Đất nghĩa trang tăng giá, cơ quan quản lý đau đầu bài toán quy hoạch

Minh Thi Thứ hai, ngày 07/12/2020 17:41 PM (GMT+7)
Nhiều năm trở lại đây, vấn đề quy hoạch nghĩa trang trở nên nổi cộm, khi đất cho người sống không còn nhiều, đất cho người chết lại khan hiếm hơn. Mới đây, nghĩa trang Bình Hưng Hòa phải di dời để dành đất xây khu phức hợp, cao ốc và công viên.
Bình luận 0

Quá tải nghĩa trang

Mấy năm trở lại đây, xu hướng tìm đất xây mộ như một cách báo hiếu cho cha mẹ trở nên khá phổ biến, thậm chí, có nhiều gia đình chở người thân đến tận nơi xem và tự chọn cho mình nơi an nghỉ cuối cùng hợp phong thủy. Giá huyệt mộ cũng tăng chóng mặt. Chỉ sau 2 năm, một cư dân quận 9 cho biết, mảnh đất anh mua với giá 120 triệu đồng, nay đã có người trả gấp đôi vì không còn chỗ tốt để chọn lựa.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên & Môi trường, TP.HCM có 9.300 nghĩa trang với tổng diện tích 920 ha. Hiện nay, thành phố đã và đang xây dựng nhiều nghĩa trang mới với tổng diện tích khoảng 140 ha như Long Thạnh Mỹ ở Q.9, Nhơn Ðức tại Nhà Bè, Ðông Thạnh ở Hóc Môn, Công viên TP.HCM ở Củ Chi.

Một số địa điểm như Phúc an viên Quận 9, Nghĩa trang Thủ Đức, Hoa viên nghĩa trang Bình Dương…hoặc ở các nơi khác ở thành phố Biên Hòa gần như đóng cửa không nhận thêm người mai táng từ mấy năm nay. Còn đa số nghĩa trang mới cũng đã gần như kín chỗ, hoặc được đặt mua trước trên 70%.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, năm 2020, dân số TP.HCM đạt 10 triệu người. Số người chết là 40.000 người/năm (chiếm 0,4%), trong đó, 20% dự kiến chôn cất tại quê nhà, 80% mai táng ở TP.HCM và các vùng lân cận.

Chính vì thế, nghĩa trang, hoa viên hiếm và đắt là chuyện thường. Giá để chọn huyệt, xây mộ… có nơi lên tới trên 130 triệu đồng/ngôi mộ mà có khi người mua vẫn không tìm ra nơi ưng ý.

Quy hoạch nghĩa trang - bài toán khó khi đất tăng giá, không phải cứ di dời là xong - Ảnh 1.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa lớn nhất TP.HCM đang được di dời.

Câu hỏi đặt ra là với kiểu quy hoạch không đồng bộ như hiện nay, sau khi các nghĩa trang mới cũng kín chỗ, TP làm thế nào để giải quyết cho nhu cầu tiếp theo những năm tới?

Cũng có xu hướng cho rằng, nên có chính sách tuyên truyền để người dân thay đổi cách an táng. Tuy nhiên, hình thức hỏa táng cũng khó giải quyết được nhu cầu nhà chứa cốt, nhất là khi vụ chùa Kỳ Quang 2 vứt tro cốt của thân nhân Phật tử bừa bãi là một bằng chứng.

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM dự tính thành lập 1 nơi giữ cốt, tạm gọi là quốc doanh nghĩa địa. Tuy nhiên, vấn đề là tìm chưa ra địa điểm vì không còn nhiều quỹ đất.

Theo nhiều chuyên gia quy hoạch,TP.HCM đang xã hội hóa nghĩa trang chứ chưa có chiến lược lâu dài và bền vững. Nhiều khu nghĩa trang với cái tên rất đẹp, thường là do tư nhân thấy làm ăn, kinh doanh có lợi nên nhảy vào.

Quỹ đất giới hạn mà hễ TP chuyển nghĩa trang đi các tỉnh thì các tỉnh lại không chịu. TP cứ nở ra, thành ra, các nghĩa trang cũ vừa nằm trong nội thành lại vừa tiếp tục bị quá tải và thiếu đất.

Quy hoạch nghĩa trang - bài toán khó khi đất tăng giá, không phải cứ di dời là xong - Ảnh 3.

Người dân hoảng loạn tìm đến nhà tro cốt chùa Kỳ Quang 2 khi phát hiện hũ cốt của người thân bị chất đống, một số hũ không còn tên tuổi. Ảnh: NLĐ.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Hội đồng Quy hoạch và Kiến trúc TP, phân tích: "TP.HCM cần có chiến lược khác, cụ thể như các tỉnh có thể liên kết lại với nhau để làm ra các nghĩa trang của vùng. Bởi vì rồi đây, mỗi tỉnh cũng sẽ hết đất. 

Thứ hai, phải thay đổi phương thức cải táng, thay bằng điện táng, hỏa táng… Đến năm 2035, VN bắt đầu bước vào thời kỳ dân số già, nếu không có chiến lược đón đầu, tính trước quy hoạch cho những khu dưỡng lão và nghĩa trang thì vài chục năm sau, đây sẽ là vấn nạn cho đô thị. Các nước châu Âu tính rất kỹ chuyện quy hoạch nghĩa trang và quy hoạch cả hàng trăm năm, chứ không thay đổi liên tục như ở ta".

Cần những cách làm mới

Gần đây, có nhiều hoa viên mọc lên ở các tỉnh lân cận, do tư nhân thực hiện khá bài bản, đáp ứng nhu cầu khách hàng và cả yếu tố phong thủy. 

Mới đây, tập đoàn Ân Bình Viên (ABV Group) công bố chiến lược mới, trong đó có cả việc mua trả góp mộ, xu hướng mới trong văn hoá "nghĩa tử là nghĩa tận".

"Chúng ta thử tính, người dân TP.HCM từ 8 đến 10 triệu dân, nhưng xung quanh TP.HCM chỉ có 11 dự án hoa viên thôi. Hoa viên hiếm và mắc là chuyện bình thường. Đó cũng là điều làm chúng tôi trăn trở để đi đến hợp tác cùng với bảo hiểm làm sao để người mất sau một đời hy sinh cho con cháu vẫn có chỗ nằm tương xứng mà không gặp khó khăn, mệt mỏi vì một khoản tiền lớn. Và cái tâm của người làm hoa viên chính là chăm sóc mồ mả sau khi chôn cất chứ không chỉ bán cái huyệt", ông Trương Ngọc Bích, Chủ tịch Hội đồng quản trị ABV Group, nhấn mạnh.

Quy hoạch nghĩa trang - bài toán khó khi đất tăng giá, không phải cứ di dời là xong - Ảnh 5.

Phối cảnh Hoa viên Miền ký ức ở Long An.

Hoa viên Miền Ký ức (Long An) là dự án thứ ba sau hai hoa viên nghĩa trang: Hoa viên Tin Lành An Bình viên, nghĩa trang Hạc Cảnh viên của ABV Group với tổng diện tích gần 39ha cho 55.000 huyệt mộ, có sông, hồ, đồi bao quanh.

Từ tâm niệm của ông Trương Ngọc Bích, Hoa viên Miền Ký ức lẫn hai hoa viên còn lại của ABV Group có những gói bảo hiểm kết hợp, khi một người mất đi, ngoài việc hoàn tiền bảo hiểm thì người mất được hưởng trọn gói tất cả dịch vụ mai táng đến huyệt mộ có sẵn. Giá trọn gói để tổ chức tang lễ, mua đất huyệt, chi phí xây mộ, dịch vụ bảo dưỡng 50 năm là 170 triệu đồng.

Quy hoạch nghĩa trang - bài toán khó khi đất tăng giá, không phải cứ di dời là xong - Ảnh 6.

Ông Trương Ngọc Bích, Chủ tịch Hội đồng quản trị ABV Group, nói về việc làm sao đáp ứng nhu cầu của khách hàng về nơi chôn cất người thân.

Ngoài hoa viên nói trên, còn có một số nơi được khách hàng chọn lựa, như hoa viên Bình An tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (100ha), Dự án hoa viên nghĩa trang sinh thái với vốn đầu tư 120 tỷ đồng lắp đặt hệ thống xử lý khí và chất thải theo công nghệ mới của châu Âu do các chuyên gia nước ngoài từ Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản... tư vấn quản lý và vận hành.

Có thể nói, với cách làm quy mô, đầu tư công nghệ hiện đại, phân khúc công viên nghĩa trang phát triển mạnh với nhiều dự án được đầu tư bài bản về vị trí, phong thủy, thiết kế cảnh quan... thu hút sự chú ý của thị trường. Chính vì thế, TP rất cần xã hội hóa hoạt động xây dựng nghĩa trang, có quy hoạch cụ thể, tránh tình trạng xây lên một thời gian lại phải di dời, lãng phí và gây ô nhiễm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem