Dân số Việt Nam 100 triệu: Cầm "vàng" đừng để vàng rơi (kỳ I)

Diệu Linh - Gia Khiêm Thứ hai, ngày 24/04/2023 07:33 AM (GMT+7)
Dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu dân, trở thành nước đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 8 Châu Á, thứ 3 khu vực Đông Nam Á. 100 triệu dân, 100 triệu cơ hội, 100 triệu sức mạnh mà muốn tận dụng được nguồn lực "vàng" này cần có những giải pháp "đãi vàng" tốt hơn.
Bình luận 0

LTS: Tháng 4/2023, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dân số Việt Nam tròn 100 triệu người. Bên cạnh những lợi thế, việc trở thành cường quốc về dân số cũng khiến chúng ta gặp nhiều thách thức về an sinh xã hội, việc làm, giáo dục…

Dân số Việt Nam đang mất cân bằng giới tính sinh nghiêm trọng, tốc độ già hóa dân số quá nhanh khi an sinh xã hội dành cho người già phát triển chưa kịp… lao động nhiều nhưng trình độ thấp; Thanh niên quan hệ tình dục sớm nhưng lại thiếu kiến thức để giữ gìn sức khỏe…

Dân Việt khởi đăng loạt bài "Dân số Việt Nam tròn 100 triệu: Cầm "vàng" đừng để vàng rơi" để phân tích về những cơ hội và thách thức mà Việt Nam gặp phải khi trở thành cường quốc về dân số.

Kỳ I: Gấp rút "đãi vàng" dân số

Từ năm 2006, Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng, khi người trong độ tuổi lao động cao. Việt Nam đã đặt ra nhiều giải pháp để tận dụng nguồn lực lao động, giúp đất nước vươn lên làm giàu.

Đến nay đã 16 năm nhưng nhiều chuyên gia đánh giá chúng ta "đãi vàng" chưa thành công. Hiện vẫn còn khoảng 20 năm nữa để chúng ta gấp rút "đãi vàng" dân số để làm giàu trước khi bước vào dân số già.

"Mỏ vàng" dân số lớn

Từ năm 2007, dân số Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng. Chuyên gia dân số, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, giai đoạn cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 30-35 năm (từ năm 2007 đến khoảng 2035).

Hiện tỷ lệ người từ 15 đến 64 tuổi của nước ta là 67,5%. Dân số 100 triệu người tương đương với hơn 67 triệu người có khả năng lao động, một "mỏ vàng" đáng trân quý.

Dân số Việt Nam 100 triệu: Cầm "vàng" đừng để vàng rơi - Ảnh 2.

Chuyên gia dân số, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, dân số Việt Nam tròn100 triệu người tương đương với hơn 67 triệu người có khả năng lao động, một "mỏ vàng" đáng trân quý. Ảnh Gia Khiêm

Theo tiêu chí của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), một quốc gia có tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi tối đa chiếm 30% và người già từ 65 tuổi trở lên chiếm dưới 15% tổng dân số, được coi là trong thời kỳ dân số vàng.

Đây là cơ cấu rất hiếm gặp được đánh giá quý và hiếm như vàng.

"Nếu chúng ta tận dụng được nguồn lực "vàng" này sẽ tạo đà để tăng trưởng kinh tế nhanh. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có bước phát triển kinh tế "thần kỳ" trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng này", GS Cử chia sẻ.

GS Cử cho rằng, rất may là Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng cùng với thời kỳ đổi mới kinh tế. 

Việt Nam đã xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế thế giới. Do đó, kích thích đầu tư cả ở khu vực nhà nước, tư nhân và đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. 

Điều này, tạo cơ hội việc làm cho thị trường lao động rộng lớn của Việt Nam. Người lao động về cơ bản được tạo việc làm, có thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam trong những năm qua là tương đối thấp. 

Thời kỳ trước Covid-19 (năm 2019 đổ về trước), tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta chỉ khoảng 1,5%. Người lao động có việc làm là yếu tố làm cho Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. 

"Đó là một yếu tố quan trọng giúp chúng ta "đãi vàng" tương đối rộng rãi trong thời gian qua. Nếu chúng ta bước vào dân số vàng mà không có việc làm thì coi như "vàng đổ sông đổ bể". Nhưng Việt Nam đã kết hợp được với thành tựu đổi mới nên chúng ta đã tận dụng được dân số vàng", GS Cử phân tích. 

Dân số Việt Nam 100 triệu: Cầm "vàng" đừng để vàng rơi - Ảnh 4.

Nếu chúng ta tận dụng được nguồn lực "vàng" dân số sẽ tạo đà để tăng trưởng kinh tế nhanh. Ảnh Phạm Hưng

Về điều này, GS.TS Giang Thanh Long, Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dân số - phát triển và an sinh xã hội cũng nhận định:

"Với 100 triệu người, Việt Nam có hơn 2/3 dân số trong độ tuổi 15-64 (tương đương 67,4 triệu người), cho thấy một tiềm năng thị trường nội địa rộng lớn. Với dân số trẻ như vậy thì thu hút được đầu tư trong và ngoài nước cho tăng trưởng kinh tế với nhiều ngành nghề khác nhau.

Mặt khác nếu dân số của mình tay nghề, trình độ học vấn ngày được cải thiện có tư duy sáng tạo thì đó là lợi thế rất lớn. Như vậy, trong bối cảnh này, việc tận dụng lợi thế về quy mô và chất lượng dân số sẽ giúp Việt Nam bứt phá, thực hiện tầm nhìn xây dựng một Việt Nam hùng cường, có thu nhập cao vào năm 2045".

Lao động đông nhưng chưa "chất"

Theo GS Cử, để tận dụng được cơ hội này, những người trong độ tuổi lao động phải khỏe mạnh, đủ sức làm việc và phải đủ trình độ; những người đủ sức làm việc phải có việc làm và những người có việc làm phải làm việc với năng suất cao. 

Thời gian qua, tuy Việt Nam đã có nhiều chương trình, giải pháp để nâng cao chất lượng lao động, tuy nhiên, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động không có trình độ chuyên môn vẫn rất cao, chất lượng "vàng" của Việt Nam vẫn ở mức thấp. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2022, cả nước có 51,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, có tới 73,8% số người trong độ tuổi lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; chỉ 26,2% lao động có chuyên môn kỹ thuật (trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học).

Tính đến quý I/2023, trong số 52,2 triệu người thuộc lực lượng lao động, vẫn có khoảng 38,1 triệu lao động chưa qua đào tạo.

GS Cử nhận định, chúng ta mới tận dụng nguồn "vàng" ở mức "đảm bảo việc làm cho người có khả năng lao động" còn việc làm năng suất cao, thu nhập lớn vẫn chưa đạt yêu cầu. 

Phân tích về nguyên nhân, GS Cử cho rằng, trong lao động ở Việt Nam vẫn còn 30% lao động ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển (khoảng 3% đến 4%).

Hơn nữa, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn rất cao chưa được đào tạo lên đến hơn 70%, cũng có nghĩa cứ 4 lao động ở Việt Nam thì có đến 3 lao động chưa được đào tạo. 

"Thậm chí, ở Đồng bằng Sông Cửu Long, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 7%. Như vậy, tuyệt đại bộ phận là lao động giản đơn, thế thì làm sao mà năng suất cao được", GS Cử lo lắng. 

Theo GS Cử, thách thức của chúng ta để tận dụng thời kỳ dân số vàng thành công là tạo ra nhiều việc làm nhưng phải là việc làm tốt, có năng suất cao, hàm lượng chất xám nhiều. Như vậy, chúng ta mới tận dụng được triệt để, đầy đủ cơ hội dân số vàng, "đãi" được "vàng có chất lượng cao. 

Dân số Việt Nam 100 triệu: Cầm "vàng" đừng để vàng rơi - Ảnh 6.

30% lao động "vàng" còn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và có tỷ lệ chưa qua đào tạo còn rất cao khiến cho chất lượng "vàng" của Việt Nam chưa được tốt. (Nông dân tại đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh Chúc Ly)

"Mỏ vàng ngoài tự nhiên mà chúng ta chưa khai thác thì vẫn còn nhưng mỏ vàng dân số nếu như chúng ta không khai thác, tận dụng được thì sẽ biến mất, vĩnh viễn không quay lại", GS Cử chia sẻ. 

Vì vậy, GS Cử cho rằng, chúng ta cần tích cực khai thác, "đãi vàng" có chất lượng nhất bằng các giải pháp chính sách đồng bộ hơn. 

Từ các chính sách về kinh tế đến giáo dục, y tế, sức khỏe, an sinh xã hội để tạo ra một lực lượng lao động với sức khỏe tốt, chất lượng cuộc sống tốt, khi đó họ sẽ lao động, cống hiến, tạo năng suất lao động hiệu quả. 

Riêng về lao động nông thôn, GS Cử cho rằng, giải pháp tốt nhất là công nghiệp hóa lao động nông nghiệp nông thôn. Khi công nghiệp hóa, người dân mới có nhu cầu được đào tạo, nâng cao năng suất lao động. 

Chứ nếu người dân cứ đi cày đi cấy theo kiểu "cha truyền con nối, con trâu đi trước cái cày theo sau" thì người lao động không có nhu cầu được đào tạo. Nếu công nghiệp hóa, nếu không được đào tạo sẽ bị đào thải và người nông dân buộc phải đi học và năng suất lao động sẽ tăng cao. 

"Nếu chúng ta vẫn lao động "chân tay" thì khó lòng có năng suất lao động cao, "vàng" có đãi được cũng kém chất lượng", GS Cử nhận định.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), ngoài hai quốc gia tỷ dân là Trung Quốc và Ấn Độ, 12 quốc gia hiện nay có quy mô dân số trên 100 triệu dân bao gồm Mỹ (gần 340 triệu), Indonesia (277 triệu), Pakistan (trên 239 triệu), Nigeria (trên 222 triệu), Brazil (trên 216 triệu), Bangladesh (trên 172 triệu), Nga (trên 144 triệu), Mexico (trên 128 triệu), Ethiopia (trên 125 triệu), Nhật Bản (trên 123 triệu), Philippines (trên 116,9 triệu), Ai Cập (trên 112 triệu).

Dân số Việt Nam đạt 100 triệu người, trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, đứng thứ 8 ở Châu Á và thứ 3 Đông Nam Á.

Mời các bạn xem clip GS Nguyễn Đình Cử chia sẻ về thách thức và cơ hội khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu người.

GS Nguyễn Đình Cử: Dân số Việt Nam 100 triệu người, trở thành một cường quốc về dân số. Clip: Gia Khiêm

Kỳ II: Nguy cơ "thừa nam thiếu nữ, cần "nhập khẩu" hàng triệu cô dâu 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem