Đắk Nông tìm cách mở 'khóa' phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

An Nhiên Chủ nhật, ngày 19/11/2023 14:56 PM (GMT+7)
Ngày 19/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông phối hợp với Báo Lao Động tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Nông".
Bình luận 0

Tham dự có lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông; ông Phan Thanh Hải - Phó Trưởng đại diện báo Lao Động tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên; Tiến sỹ Nguyễn Đức Trí - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM; ông Phạm Thanh Tùng - Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam... và các đại diện hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn, du lịch lữ hành ở Đắk Lắk, Đắk Nông, TP.HCM.
Diễn đàn tìm cách đưa nông nghiệp, du lịch tỉnh Đắk Nông phát triển - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn "Thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Nông".

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn toàn tỉnh đang có trên 140 tổ chức/cá nhân đã được chứng nhận sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt với diện tích trên 21.000 ha. Trong đó, có hơn 1.300 ha được chứng nhận VietGAP, khoảng 400 ha được chứng nhận GlobalGAP và hữu cơ. Có trên 19.700 ha được chứng nhận các tiêu chuẩn khác như 4C, UTZ, Rainforest Alliance,…

Tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước với khoảng 33.000 ha, sản lượng trên 60.000 tấn. Đến cuối năm 2022, tỉnh Đắk Nông có trên 85.000 ha đất canh tác nông nghiệp ứng dụng về giống lúa mới, tưới tiết kiệm nước, sản xuất chứng nhận, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến,…

Diễn đàn tìm cách đưa nông nghiệp, du lịch tỉnh Đắk Nông phát triển - Ảnh 2.

Tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 1.300 ha được chứng nhận VietGAP, khoảng 400 ha được chứng nhận GlobalGAP và hữu cơ.

Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như EU, Nhật Bản,… với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như tiêu hữu cơ Đắk Song, mắc ca, cà phê, sầu riêng, măng cụt, khoai lang,… Tổng sản lượng sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hằng năm của tỉnh ước đạt trên 404.000 tấn.

Ngoài ra, ngành du lịch nông thôn gắn liền với cảnh quan sinh thái đặc trưng của địa phương vốn có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng các doanh nghiệp đang gặp khá nhiều khó khăn để triển khai một cách sâu rộng bài bản do gặp các vướng mắc liên quan đến việc chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất, giấy phép xây dựng.

Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông nhận định, khi nói về OCOP, ai cũng nghĩ rằng, cứ làm đi rồi sẽ phát triển, sẽ thành công. Nhưng để có được chứng nhận OCOP, dù chỉ đạt 3 sao đã là rất khó nhưng để triển khai sản xuất, phát triển sản lượng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ đối với doanh nghiệp lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, để ngành du lịch nông thôn phát triển đúng hướng, bài bản cũng là điều tỉnh đang rất muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp.

Đây chính là những trăn trở của những cán bộ, viên chức làm công tác quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại tỉnh Đắk Nông và cũng đang là sự trăn trở, đau đáu của bà con nông dân tại địa phương.

Diễn đàn tìm cách đưa nông nghiệp, du lịch tỉnh Đắk Nông phát triển - Ảnh 3.

Diễn đàn là cơ hội để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong cả nước tìm hiểu về Đắk Nông nhằm tìm kiếm dư địa để phát triển bền vững trong tương lai.

Theo ông Tuấn Anh, những vấn đề đã nêu trên là động lực thôi thúc các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn lần này, qua đó, tạo cơ hội để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp các địa phương trong cả nước tìm hiểu về Đắk Nông nhằm tìm kiếm dư địa để phát triển bền vững trong tương lai. Các diễn giả, các nhà nghiên cứu tư vấn có thể hiến kế cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà, đặc biệt là lĩnh vực du lịch nông nghiệp nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem