Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng gấp đôi mức hưởng trợ cấp thai sản BHXH

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 02/11/2023 18:30 PM (GMT+7)
Theo một số đại biểu Quốc hội, người lao động tham gia BHXH tự nguyện đáp ứng đủ điều kiện được hưởng mức trợ cấp 2 triệu đồng khi sinh con là "rất thấp".
Bình luận 0

Trợ cấp thai sản 2 triệu đồng là thấp so với mặt bằng giá

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng gấp đôi mức hưởng trợ cấp thai sản BHXH - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ). Ảnh: QH

Tham gia thảo luận tại tổ của Quốc hội chiều 2/11, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (Luật BHXH) quy định, lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng cho một con mới sinh. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng chế độ. Theo ông Nghĩa, mức trợ cấp thai sản này là thấp so với mặt bằng giá hiện nay.

"Tôi đề nghị tăng lên gấp đôi là 4 triệu đối với gia đình chỉ có mẹ hoặc cha tham gia bảo hiểm tự nguyện, nếu gia đình cả mẹ và cha đều tham gia BHXH thì mức hưởng là 6 triệu đồng", đại biểu Đào Chí Nghĩa nêu quan điểm.

Ông Nghĩa phân tích, cơ sở đề xuất là có đóng thì có hưởng; người thứ nhất thì được hưởng đầy đủ chế độ; do ngân sách còn hạn chế thì người thứ hai được hưởng ½ chính sách là phù hợp. 

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Ban soạn thảo có đánh giá tác động của chính sách đối với ngân sách đảm bảo theo từng mức hưởng để xác định mức hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế.

Đảm bảo phụ nữ không rơi vào cảnh nghèo đói vì sinh con

Cũng đánh giá mức trợ cấp 2 triệu đồng cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện là "rất thấp", đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, quy định của dự thảo luật chưa thực sự hỗ trợ cho phụ nữ bảo vệ thai sản và không có ý nghĩa theo chế độ thai sản.

"Chúng ta phải hướng tới một "hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam" với mức hưởng chế độ thai sản phải tối thiểu bằng mức chuẩn nghèo, đảm bảo không có phụ nữ nào rơi vào cảnh nghèo đói vì có con", theo ông Khải.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng gấp đôi mức hưởng trợ cấp thai sản BHXH - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam). Ảnh: QH

Đại biểu Trần Văn Khải dẫn chứng theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần thì mức này chỉ tương đương 145 nghìn đồng/tuần, tức là khoảng 600 nghìn đồng/tháng, chỉ bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. 

Thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các vùng khó khăn khi họ sinh con theo đúng chính sách dân số . 

"Do đó, tôi đề xuất mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần (3,5 tháng) là phù hợp và vẫn giữ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số", ông Khải nói.

Theo ông Khải, chi phí hưởng chế độ thai sản do ngân sách nhà nước chi trả và có sự chia sẻ quỹ thai sản của chính sách BHXH nhằm đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân cho tất cả các bà mẹ sinh con tại Việt Nam. Hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam có thể giảm gánh nặng tài chính từ việc đóng BHXH đối với các hộ gia đình không có khả năng đóng góp, góp phần tăng mức độ bảo vệ thai sản cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, qua đó tăng diện bao phủ của BHXH. 

Bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu có thể dẫn đến xu hướng "nghèo hóa" 

Thảo luận về vấn đề lương hưu, đại biểu Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa - bày tỏ nhất trí về quy định sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. 

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng gấp đôi mức hưởng trợ cấp thai sản BHXH - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hoá). Ảnh: QH

Tuy nhiên, đại biểu Sơn cho rằng, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng. 

Đồng thời, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. 

"Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng "nghèo hóa" của một bộ phận người dân trong tương lai", đại biểu Sơn lo ngại. 

Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp; theo đó, mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem