Đánh thức danh tiếng măng cụt Lái Thiêu – “Nữ hoàng trái cây đất Thủ”

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 12/06/2023 09:00 AM (GMT+7)
Vùng đất Lái Thiêu - Thuận An với những vườn cây ăn trái đặc sản trăm năm đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ, trở thành niềm tự hào không chỉ của riêng Bình Dương. Trong đó, măng cụt Lái Thiêu - loại quả được mệnh danh "Nữ hoàng trái cây" đất Thủ, là đặc sản đặc biệt mang đầy niềm kiêu hãnh của cây trái Bình Dương.
Bình luận 0
Đánh thức danh tiếng măng cụt Lái Thiêu – “Nữ hoàng trái cây đất Thủ” - Ảnh 1.

Những vườn măng cụt Lái Thiêu truyền đời 

Clip: Đánh thức danh tiếng măng cụt Lái Thiêu – "Nữ hoàng trái cây đất Thủ". Thực hiện: Nguyên Vỹ

Địa danh Lái Thiêu có từ khá sớm, là dải đất nằm nép mình bên dòng sông Sài Gòn. Vườn cây ăn trái Lái Thiêu phân bổ trên diện tích trải rộng hơn 1.000ha thuộc địa bàn 6 xã, phường ven sông Sài Gòn, như Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định , An Sơn, An Thạnh của TP.Thuận An ngày nay.

Vườn cây ăn trái Lái Thiêu được xem là thánh địa của các loại cây lành trái ngọt như bòn bon, sầu riêng, mít tố nữ, và nhất là trái măng cụt. Ở vùng Lái Thiêu, cây măng cụt chiếm diện tích 680,5ha. Nhiều nông dân vẫn đang gìn giữ những gốc cây măng cụt trên dưới 200 năm tuổi.

Ít ai biết rằng, măng cụt Lái Thiêu từng là món quà được tiến vua từ hàng trăm năm trước. Măng cụt được vua Minh Mạng phong cho cái tên là trái "Giáng Châu tử", nghĩa là ngọc trời ban xuống cho hương vị tuyệt hảo ít đâu sánh bằng.

Măng cụt Lái Thiêu được vua Minh Mạng phong cho một cái tên là trái giáng châu, nghĩa là ngọc trời ban xuống cho hương vị tuyệt hảo ít đâu sánh bằng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Măng cụt Lái Thiêu được vua Minh Mạng phong cho cái tên là trái giáng châu, nghĩa là ngọc trời ban xuống cho hương vị tuyệt hảo ít đâu sánh bằng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu khoa học giải thích vì sao măng cụt Lái Thiêu lại có hương vị đặc trưng không giống măng cụt các vùng khác. Với những người có thâm niên, nguồn nước phù sa sông Sài Gòn quanh năm đen quánh, lại pha thêm chút nhiễm phèn lờ lợ, đã giúp cho măng cụt Lái Thiêu có hương vị không thể pha lẫn.

Theo ông Nguyễn Văn Nam - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Định (TP.Thuận An), trước đây người Pháp lấy gốc măng cụt từ Malaysia đem qua Việt Nam cho người dân trồng thử. Nhưng chỉ ở vùng Lái Thiêu này, măng cụt cho chất lượng tuyệt hảo nhất.

Bà Nguyễn Thị Loan, ngụ xã An Sơn (TP.Thuận An, 57 tuổi) đang sở hữu vườn măng cụt diện tích 4.000m2. Vườn măng cụt này có từ thời ông bà của bà Loan để lại.

Bà Nguyễn Thị Loan phân loại trái măng cụt vừa thu hái trong vườn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Nguyễn Thị Loan phân loại trái măng cụt vừa thu hái trong vườn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Loan kể, măng cụt trồng ở những nơi khác có thể cho trái lớn hơn, ngọt hơn măng cụt Lái Thiêu. "Măng cụt ở đây đôi khi trái nhỏ nhưng ráo cơm, thịt trắng. Đặc biệt là có vị ngọt thanh, pha chút chua nhẹ, ăn vào rất khác, không thể nhầm lẫn được", bà Loan nói.

Những năm trước, do tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình tiêu thụ trái cây nói chung gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với trái cây đặc sản Thuận An, mà chủ lực là trái măng cụt vẫn có giá bán và đầu ra ổn định.

"Nhờ uy tín thương hiệu được gầy dựng và giữ gìn qua hàng chục năm, đã giúp cho măng cụt trên đất Thuận An luôn được khách hàng yêu mến lựa chọn", bà Loan chia sẻ.

Theo người dân địa phương, chỉ thổ nhưỡng ở vùng Lái Thiêu mới tạo ra được hương vị đặc trưng riêng cho trái măng cụt. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo người dân địa phương, chỉ thổ nhưỡng ở vùng Lái Thiêu mới tạo ra được hương vị đặc trưng riêng cho trái măng cụt. Ảnh: Nguyên Vỹ

Danh thơm một vùng đất

Và với những ai đã từng biết đến vườn cây ăn trái đặc sản trên đất Thuận An, quãng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch về luôn gợi nhớ trong họ 1 mùa trái chín thơm ngọt khó quên. 

Bà Loan cũng vậy. Bà vẫn nhớ như in kỷ niệm 12 năm trước, khi bà là người đầu tiên ở xã An Sơn tham gia dự thi và đạt giải cao ở hội thi Hương sắc miệt vườn, do địa phương tổ chức năm 2011.

Rất nhiều nội dung thi như kiến thức trồng cây măng cụt, thi nấu các món ăn từ măng cụt. Vui nhất là thi leo cây hái trái măng cụt. Bà Loan kể, ai hái giỏi có thể hái 100kg/ngày. Rủi bốc thăm nhầm cây chưa có trái chín thì chỉ biết cười trừ.

 Bà Loan nhìn ra khu vườn, giờ lớn tuổi rồi, chỉ còn các con bà là trèo cây thôi.

Anh Minh Vương, con trai bà Loan đu mình trên những cành cây măng cụt để hái trái. Ảnh: Nguyên Vỹ

Anh Minh Vương, con trai bà Loan, đu mình trên những cành cây măng cụt để hái trái. Ảnh: Nguyên Vỹ

Anh Minh Vương, con trai bà Loan, vẫn đang tiếp nối công việc chăm sóc vườn cây. Ngoài vườn măng cụt của gia đình, anh Vương còn mở điểm thu mua măng cụt từ khắp các thôn ấp của xã An Sơn, rồi giao hàng đi khắp nơi.

Anh chia sẻ, nhiều người thích măng cụt Lái Thiêu nhưng ngặt hơn là một số người chỉ đòi giao đích thị măng cụt An Sơn mới chịu. Có ngày anh giao hơn 500kg.

"Vì áp lực đô thị hóa khiến diện tích măng cụt ở các xã phường khác không còn nhiều như ở An Sơn. Mua đúng gốc măng cụt nơi đây thì không lo sản phẩm từ các địa phương khác trộn lẫn vào", anh Vương tâm sự.

Chị Trần Ngọc Đăng, chủ vườn măng cụt Út Đăng, có 15.000m2 đất trồng măng cụt. Vườn này được trồng từ sau ngày giải phóng. Chị Đăng cho biết năm nay, măng cụt được mùa; giá bán cũng ổn đinh, loại tốt từ 44.000-65.000 đồng/kg.

Măng cụt Lái Thiêu năm nay được mùa, được giá. Ảnh: Nguyên Vỹ

Măng cụt Lái Thiêu năm nay được mùa, được giá. Ảnh: Nguyên Vỹ

Những năm qua, chính sách hỗ trợ của Bình Dương đã giúp người dân có điều kiện cải tạo vườn cây, cho năng suất và chất lượng cao và giữ được thương hiệu cây ăn trái Lái Thiêu.

"Thêm một thuận lợi khác đối với người trồng măng cụt ở An Sơn chính là sự đồng hành của HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn", chị Đăng chia sẻ.

Thời gian qua, HTX An Sơn đã hướng dẫn nông dân nhiều kinh nghiệm xây dựng chứng nhận VietGAP, tập huấn kỹ thuật canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao hiệu quả năng suất vườn cây và ổn định thị trường tiêu thụ.

Chị Trần Ngọc Đăng, chủ vườn măng cụt Út Đăng xã An Sơn, TP.Thuận An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chị Trần Ngọc Đăng, chủ vườn măng cụt Út Đăng xã An Sơn, TP.Thuận An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Giám đốc HTX An Sơn Trần Văn Viễn, cho biết HTX có 11 thành viên, với tổng diện tích 12ha măng cụt, theo tiêu chuẩn VietGap.

Xu hướng hiện tại, trái cây và thực phẩm phải sạch mới được người tiêu dùng chấp nhận. Măng cụt Lái Thiêu không dùng nhiều phân thuốc hóa học.

Vì thực tế, vỏ trái măng cụt dày, cũng không có sâu bọ tấn công trái hay ăn mủ măng cụt được. "Măng cụt của HTX cũng đã được phía Trung Quốc cấp mã vùng trồng để xuất khẩu", ông Viễn kể.

Phát triển thương hiệu măng cụt Lái Thiêu

Từ sau Tết Nguyên Đán, cây trái Lái Thiêu bắt đầu ra hoa, đến khoảng tháng 4 tháng 5 âm lịch thì dần chín rộ. Sau thời gian này, người dân từ khắp nơi lại tìm về nơi đây để tham quan dã ngoại và thưởng thức các loại trái cây.

Chị Lê Thị Hồng Lộc, sống ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), kể cứ mỗi khi mùa về, nỗi nhớ về những vườn cây ăn trái Lái Thiêu cũng ùa về theo.

Nhiều nơi trồng được măng cụt. Ngay huyện Dầu Tiếng cũng có măng cụt. Nhưng chỉ măng cụt ở Lái Thiêu mới có hương vị và sức cuốn hút riêng.

Du khách vào tận nhà vườn lựa mua măng cụt Lái Thiêu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Du khách vào tận nhà vườn lựa mua măng cụt Lái Thiêu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Địa thế của TP.Thuận An có thể chia ra thành 2 vùng: vùng bưng và vùng gò. Ở vùng gò cao, Thuận An dành đất cho phát triển công nghiệp. Ở vùng bưng thấp là những vườn cây ăn trái ven sông, khí hậu mát mẻ, ôn hòa.

"Sẽ thật thú vị nếu có thể vừa đi dạo trong vườn, ngắm nhìn các loại hoa trái trĩu cành đong đưa trong gió, và thưởng thức trái ngon dưới vòm lá xanh", chị Lộc chia sẻ.

Là người rất tâm đắc với các sản vật ở địa phương, ông Viễn kể ngoài trái cây, Thuận An còn có nhiều đặc sản khác như bánh bèo Mỹ Liên (được công nhận là 1 trong 50 món ăn nổi tiếng nhất Việt Nam); gỏi gà măng cụt được chọn vào top món ăn đặc sản Việt Nam; nem Lái Thiêu và mứt gừng Bình Nhâm được chọn vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam. Thuận An còn có nghề làm gốm sứ nổi tiếng nữa... Tất cả đều là niềm tự hào của Bình Dương nói chung và Thuận An nói riêng.

Ông Trần Văn Viễn - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trần Văn Viễn - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, thúc đẩy du lịch sinh thái vườn, du lịch ven sông là 1 trong những định hướng lớn của Bình Dương.

Theo ông Viễn, đây là hướng đi đúng, vì Thuận An có phần lớn diện tích vườn cây nằm dọc theo sông Sài Gòn thơ mộng, hiền hòa; chỉ cách TP.HCM khoảng 25km.

Những vườn cây đặc sản Thuận An được coi là lá phổi xanh, với không khí trong lành, mát dịu; rất phù hợp cho việc kinh doanh loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.

Sau nhiều năm gián đoạn, Lễ hội lái thiêu mùa trái chín năm 2023 được TP.Thuận An (Bình Dương) tổ chức trở lại niềm háo hức của du khách thập phương và của chính các nhà vườn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sau nhiều năm gián đoạn, Lễ hội lái thiêu mùa trái chín năm 2023 được TP.Thuận An (Bình Dương) tổ chức trở lại niềm háo hức của du khách thập phương và của chính các nhà vườn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhiều chủ vườn còn khéo léo kết hợp quán ăn, nhà hàng với du lịch tham quan vườn cây ăn trái đặc sản. Nghệ thuật đờn ca tài tử kết hợp hài hòa trong không gian văn hóa miệt vườn, tạo ra sức hút đặc biệt với du khách du lịch gần xa.

Theo ông Viễn, muốn người dân có động lực duy trì vườn cây, thì phải giúp nâng được hiệu quả gia tăng từ vườn cây. Việc hỗ trợ người dân tăng thu nhập từ vườn cây, gắn vườn cây với phát triển du lịch sinh thái và nông nghiệp đô thị là những nhiệm vụ phải thực hiện song song.

"Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ thêm kinh phí để người dân giữ vườn cây ăn trái đặc sản, như chính sách hỗ trợ trước đây đã từng giúp nông dân phấn khởi", ông Viễn đề nghị.

Khách du lịch tìm mua đặc sản vườn cây ăn trái Lái Thiêu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khách du lịch tìm mua đặc sản vườn cây ăn trái Lái Thiêu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam bộ, địa danh Lái Thiêu - Bình Dương nổi tiếng với các vườn cây ăn quả.

Đặc biệt, trái măng cụt Lái Thiêu được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam bình chọn vào top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam (tháng 8/2012) và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể (năm 2013).

Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín vừa qua là một trong những nỗ lực hướng đến mục đích khôi phục lại thương hiệu Vườn cây ăn trái Lái Thiêu, đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận An này.

"Phục hồi, phát triển thương hiệu măng cụt Lái Thiêu còn là dịp để quảng bá văn hoá, đặc sản cùa vùng đất và con người Lái Thiêu xưa và Thuận An ngày nay đến với đông đảo du khách. Đây là tiền đề để TP.Thuận An phát triển loại hình du lịch dã ngoại kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn", bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An nhận định.

Đánh thức danh tiếng măng cụt Lái Thiêu – “Nữ hoàng trái cây đất Thủ” - Ảnh 14.

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem