểu truyền thống của người Khmer. Sở dĩ nó được gọi là bánh canh “chờ” vì quán lúc nào cũng đắt khách, do đó để có được tô bánh canh, chúng tôi phải đợi chừng… nửa tiếng. Chị Neang Kanh Nha, chủ quán bánh canh “chờ” ở ấp An Hòa, cho biết: “Hồi trước, mẹ tui gánh món bánh canh bột xắt này đi bán khắp nơi.

Tới tui nối nghề thì không gánh đi nữa mà bán tại nhà. Nhờ “bí quyết” riêng nên bánh canh khá ngon, bà con ủng hộ nên tui cũng sống được với nghề. Thường ngày, tôi bắt đầu đi chợ từ giữa trưa rồi xay gạo, quếch bột, xắt bột, nấu nước dùng. Phải đến 4 giờ chiều mới có bánh canh và tầm 7 giờ tối là hết sạch”.

img

Thực khách chờ thưởng thức bánh canh “chờ”

Theo chị Neang Kanh Nha, bánh canh bột xắt có hương vị thơm ngọt đậm đà do phần nước dùng được nấu kỹ theo “bí quyết” riêng. Mỗi mẻ bột, chị phải nấu một nồi nước dùng riêng. Bán hết bánh, chị đổ phần nước thừa đi chứ không tái sử dụng nên bánh canh không có hậu chua. Thường ngày, chị Neang Kanh Nha bán khoảng 6 mẻ bột như thế. Phần bột vừa cho vào nồi nước dùng sẽ có độ chín vừa phải nên giữ được độ dai, ngon.

Vì vậy, nhiều vị khách sành ăn quyết “chờ” để được thưởng thức loại bánh canh vừa chín tới này, dù trong nồi vẫn còn bánh của mẻ bột trước đó. Đây chính là lý do khiến cho bánh canh bột xắt của chị Neang Kanh Nha được dân địa phương gọi bằng bánh canh “chờ”.

Điểm đặc biệt ở quán bánh canh này còn nằm ở cách phục vụ. Thực khách không ngồi tại bàn đợi người bán mang đến nơi mà tự lấy tô rồi nêm gia vị, hành, ớt. Sau đó, họ xếp hàng lần lượt tự múc bánh canh cho mình rồi tìm chỗ ngồi ăn. Khách ăn xong sẽ tự đến quầy trả tiền cho chị Neang Kanh Nha, chứ chủ quán cũng không đi thu bởi còn tất bật lo nấu mẻ bánh tiếp theo.

“Mình ăn ở ngay thẳng, bà con không nỡ tham tô bánh 7.000 đồng của mình đâu. Họ ăn rồi trả tiền đủ, hôm khác quay lại ủng hộ. Tôi nấu bánh canh đã 10 năm rồi, chưa có ai quỵt tiền hết”- chị Neang Kanh Nha thiệt tình.

Chúng tôi tạm biệt người bạn khi miệng vẫn còn vị cay của tô bánh canh “chờ”. Dù chỉ là những món ăn dân dã của địa phương nhưng đu đủ đâm và bánh canh “chờ” tạo được dấu ấn sâu đậm cho chúng tôi về văn hóa ẩm thực của người Khmer ở vùng đất Châu Lăng. Thứ văn hóa ẩm thực ấy sẽ còn được các thế hệ sau tiếp nối để người Khmer còn được dịp cảm nhận hương vị độc đáo từ những món ăn của dân tộc mình.

Thanh Tiến (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem