Đảm bảo hạ tầng công nghệ, hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng

09/05/2024 14:53 GMT+7
Xu hướng chuyển dịch mô hình kinh doanh truyền thống của ngân hàng sang ngân hàng mở, hướng tới cung cấp trải nghiệm tối ưu cho khách hàng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, tính hiệu quả của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là xu thế tất yếu.

Tại hội thảo “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” trong khuôn khổ sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024 được diễn ra chiều ngày 8/5/2024, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính then chốt của khoa học, công nghệ đối với quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Đảm bảo hạ tầng công nghệ, hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng- Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng

Kết quả thực hiện mục tiêu của Ngày chuyển đổi số năm 2023 với chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số" đã gặt hái những kết quả tích cực, các tổ chức tín dụng đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo về công tác chuyển đổi số trong các hoạt động ngân hàng.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ/ngành liên quan để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phó Thống đốc khẳng định, chuyển đổi số đối với các hoạt động Ngân hàng gắn liền với sự kết nối và tích hợp, đồng thời đánh giá cao kết quả thực hiện của các TCTD về giải pháp tích hợp công nghệ trong nhiều lĩnh vực, trở thành cầu nối trao đổi thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện tốt các hoạt động thanh toán tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh.

Đảm bảo hạ tầng công nghệ, hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng- Ảnh 2.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN.

Hội thảo "Mở rộng, kết nối và phát triển hệ sinh thái số" được tổ chức trong bối cảnh chuyển đổi số, với mục đích thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngành Ngân hàng, "lấy khách hàng làm trọng tâm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy trải nghiệm của khách hàng làm thước đo", ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết. Kỷ nguyên công nghệ 4.0 mang đến những cơ hội tiềm năng cho sự phát triển của mô hình ngân hàng mở, dựa trên nhu cầu thực tiễn của khách hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp công nghệ, tổ chức trung gian thanh toán... Mặc dù vậy, song song với những cơ hội đó là những vấn đề, những thách thức chung mà ngành Ngân hàng phải đối mặt, đó là những vấn đề về quyền sở hữu, quyền quản trị dữ liệu; các vấn đề bảo mật; vấn đề về quy định sử dụng dữ liệu, về tiêu chuẩn kỹ thuật, định dạng dữ liệu…

Theo ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách quy định về tiêu chuẩn để hỗ trợ ngành Ngân hàng tháo gỡ những vướng mắc pháp luật. Ông Hải cho biết, việc triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng hiện nay là hoàn toàn khả thi, trên cơ sở pháp lý có sẵn và những nội dung được bổ sung và dự kiến ban hành trong nửa sau của năm 2024. NHNN đang nghiên cứu xây dựng Thông tư quy định về giao dịch, lập trình ứng dụng Ngân hàng mở (Open API/Open Banking) trong ngành Ngân hàng để thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu, cung cấp các dịch vụ mới phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nội dung cơ bản của Dự thảo bao gồm: Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật; Danh mục hàm API chi tiết; Quy chế khai thác chia sẻ dữ liệu; Lộ trình triển khai và Quyền, trách nhiệm của các bên.

Đảm bảo hạ tầng công nghệ, hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng- Ảnh 3.

Ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN

Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Lãnh đạo Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) nhận định việc NHNN hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp ngành Ngân hàng trong triển khai toàn diện hệ sinh thái số. Khi mô hình "hạ tầng dùng chung" dần trở thành xu hướng, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ Open API trong hoạt động thanh toán. Do đó, giải pháp là sử dụng hạ tầng chung ngân hàng mở, chia sẻ và thống nhất tiêu chuẩn chung, quy trình, quy định vận hành để kết nối giữa các bên, hỗ trợ các bên trong việc cung cấp dịch vụ trung gian và chia sẻ dữ liệu nhanh chóng.

Mặc dù vậy, một số tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tài chính công nghệ quy mô nhỏ còn gặp nhiều khó khăn về triển khai pháp lý, ngăn ngừa rủi ro an ninh để có khả năng độc lập áp dụng các công nghệ chuyển đổi số. Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn liên quan được hoàn thiện và ban hành, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thêm cơ hội tiếp cận công nghệ mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Ngân hàng và phát triển kinh tế đất nước.

Cũng tại Hội thảo, nhiều tập đoàn dẫn đầu về tài chính, công nghệ đã chia sẻ quan điểm về định hướng chuyển đổi số của các hệ thống ngân hàng trên thế giới hiện nay, đồng thời đề xuất giải pháp công nghệ với tư cách là trung gian thanh toán/ cung cấp giải pháp thanh toán cho doanh nghiệp ngân hàng tại Việt Nam.

Đại diện Lãnh đạo Công ty Fidelity - công ty cung cấp các giải pháp thanh toán hàng đầu đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đã và đang triển khai tốt công tác thanh toán không dùng tiền mặt, ghi nhận kết quả khả quan với sự phát triển mạnh mẽ của hình thức thanh toán qua ví điện tử. Theo số liệu nghiên cứu, xu hướng sử dụng thẻ thanh toán cũng sẽ giảm trong tương lai, và dự kiến ví điện tử sẽ phương thức thanh toán phát triển nhanh nhất để đạt giá trị 25 nghìn tỷ USD vào năm 2027.

Các diễn giả cũng đề cập tới phát triển công nghệ để bảo đảm an ninh mạng và an toàn dữ liệu khách hàng, cụ thể là công nghệ sử dụng sinh trắc học đối với một số giao dịch theo quy định tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN do Thống đốc NHNN ban hành ngày 18/3/2023.

Theo đại diện Lãnh đạo Công ty Cổ phần Dịch vụ EPAY, do xu hướng giao dịch trực tuyến tăng cao, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ thông tin cá nhân và tài chính, cũng như các phương thức thanh toán an toàn hơn như thanh toán sinh trắc học.

Các diễn giả kỳ vọng, trong thời gian tới, với sự chung tay của toàn thị trường, dưới sự định hướng của NHNN, việc triển khai ngân hàng mở/ open banking sẽ mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.


H.Anh
Cùng chuyên mục