Đại biểu Quốc hội lo ngại ngân sách thất thu, tiền “chui” vào túi doanh nghiệp và yếu tố lợi ích nhóm

Huyền Anh Thứ năm, ngày 06/01/2022 12:09 PM (GMT+7)
Tại phiên thảo luận ở tổ sáng ngày 6/1 về dự thảo luật sửa đổi 8 luật, nội dung về sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) khiến nhiều Đại biểu Quốc hội lo ngại.
Bình luận 0

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Đại biểu Quốc hội lo ngại ngân sách thất thu, tiền “chui” vào túi doanh nghiệp và yếu tố lợi ích nhóm - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm. (Ảnh: QH)

- Quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật: (i) có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; (ii) có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; (iii) có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.

- Đồng thời, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, dự thảo Luật bổ sung quy định, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.

Dự thảo Luật

Sửa luật đầu tư: Đại biểu Quốc hội băn khoăn

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng: Theo quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, luật Đấu thầu, luật Điện lực, luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, điều này có thể đặt ra rất nhiều vấn đề đáng lưu ý.

Hiện nay, theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, nhiều doanh nghiệp đi thu gom đất, sau đó làm dự án nhà ở thương mại và nghiễm nhiên toàn bộ dự án được chuyển sang đất ở mà không cần đấu giá, dự án không phải qua đấu thầu nếu như quy định được sửa đổi như dự thảo luật. Điều này tạo ra sự bất hợp lý, bởi người dân có đất nhưng không được phép chuyển đổi nếu không qua đấu giá nhưng doanh nghiệp mua gom lại được phép chuyển sang đất ở.

"Cùng là chủ thể, người dân và doanh nghiệp khác gì nhau tại sao một ông dưới danh nghĩa là doanh nghiệp chỉ cần có dự án là được phép chuyển sang đất ở không phải đấu giá, đấu thầu. Trong khi người dân nhu cầu rất cấp thiết rồi nhưng Nhà nước thu hồi, trúng đấu giá mới được. Rõ ràng là bất bình đẳng", đại biểu Lâm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, quy định sẽ tạo ra kẽ hở cho các doanh nghiệp lợi dụng. Hiện nay, các doanh nghiệp đang chờ đợi luật này được ban hành để chuyển đổi dự án sang đất ở.

Chưa kể, khi nhà đầu tư thu gom được diện tích đất lớn, nhà đầu tư sẽ có đủ tác động tới xây dựng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp tài trợ quy hoạch và không ít chỗ lồng ý kiến nhà tài trợ vào trong vấn đề quy hoạch. Có thể dẫn tới những tác động xấu đến yếu tố quản lý.

Một câu hỏi khác cũng được vị đại biểu Bắc Giang đặt ra, liệu có xảy ra thất thoát ngân sách không, tức là khi doanh nghiệp được chuyển đổi từ đất nông nghiệp, hay đất khác sang đất ở mà không qua đấu giá, đấu thầu thông thường có sự chênh lệch lớn giữa giá đền bù và giá thị trường, khi đó tiền "chui" vào túi doanh nghiệp và ngân sách thất thu.

"Yếu tố lợi ích nhóm rất rõ ràng, nên để nội dung này lại không cần sửa vội vàng", đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm nhấn mạnh.

Cần đánh giá kỹ lưỡng khi sửa luật

Đồng tình, Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (Bình Định) bổ sung, đề xuất của Chính phủ là mở rộng thêm trường hợp hoàn toàn là đất không phải đất ở nhưng được chuyển đổi sang đất ở nhưng không phải qua đấu giá đất. Đại biểu Ba lưu ý, cần phải đánh giá kỹ lượng và thận trọng khi sửa đổi nội dung này của Luật Đầu tư.

Đại biểu Quốc hội lo ngại ngân sách thất thu, tiền “chui” vào túi doanh nghiệp và yếu tố lợi ích nhóm - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An. (Ảnh: LT)

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng bày tỏ ý kiến không ủng hộ về việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) nếu chưa có những đánh giá đúng, sát thực tiễn. Cũng theo ông An phải đánh giá từ tình hình thực tiễn nếu có vướng mắc thì sửa ngay bởi thực tiễn là thước đo chuẩn nhất.

"Phía Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan phải trả lời được câu hỏi có đúng là doanh nghiệp gặp khó khăn thật hay không, khó thật thì chúng ta sửa. Đại biểu Lâm nói rất đúng, nếu sửa luật không cẩn thận sẽ rơi vào bẫy lợi ích nhóm", Đại biểu Quốc hội nói.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) bổ sung thêm: Nếu để quy định như trong dự thảo luật không cẩn thận lợi ích nhóm tăng, nhiều vấn đề khác phát sinh, người dân ồ ạt bán đất, các khiếu kiện tiếp tục gia tăng.

Một số đại biểu Quốc hội đồng quan điểm cho rằng, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở triển khai thực hiện các dự án nhà ở thương mại. Đây là vấn đề lớn, cần phải được tổng kết, đánh giá kỹ quá trình thực hiện, những vướng mắc, bất cập trong thực tế gắn với mục tiêu, yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở và phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với việc thực hiện các quy định có liên quan của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu.

Hiện nay, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Luật Nhà ở đang được Bộ Xây dựng lập đề nghị sửa đổi, dự kiến trình Chính phủ xem xét, thông qua trong quý IV/2021 để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Do đó, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để sửa đổi tổng thể Luật Nhà ở mà không tách ra để sửa đổi riêng lẻ điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư.

Theo phản ánh của các địa phương, hiệp hội, hiện có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên cả nước bị ách tắc, không thể triển khai thực hiện (trong đó Hà Nội có khoảng 82 dự án, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 126 dự án…) gây thiệt hại cho doanh nghiệp, làm sụt giảm nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem