Đại án Ocean Bank: Hà Văn Thắm - Từ ao làng ra biển

Phan Thế Hải Thứ ba, ngày 29/08/2017 15:00 PM (GMT+7)
Hà Văn Thắm, “ông chủ” một thời của Ocean Bank đã vướng vào vòng lao lý do những sai phạm nghiêm trọng trong quản trị ngân hàng này. Chỉ trước đó chưa lâu, Hà Văn Thắm từng được đánh giá là nhân vật giàu số 2 trên sàn chứng khoán, đang đầy triển vọng soán ngôi vị số 1.
Bình luận 0

Dân Việt xin giới thiệu tới độc giả bài viết ký chân dung của nhà báo Phan Thế Hải vài nét về chân dung và con đường sự nghiệp thăng trầm của “ông chủ” nhà băng này.

img

Hà Văn Thắm, ông  chủ một thời của Ocean Bank

Gặp gỡ Hà Văn Thắm

Đại án Ocean Bank đang được xét xử lại sau một thời gian bị trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung. Hàng trăm bài báo đã đưa tin về vụ việc này với nhiều góc nhìn.

Tôi và Thắm biết nhau đã hơn chục năm, từng đôi lần hợp tác với nhau, nên muốn kể vài điều để mọi người cùng ngẫm nghĩ.

Lần đầu tiên gặp nhau, Thắm chìa bàn tay nhỏ mềm, thư sinh. Với giọng nói nhỏ nhẹ, Thắm không nói về kinh doanh mà chỉ tiết lộ rằng đang theo đuổi chương trình học sau đại học ở Mỹ.

Một thời gian sau đó, tôi gặp lại Thắm trong một hoàn cảnh khác. Lúc bấy giờ, tôi làTổng Giám đốc Vietnamnet IC. Hồi đó, xúc tiến thương vụ mua Công ty MESSCO rồi bán lại cho Lam, một doanh nhân từ Đức trở về. Do cần tiền mặt để thanh toán cho các cổ đông nên theo sự giới thiệu của Đoàn Văn An, tôi đành đến gõ cửa Ocean Bank, khi đó vẫn ở đường Ngô Quyền (Hà Nội). Cô cán bộ tín dụng dẫn tôi lên gặp Chủ tịch, đó chính là Hà Văn Thắm.

Anh em trao đổi hàn huyên mấy câu rồi vào việc. Ở tuổi 35, lúc đó Thắm là Chủ tịch, tức là ông chủ đích thực của Ocean Bank, ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ cả nghìn tỷ. Tôi nghĩ, anh thật đáng nể. Tôi rất ấn tượng với cách làm việc cẩn trọng, kỹ lưỡng và mẫn cán của anh.

Bước vào cuộc chơi ngân hàng

Như đoạn clip mà Ocean Group quảng bá rộng rãi, thời cực thịnh, Thắm là người đứng đầu Ocean Group với một hệ thống các doanh nghiệp lớn. Trước khi bị bắt, Thắm giữ chức Chủ tịch của 4 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Ocean Bank),vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH), vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Dương (OCS), vốn điều lệ 600 tỷ đồng.

img

Ông Hà Văn Thắm, bà Nguyễn Minh Thu, Ông Nguyễn Xuân Sơn (từ trái qua phải).

Hà Văn Thắm được cho là một trong những tỷ phú có học vấn tốt tại Việt Nam. Nhà sáng lập Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) nắm trong tay bằng Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Columbia Common Wealth (Mỹ) và bảo vệ Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Công nghệ Paramount (Mỹ). Những thông tin này được rất nhiều công chúng biết đến,làm hàng triệu người ngưỡng mộ.

Theo lời Thắm, anh bén duyên với ngành ngân hàng từ đầu những năm 2000 khi gặp một cổ đông muốn bán cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Hải Hưng, trong lúc anh chỉ có một số vốn nhỏ vài nghìn đô-la vay của bạn bè.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Hải Hưng với vốn điều lệ 300 triệu đồng, ban đầu nó chỉ là sân chơi của một số cán bộ ngành ngân hàng về hưu, chủ yếu huy động vốn nhàn rỗi ở nông thôn rồi cho các hộ nông dân vay để đầu tư những món nhỏ lẻ.

Sau chục năm hoạt động, ngân hàng này không lớn lên được bao nhiêu, nhưng không chết. Tình hình tài chính khá ổn. Hồi đó, vợ chồng Hường -Tuấn (Nguyễn Thị Nguyệt Hường và Nguyễn Anh Tuấn)  từ Đông Âu trở về đầu tư vào khu công nghiệp Phố Nối, rồi Nam Sách; họ đã nhận ra rằng, ngân hàng này dẫu nhỏ nhưng vẫn là một ngân hàng, có đủ tính hợp pháp và nghiệp vụ kinh doanh. Muốn làm ăn lớn, không thể không chủ động nguồn vốn. Hường- Tuấn đã mua lại cổ phần rồi chuyển nhượng cho Thắm. Là người nhạy bén, Thắm mua cổ phần rồi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Ít lâu sau đó, năm 2005, anh lên phương án chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị. Đến năm 2007, anh giữ luôn chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Khi đã thành danh, vua biết mặt, chúa biết tên, Thắm bắt tay với nhiều lãnh đạo cấp cao, nhờ các mối quan hệ đó, Thắm đã mời được PVN làm cổ đông chiến lược tham gia mua 20% vốn của Ocean Bank. Chỉ một thời gian sau, ngân hàng này phát triển chóng mặt. Năm 2008, PVN cử Nguyễn Xuân Sơn, Tổng giám đốc của Công ty Tài chính dầu khí (PVFC) sang làm Tổng Giám đốc Ocean Bank. Sự kết hợp này khiến tham vọng của Thắm ngày càng lớn.Không lâu sau đó, bộ đôi này đã cùng đi đến một địa chỉ.

Khủng hoảng và những cái bẫy

Năm 2008 cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát ở Mỹ, khiến hệ thống ngân hàng đổ vỡ hàng loạt. Tình trạng đói tín dụng, tình trạng sụt giá chứng khoán và mất giá tiền tệ xảy ra trên quy mô lớn. Khởi phát ở phố Wall, cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan ra toàn cầu.

Khó khăn của người này có khi lại là cơ hội của người khác. Đặc biệt là ở Việt Nam, một thị trường mới nổi có khả năng hấp thụ vốn rất lớn. Ngành ngân hàng đang đứng trước một cơ hội lớn. Nhận thức được điều này, Thắm cùng ban lãnh đạo tập trung tăng tốc. Việc đầu tiên là mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch. Khởi đầu bằng là một ngân hàng nông thôn, có vài chi nhánh ở Hải Dương. Rồi chỉ trong mấy năm chuyển đổi mô hình, Ocean Bank đã có cả một hệ thống toàn quốc gồm 101 chi nhánh và phòng giao dịch.

img

Ocean Bank cũng liên tục tăng vốn điều lệ, mở rộng huy động vốn và cho vay. Nhưng chính do phát triển nóng  mà Ocean Bank gặp phải nhiều rủi ro. Cụ thể chỉ trong vòng một năm từ 2008-2009, nợ có khả năng mất vốn đã tăng từ 4,5 tỷ lên 42,6 tỷ đồng, nợ không có khả năng thu hồi lên đến trên 100 tỷ đồng. Đến năm 2012, con số nợ xấu (Nhóm 5) đã tăng theo cấp số nhân lên đến 700 tỷ đồng.

Khi cuộc khủng hoảng tràn vào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, mất cân bằng tài chính,dần thua lỗ. Thắm đang trong thế chủ động về nguồn vốn, ung dung đứng nhìn tình cảnh đó. Nhận thấy đây là cơ hội vàng để thâu tóm những kẻ yếu kém đang cố bán tháo, Thắm mạnh tay.

Hà Văn Thắm sinh năm 1972 ở Bắc Giang.Năm 1993, ở tuổi 21, Thắm tốt nghiệp Đại học Thương mại. Cũng năm đó, anh khởi nghiệp từ kinh doanh, buôn bán phân phối dầu ăn và lốp ô tô. Theo lời Thắm từng tiết lộ, ông chính là một trong những người đầu tiên đưa dầu ăn Neptune vào Việt Nam. Cuối Năm 1993, Thắm đã tự lập doanh nghiệp tư nhân với tên Bình Minh. Từ năm 1997-2001, Thắm là Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn VNT. Khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2003, Thắm làm Giám đốc Công ty Liên doanh.

Trong thời gian này, Ocean Bank mở hầu bao thâu tóm một số doanh nghiệp, đầu tư mạnh vào xây dựng và bất động sản,đẩy dư nợ tín dụng lên đến 5.400 tỷ đồng trong năm tài chính 2008-2009. Những năm tiếp theo, tình trạng cổ phiếu liên tục rớt giá, bất động sản cũng đóng băng không có lối thoát, khiến ngành xây dựng hết sức đì đẹt, các khoản đầu tư của Ocean Bank phải nằm đắp chiếu suốt một thời gian dài.

Cũng cần nói thêm, Việt Nam có nền kinh tế chuyển đổi muộn. Trước đó, quá trình tư nhân hóa mạnh mẽ nền kinh tế đã diễn ra ở Liên Xô và Đông Âu, tạo ra hàng nghìn tỷ phú không bằng con đường sản xuất mà chỉ là nhanh tay thâu tóm những nguồn tài nguyên vừa được nhà nước thả ra. Thứ nhất là đất đai, từ công thổ bỗng biến thành hàng hóa. Thứ hai là cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước được định giá rẻ như bèo, nhưng người lao động hoặc không nhận thức được hoặc nhận thức được nhưng không có tiền mua, các đại gia nhanh tay thâu tóm. Thứ ba là các hầm mỏ, với những tài nguyên nằm trong lòng đất không nhìn thấy, khó định giá. Ai khôn, thông qua sự dàn xếp chia chác với nhà cầm quyền đều có thể sở hữu.

Thắm đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội đó. Không chỉ ôm nhiều dự án bất động sản, Thắm còn cho mua cả một số doanh nghiệp đang sở hữu những khu đất vàng. Kem Tràng Tiền sở hữu khu đất cạnh Hồ Gươm được Thắm cho mua lại là một trong số đó. Cùng với đó là một số mỏ rải rác ở các tỉnh.

Những thứ này khi được định giá thì rất cao, nhưng khi cần không hề dễ bán. Nói theo ngôn ngữ tài chính: Tính thanh khoản thấp. Hệ lụy là nợ quá hạn của ngân hàng này tăng lên chóng mặt, và có nguy cơ trở thành nợ xấu.

Đã lỡ đâm lao, đành phải theo lao. Thắm cho Ocean Bank lao vào công việc huy động vốn. Lúc này, Nguyễn Xuân Sơn là Tổng Giám đốc Ocean Bank, đã huy động vốn với 67% nguồn vốn từ các doanh nghiệp dầu khí.

Ngân hàng là nghề buôn tiền. Huy động với giá thấp, cho vay lãi cao. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động là thu nhập chủ yếu của ngành này. Với Ocean Bank, huy động nhiều nhưng chỉ cho vay được 21%. Số vốn dư thừa được chuyển về Ngân hàng Nhà nước, khiến ngân hàng rơi vào tình trạng mất cân đối thật sự nghiêm trọng trong những năm tiếp theo.

Do hệ thống các quy định khá chặt chẽ trong Luật tín dụng, việc cho vay được ràng buộc ngặt nghèo. Các tổ chức hay cá nhân, nếu đủ điều kiện, sẽ đến các ngân hàng quốc doanh vay với lãi suất hợp lý. Những đối tượng khác, khi không đủ điều kiện vay vốn, muốn vay được phải dựng hồ sơ, thêm vào đó là chi chác bên ngoài cho cán bộ tín dụng.

Trưởng thành từ nền kinh tế chuyển đổi trong môi trường nhá nhem, Thắm rất rành cách này. Nhằm vớt vát chút tiền để bù vào những khoản thua lỗ triền miên, bộ ba Thắm-Sơn-Thu (Ông Hà Văn Thắm, bà Nguyễn Minh Thu, Ông Nguyễn Xuân Sơn) đã liên kết, chỉ đạo cho cấp dưới thu phí khách hàng khi cho vay. Nghiệp vụ này đã giúp Ocean Bank thu lợi hàng chục tỷ đồng. So với hoạt động khác của ngân hàng, khoản này không lớn, cũng không có gì lạ, nhưng khi bị soi sẽ bị khép vào tội “cố ý làm trái”.

Trong thời gian này, Thắm ôm rất nhiều dự án bất động sản cũng như xây dựng, và để có tiền chi trả cho các đối tác, Thắm đã cho ngân hàng chi lãi suất ngoài hợp đồng khi huy động vốn của khách hàng.

Ôm quá nhiều bất động sản, nhiều mỏ, thế chấp vào ngân hàng, rút tiền ra thâu tóm doanh nghiệp... cái vòng xoáy đó khi bị soi sẽ thấy nợ quá hạn tiếp tục dày lên, đẩy Ocean Bank vào tình cảnh nguy cấp. Vậy tại sao Thắm và những cái đầu khôn ngoan ở Oceanbank đã không nhận ra nguy cấp đó?

Bả vinh hoa

Bề ngoài Ocean Bank liên tục tăng vốn điều lệ gấp nhiều lần và không ngừng phình to.Tuy nhiên,bên trong, bộ máy quản trị và ngay cả người đứng đầu chưa có sự phát triển tương thích. Đến năm 2010, vốn điều lệ của Ocean Bank đã lên 3.500 tỷ đồng với tổng tài sản có lúc lên đến hơn 60.000 tỷ đồng.

Với bộ máy Marketing hoạt động khá tốt, cùng với đó là việc sở hữu kênh InforTV, Ocean Bank vượt trội các ngân hàng cùng loại về uy tín, thương hiệu, và kiếm được nhiều giải thưởng danh giá.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem