Đại biểu Quốc hội hỏi "có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT không", Bộ trưởng trả lời thế nào?

Nhóm PVTS Thứ năm, ngày 11/11/2021 16:05 PM (GMT+7)
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn, ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu vấn đề: "Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT hay không?".
Bình luận 0

Chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT linh hoạt

Liên quan đến Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đặt vấn đề, nhiều trường tuyển sinh đông là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm. 

"Nên chăng, khi các trường tuyển sinh cần có cam kết việc làm cho sinh viên để các em yên tâm học tập. Cử tri muốn nghe chia sẻ của Bộ trưởng về vấn đề này", đại biểu Hòa chất vấn và đặt vấn đề về việc có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT hay không?

Đại biểu Quốc hội hỏi "có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT không", Bộ trưởng nói gì? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Quochoi.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Việc yêu cầu các trường ký cam kết sẽ khó khả thi.

"Việc tuyển dụng cũng không nằm trong tay của nhà trường. Ngay cả doanh nghiệp, cũng khó có thể khẳng định là ký hợp tác tuyển dụng bao nhiêu nhân lực", ông nói và nhấn mạnh, cần tăng cường mối liên kết giữa nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, nhà trường.

Về việc có nên bỏ Kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không? Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm ngoái Bộ GDĐT đã tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thành nhiều đợt. Trong đó, có một nhóm hơn 2000 học sinh tại khu vực TP.HCM và các tỉnh miền Đông vì lý do dịch bệnh đã xin phép đặc cách. Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định trước mắt việc thi THPT quốc gia vẫn cần thiết.

Theo Bộ trưởng GDĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã được luật hoá và Bộ GDĐT thực hiện theo quy định của luật. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng có nhiều tác dụng trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh và hiện vẫn là một trong cá căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Đại biểu Quốc hội hỏi "có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT không", Bộ trưởng nói gì? - Ảnh 2.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại Hà Nội, năm 2021. Ảnh: Phạm Hưng

Năm 2022, Bộ GDĐT đã nghiên cứu phương án thi, thậm chí còn linh hoạt hơn để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Căn cứ vào tình hình, các tỉnh thành phố hoặc nhóm tỉnh thành phố có thể có lịch thi linh hoạt hơn năm 2021.

Hiện Bộ GDĐT đang xây dựng phương án ngân hàng đề thi mang tính tổng hợp và theo hướng cho phép thi thành nhiều đợt hơn; thậm chí mỗi tỉnh có một kế hoạch thi. 

"Tuy nhiên, đây là phương án bất đắc dĩ. Nếu kỳ thi được tổ chức thành 1 đợt vẫn là tối ưu nhất", ông nêu rõ và chốt lại vấn đề: "Trước mắt, việc tổ chức thi vẫn là cần thiết. Kỳ thi đã được luật hoá và Bộ đang thực thi theo quy định của pháp luật".

Khoảng 1,2 triệu trẻ mầm non nguy cơ không có chỗ học

Cũng chất vấn trong chiều nay, ĐB Phúc Bình NIÊ KDăm (Đắk Lăk) nêu vấn đề về cơ chế hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, dịch Covid-19 đã khiến hệ thống giáo dục mầm non bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cơ sở giáo dục mầm non hiện đảm nhiệm nuôi dạy cho 22,3% số trẻ trong độ tuổi đến trường, trong đó có hơn 90.000 người trong hệ thống này với hơn 19.000 cơ sở trong đó bao gồm các trường mầm non và các nhóm trẻ.

Song, đến nay nhiều cơ sở phải đóng cửa, sang tên, rao bán, nhiều lao động mất việc, và có khoảng 1,2 triệu cháu nguy cơ không có chỗ học. Điều này cũng ảnh hưởng đến cha mẹ các cháu là người lao động phải chăm lo, trông nom các cháu.

Trước thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GDĐT đã xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ để trình Chính phủ xem xét hỗ trợ cả người lao động và hỗ trợ cho cả cơ sở, tổng giá trị của gói là hơn 800 tỷ đồng. Trong đó có đề xuất các hỗ trợ về vay vốn, thuế,… cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề mà ngành Giáo dục nhận thấy qua dịch bệnh, đó là cần quan tâm hơn nữa đến cơ chế hỗ trợ các đối tượng trong nhóm các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng GDĐT, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, giáo dục là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực nhiều nhất từ dịch Covid-19. Dịch không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạy và học mà còn có thể làm chậm tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục bậc đại học theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng.

Phiên chất vấn thu hút sự quan tâm của đại biểu, hàng chục triệu học sinh, phụ huynh, toàn quốc. 28 đại biểu đã chất vấn, 10 ý kiến tranh luận, 1 đại biểu gửi câu hỏi nhưng bộ trưởng chưa trả lời. Ngoài ra, 20 đại biểu đăng ký nhưng chưa chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghị 21 đại biểu gửi phiếu chất vấn đến bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giữ cương vị không lâu nhưng đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản các vấn đề của ngành, lĩnh vực phụ trách, đã trả lời kỹ lưỡng các ý kiến. Phiên chất vấn đề cập nhiều vấn đề nóng của giáo dục trong đại dịch Covid-19 như việc đảm bảo chất lượng dạy và học, tiếp tục đổi mới giáo dục trong điều kiện dịch bệnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem