Đại dịch Covid-19 càn quét, tài sản đại gia thủy sản "bốc hơi" nghìn tỷ

Quốc Hải Thứ tư, ngày 25/03/2020 17:53 PM (GMT+7)
Bị hủy từ 35%-50% đơn hàng, kèm theo đó là thị trường chứng khoán Việt lao dốc vì Covid-19, khiến thị giá cổ phiếu nhóm ngành thủy sản giảm không phanh. Theo đó, nhiều đại gia thuỷ sản như vua cá tra Dương Ngọc Minh, nữ hoàng cá tra Trương Thị Lệ Khanh cũng theo đó bốc hơi nghìn tỷ.
Bình luận 0

Trong gần 2 tháng thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng là khoảng thời gian nhóm cổ phiếu ngành thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng loạt các mã cổ phiếu thủy sản liên tục giảm sàn khiến những tỷ phú Việt trong nhóm ngành này cũng “bốc hơi” từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.

img

Cổ phiếu nhóm ngành thủy sản đang lao đao vì Covid-19 (Ảnh: IT)

Cổ phiếu giảm “sốc”

Các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán thuộc nhóm ngành thủy sản, được giới đầu tư quan tâm chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu ngành tôm (MPC, FMC, CMX), cá tra (VHC, ANV, IDI, ACL) và nhóm đa sản phẩm (HVG, ACL, SJ1). Thời gian qua, đa số nhóm cổ phiếu này đều giảm giá mạnh, không chỉ bởi do yếu tố sụt giảm chung của thị trường chứng khoán Việt, mà còn bởi các DN bị hủy đơn hàng từ 35%-50% do dịch Covid-19.

Có thể điểm danh những mã cổ phiếu thủy sản giảm giá mạnh trong 2 tháng qua, như ở nhóm tôm: Cổ phiếu CMX của Công ty CP Camimex Group, chốt phiên ngày 25/3 ở mức 10.800 đồng/CP, tương ứng giảm 25% so với đầu năm nay (phiên giao dịch đầu năm 2020 đạt 14.400 đồng/CP). Hoặc, cổ phiếu MPC của “vua tôm” Minh Phú, từ mức giá 22.460 đồng/CP hồi đầu năm, hiện chỉ còn giao dịch ở mức giá 19.600 đồng/CP, tương ứng giảm khoảng 13%.

Ở nhóm ngành cá tra, cổ phiếu VHC của bà Trương Thị Lệ Khanh cũng sụt giảm mạnh, từ mức giá 39.650 đồng/CP thời điểm đầu năm, hiện cổ phiếu VHC chỉ còn giao dịch ở mức giá 22.000 đồng/CP, tương ứng với mức giảm khoảng 44,5% so với thời điểm đầu năm. Tài sản của “nữ hoàng” cá tra Trương Thị Lệ Khanh vì thế cũng “bốc hơi” khoảng 1.365 tỷ đồng so với hồi đầu năm, chỉ còn 1.773 tỷ đồng, xếp thứ 34 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Tương tự, cổ phiếu ANV của Công ty CP Nam Việt cũng giảm từ mức giá 22.900 đồng/CP hồi đầu năm, xuống mức giá 14.650 đồng/CP thời điểm hiện tại, tương ứng “bốc hơi” khoảng 36%. Hoặc, cổ phiếu IDI từ mức giá 5.200 đồng/CP cũng giảm còn 3.570 đồng/CP, tương ứng giảm khoảng 32% giá trị.

Với nhóm đa sản phẩm, cổ phiếu HVG của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh (Công ty CP Hùng Vương), từ mức giá 8.510 đồng/CP hồi đầu năm, hiện chỉ còn giao dịch ở mức giá 4.550 đồng/CP ở hiện tại, tương ứng mất khoảng 46,5% giá trị.

Cũng không nằm ngoài xu thế, cổ phiếu ACL (Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang) cũng giảm từ mức 23.200 đồng/CP hồi đầu năm, xuống còn 17.300 đồng/CP ở hiện tại, tương ứng giảm 25,4% giá trị.

Đà lao dốc của nhóm cổ phiếu ngành thủy sản cũng phần nào dễ hiểu, bởi không chỉ khó khăn vì thị trường chứng khoán Việt sụt giảm mạnh thời gian qua, các DN ngành thủy sản cũng bị hủy hợp đồng các đơn hàng xuất khẩu từ các đối tác nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu của DN bị tạm hoãn giao hàng hoặc bị hủy do khách không bán được vì dịch bệnh.

“Kết quả khảo sát các DN hội viên của VASEP cho thấy, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các DN đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là trong hai tuần đầu tháng 3. Đến thời điểm này, đa số các DN đã bị sụt giảm 35 - 50% đơn hàng do bị hủy, lùi đơn hàng hay thiếu nguyên liệu”, VASEP, cho hay.

Cụ thể, theo VASEP, từ tháng 1/2020, gần như hoạt động xuất khẩu cá tra bị gián đoạn hoặc ngưng trệ sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Kể từ tháng 3, khu vực ảnh hưởng bắt đầu lan rộng sang thị trường châu Âu. Đến giữa tháng 3, nhiều đơn hàng tại Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng mà chưa có thời gian quay trở lại. Chưa kể, đã có 35 - 50% đơn hàng xuất khẩu tôm đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được, lượng tồn kho tại bên xuất khẩu và bên nhập khẩu đều lớn.

“Các kho lạnh đã đầy và không còn sức chứa cho dù tại nhiều nước, nhà cung cấp đã linh hoạt giảm giá bán từ 25 - 30% nhưng cũng không thể kích cầu”, đại diện VASEP cho hay.

Càng khó khăn hơn, cho đến hiện tại, nhiều DN thủy sản trong nước (đặc biệt là các DN khu vực ĐB SCL), đều than phiền đang bị ảnh hưởng sản xuất do thiếu nguyên liệu (ngoại trừ cá tra). Đồng thời, các đơn hàng phục vụ cho ngành dịch vụ thực phẩm (Food Service) cũng bị đình trệ, chỉ duy trì đơn hàng cho phân khúc bán lẻ…

Nhiều DN điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2020

Trong bối cảnh tình hình xuất khẩu và tiêu thụ khó khăn, kèm theo dịch bệnh có nguy cơ kéo dài, nhiều DN thủy sản đã lên kế hoạch điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2020.

Mới nhất, Công ty CP Thủy sản MeKong (HoSE: AAM) vừa thông qua nghị quyết đưa ra kế hoạch tổng doanh thu năm 2020 đạt 220 tỷ đồng, đi ngang so với năm trước và lãi trước thuế đạt 6 tỷ đồng, giảm 40% so với thực hiện năm 2019.

Tương tự, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Năm Căn (UPCoM: SNC) cũng lên kế hoạch lãi sau thuế đạt 12 tỷ đồng, giảm 12% so với thực hiện năm 2019.

Với “ông lớn” Vĩnh Hoàn, DN này cho biết đã hạ lợi nhuận kế hoạch năm 2020 khoảng 10% so với kế hoạch ban đầu, đồng thời, các đơn hàng giảm từ Trung Quốc sẽ được chuyển sang thị trường EU để giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh. Với tỷ trọng thị trường Trung Quốc chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra dự báo, việc giảm nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc sẽ tác động trực tiếp đến KQKD Q1/2020.

Theo đó, cả năm 2020, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VHC lần lượt đạt 8.645 tỷ (tăng 9,9% so cùng kỳ) và 956 tỷ (giảm 18,9% cùng kỳ).

Một loạt DN ngành thủy sản khác đều cho biết, sẽ xem xét điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 tại đại hội cổ đông sắp tới theo hướng giảm, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Cá biệt, trong nhóm ngành thủy sản, chỉ duy nhất Hùng Vương (HVG) lên kế hoạch chuyển lỗ nghìn tỷ năm 2019 sang lãi trong năm 2020 này, sau thỏa thuận với Thaco.

Cụ thể, sau khi lỗ xấp xỉ 1,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2019, DN này tự tin đề ra chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 12.524 tỷ đồng, gấp 3 lần so với kết quả thực hiện năm trước, chỉ tiêu tổng lợi nhuận sau thuế đạt 790 tỷ đồng. Đây cũng là kế hoạch cao nhất từ trước đến nay của “vua cá tra”.

Trước tình hình ngày càng khó khăn, nhiều DN thủy sản đã đề xuất giảm lãi suất trong giai đoạn khó khăn này, cụ thể còn 3% - 6,5%/năm đối với VND và 1,5% - 2,8%/năm đối với USD. Đồng thời, đề nghị giảm phí lưu kho do hàng hóa chậm tiêu thụ và giảm lãi suất tiền vay cho các khoản vay giải ngân từ ngày 01/02/2020.

Ngoài ra, các DN cũng đề nghị các ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay như: Chưa áp dụng tài sản thế chấp đảm bảo theo tỉ lệ, hạ điều kiện thế chấp, tín chấp, yêu cầu về ngoại tệ tương ứng số vốn cấp...

Về cơ cấu thời hạn trả nợ, các DN yêu cầu được điều chỉnh kì hạn trả nợ so với đăng ký lên 2 - 3 tháng, gia hạn những khoản vay đến hạn của các DN bị ảnh hưởng bởi nạn dịch, không tính lãi phạt trong thời gian được gia hạn và có thể trả chậm. Đặc biệt, DN cũng yêu cầu được miễn, giảm nhiều loại phí như: phí chuyển khoản trong/ngoài hệ thống, phí tiền nước ngoài vào tài khoản doanh nghiệp, phí báo tiền về thuộc TT/TTR (điện chuyển tiền), phí dịch vụ nộp/rút tiền mặt.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem