Đấu giá biển số ô tô: "Tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để có biển số Hà Nội"

PVKT Thứ hai, ngày 07/11/2022 14:53 PM (GMT+7)
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho biết: "Nếu như tôi sinh sống ở các tỉnh trong khu vực miền Bắc thì tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để có biển số Hà Nội".
Bình luận 0

Liệu có khi nào các biển số xe với các đầu số từ 29 đến 33 của thành phố Hà Nội sẽ chủ yếu được gắn trên xe của các địa phương khác

Góp ý về công tác quản lý biển số được đấu giá, đại biểu Thủy cho hay, theo Thông tư số 58 năm 2020 của Bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi, đăng ký biển số phương tiện giao thông đường bộ mới được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 15 năm 2022 của Bộ Công an, xe ô tô phải thực hiện đăng ký và được cấp biển kiểm soát có số đăng ký theo tỉnh, thành phố mà chủ xe có trụ sở hoặc cư trú.

Khi sang tên, chuyển địa chỉ sang tỉnh, thành phố khác thì phải thực hiện việc đăng ký sang tên, cấp đổi đăng ký và nộp lại biển số đã được cấp để xin cấp lại biển số ở tỉnh, thành phố nơi chuyển đến.

Theo quyết định của Dự thảo nghị quyết, việc cấp biển số xe sẽ không còn phụ thuộc vào nơi chủ xe có trụ sở hoặc cư trú như hiện nay.

"Liệu có khi nào các biển số xe với các đầu số từ 29 đến 33 của thành phố Hà Nội sẽ chủ yếu được gắn trên xe của các địa phương khác. Bởi vì, nếu như tôi sinh sống ở các tỉnh trong khu vực miền Bắc thì tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để có biển số Hà Nội", đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Đấu giá biển số ô tô: "Tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để có biển số Hà Nội" - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội:

Đại biểu cho rằng, điều này là một thay đổi rất lớn trong công tác quản lý phương tiện hiện nay, nhưng chưa thấy được đánh giá trong báo cáo đánh giá tác động kèm theo hồ sơ của sự dự án này.

Qua thảo luận tại đoàn thành phố Hà Nội về nội dung này, đại biểu thấy lãnh đạo thành phố cũng chưa nắm được chủ trương này và chưa có những biện pháp để thay thế, thích ứng với những thay đổi này. Bởi thực tế, việc đăng ký và quản lý phương tiện theo địa bàn như hiện nay đã được thực hiện trong một thời gian rất dài, vừa để xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký, vừa để thống kê, quản lý phương tiện thường xuyên lưu thông trên địa bàn và các số liệu đăng ký. Đây là một trong những căn cứ, cơ sở, thông tin quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý an ninh, trật tự và đặc biệt là khi chúng ta đang không ngừng tìm kiếm, áp dụng các giải pháp để hạn chế việc ùn tắc giao thông, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân lưu hành tại các thành phố lớn như Hà Nội.

Đại biểu cũng đã nghiên cứu kỹ Báo cáo số 1805 của Bộ Công an giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết này. Trong báo cáo, Bộ Công an khẳng định việc quy định người dân tham gia đấu giá trên toàn quốc không theo hộ khẩu thường trú là phù hợp, khả thi, do Bộ Công an đang thực hiện việc quản lý bằng dữ liệu điện tử, nên quy định như dự thảo về việc đăng ký xe không phụ thuộc vào nơi cư trú tại Điều 2 khoản 1 hay sang tên, thay đổi địa chỉ từ tỉnh này sang tỉnh khác vẫn được giữ nguyên biển số trúng đấu giá theo xe quy định tại Điều 3 khoản 1 điểm d hoặc Điều 4 khoản 1 của dự thảo luật thì vẫn bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước về phương tiện giao thông và bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân.

Nếu bảo đảm được yêu cầu về quản lý đúng như nội dung Bộ Công an đã báo cáo, đại biểu cũng nhất trí với nội dung này và đánh giá đây là một bước tiến lớn trong công tác quản lý nhà nước nói chung, cũng như trong việc chuyển đổi số của Bộ Công an.

Tranh luận giá khởi điểm đấu giá biển số ô tô

Liên quan đến giá khởi điểm đấu giá biển số ô tô, các đại biểu cũng có những ý kiến trái chiều.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, giá khởi điểm 40 triệu đồng và không phân biệt vùng 1, vùng 2 hoàn toàn hợp lý và đảm bảo công bằng giữa những người tham gia đấu giá.

Tán đồng, đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) cũng cho hay, quan điểm cá nhân đại biểu thống nhất với giá khởi điểm đã nêu trong báo cáo thẩm tra là 40 triệu.

Về bước giá, đại biểu đề nghị quyết định cụ thể trong dự thảo bước giá là 5 triệu hoặc 10 triệu để chúng ta có cơ sở, khi thực hiện mức giá sẽ cụ thể hơn. Đề nghị trong dự thảo quy định phân bổ luôn theo hướng 70% nộp ngân sách trung ương và 30% ngân sách của địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng, tại khoản 1 Điều 5 quy định giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá. Theo đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 40 triệu, các địa phương còn lại là 20 triệu.

Theo báo cáo của Bộ Công an trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội qua thảo luận tổ dự kiến sẽ đề xuất theo hướng thống nhất một giá khởi điểm là 40 triệu.

Theo đại biểu Bến Tre, điều quan trọng là chúng ta đưa ra mức giá khởi điểm như thế nào để có thể thu hút được nhiều người tham gia thì sẽ tốt hơn, vì chúng ta cũng sẽ thu hút được nhiều cho ngân cho ngân sách nhà nước nhiều hơn.

"Trong điều kiện hiện nay khi phân khúc thị trường xe ô tô phần lớn ở tầm trung. Trong nhóm này không phải ai cũng sẵn sàng chi thêm 40 triệu để có thể có 1 biển số chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân của họ.

Nếu như không ai đăng ký biển số đó thì biển số lại được đưa vào kho để cấp cho tổ chức, cá nhân, như thế sẽ thất thu cho ngân sách. Riêng những biển số đẹp, độc, lạ thì không bị ảnh hưởng gì vào mức giá khởi điểm, bởi vì sẽ có nhiều người đăng ký và tham gia trả giá cạnh tranh", đại biểu nói.

Vì vậy, đại biểu đề nghị mức giá khởi điểm đối với vùng 1 có thể giữ là 40 triệu, tức là gấp đôi lệ phí đăng ký được áp dụng hiện nay đối với khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Riêng đối với vùng 2, mức giá khởi điểm thấp hơn, chỉ khoảng 10 triệu. Với mức này cũng đã gấp 10 lần so với lệ phí được cấp hiện nay đối với các tỉnh, khu vực đô thị và đối với các huyện hiện nay lệ phí này chỉ có 200.000 đồng.

Với mức như thế có thể thu hút được đông đảo sự tham gia đấu giá của người dân, nhất là đối với những biển số chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân, từ đó cũng sẽ thu được cho ngân sách nhà nước nhiều hơn là đưa ra mức giá khởi điểm cao nhưng lại ít hoặc là không có người tham gia.

Đấu giá biển số ô tô: "Tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để có biển số Hà Nội" - Ảnh 3.

Tham gia tranh luận về giá khởi điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang), theo đại biểu giá khởi điểm nên bắt đầu ở một mức giá thấp hơn, vì lý do sau:

Thứ nhất, việc giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo cơ hội để nhiều người dân có thể quan tâm và tham gia vào việc đấu giá để lựa chọn, không phải là biển số đẹp, vì khái niệm đẹp còn tùy thuộc vào từng người và khác nhau ở từng miền, để hướng tới việc lựa chọn biển số xe ô tô phù hợp với sở thích riêng của cá nhân. Làm như vậy thực hiện được mục tiêu là đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu như đã thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ. Làm như vậy sẽ thu hút để có đông người tham gia, cũng đồng nghĩa với việc tăng nguồn thu cho ngân sách của nhà nước.

Thứ hai, khi mức giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo thêm cơ hội cho người dân ở các vùng, miền khác nhau, kể cả những vùng có điều kiện kinh tế, mức sống chưa cao được cùng tham gia để lựa chọn biển số xe ô tô theo nhu cầu, sở thích của mình. Giá khởi điểm là mức ban đầu, những người cùng sở thích có thể đấu giá để tiếp tục trả mức giá cao hơn, phù hợp với khả năng của họ. Đặc biệt, khi có nhiều người cùng quan tâm tới 1 biển số ô tô.

Vì đây là nghị quyết thí điểm, đại biểu thấy rằng, rất cần phải tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế và lắng nghe ý kiến của người dân. Theo như thông tin trong Tờ trình của Chính phủ thì người tham gia đấu giá tại Singapore nộp số tiền đấu giá ban đầu là 1.000 USD. Nếu khởi điểm ở giá cao, đại biểu e rằng rất nhiều người dân, những người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không được thực hiện cơ hội tham gia đấu giá để sở hữu một biển số xe theo như mong muốn sở thích của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem