Đấu giá biển số xe đẹp "giá trên trời": Lỗ hổng thất thoát ngân sách?

An Linh Thứ bảy, ngày 15/10/2022 07:40 AM (GMT+7)
Theo quan điểm của giới chuyên gia, đấu giá biển số xe đẹp là chủ trương đúng bởi biển số xe là dạng tài nguyên, trong đó có nhiều loại biển được xác định tiêu chuẩn đẹp là cùng một dãy số, dãy số tiến hoặc theo quan niệm từng vùng, miền.
Bình luận 0

Tuy nhiên, để hài hoà vấn đề chống gian lận trong đấu giá, thu ngân sách từ dạng tài nguyên này và tuân thủ cơ chế thị trường trong chuyển nhượng, mua bán đang được đặt ra để có lời giải tương xứng.

Sau đấu giá, biển xe đẹp bán "giá trên trời": Có phải lỗ hổng đấu giá? - Ảnh 1.

Biển số xe đẹp hiện là kho tài nguyên lớn, người sở hữu nâng giá xe rất cao. Vì thế xuất hiện đường dây bán biển số xe đẹp (Ảnh TA-PK).

TS Phạm Đức Trung, nguyên giảng viên về Luật đấu thầu, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện mỗi địa phương, vùng miền và mỗi giới có quan điểm biển số xấu đẹp khác nhau. Vì thế đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như kho biển đẹp, căn cứ xác định biển đẹp, đối tượng tiếp cận biển đẹp…

Đấu giá phải thu đúng, thu đủ và công khai, minh bạch

Ông Trung cho rằng, nếu biển số này ở địa phương này, giới này cho là đẹp, nhưng ở nơi khác coi là bình thường, vậy xử lý ra sao? "Trước mắt, kho biển đẹp cần đưa những biển số mà nhiều người quan niệm là đẹp như biển tứ quý, ngũ quý hoặc biển lộc phát, ngũ cửu….Sau đó, thử nghiệm đấu giá trên mạng đấu thầu quốc gia, các địa phương mở tài khoản, công khai để giới thiệu biển số đấu thầu và công khai mời thầu, có giám sát của Nhà nước và toàn xã hội".

Hiện, đấu giá biển số xe có thể gặp trường hợp giá đấu thầu thấp do hạn chế thông tin hoặc nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng khi người sở hữu biển đẹp đó bán trao tay, mức giá đó chênh đến vài chục lần so với giá đấu thầu, vậy ứng xử vấn đề này như nào?

Theo TS Trung, rất có thể vấn đề đấu giá, đấu thầu sẽ gây rủi ro cho các bên cả cơ quan quản lý lẫn người sở hữu muốn chuyển nhượng biển số và xe. Nếu họ chỉ mất 1/10 số tiền để sở hữu biển, nhưng sau đó chuyển nhượng với giá thực tế gấp nhiều lần. Liệu có phải hành vi trốn thuế? trục lợi chính sách hay là cơ chế, vận động của thị trường? Điều này cần làm rõ để có căn cứ pháp luật xử lý phát sinh.

Trao đổi với PV Dân Việt, GS, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới: Điều quan trọng nhất là đấu giá phải công khai, minh bạch, không được thông thầu, không bắt tay nhau. Còn nếu khi người trúng thầu mua bán trên thị trường giá cao hơn, đó là nguyên tắc thị trường.

"Ta xét giá tăng cao sau khi đấu thầu, đấu giá, nhưng nếu giá biển số đó rẻ đi thì sao? Vấn đề chống gian lận, xói mòn niềm tin thì phải công khai, minh bạch cách định giá, tính giá", GS Lược cho hay.

đấu giá biển số xe, số nhà là chuyện làm từ xưa của các nước phát triển, họ coi cái này là một phần của thu ngân sách và tránh thất thoát. Cách làm là đấu giá biển xác định là đẹp, thứ hai là cá nhân hoá các loại biển xe này theo tên, tự đăng ký… Đây là cách Việt Nam nên làm thay vì chuỗi dãy số cứng nhắc như hiện nay.

Ông Lược cho rằng: Đấu giá chỉ có lợi không có hại, biển đẹp mà không đấu giá cũng khiến cho người nắm giữ nó nghĩ cách tư lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Theo GS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế độc lập, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, đấu giá, đấu thầu biển số trước mắt chỉ nên đưa dãy số đẹp hoặc quá đẹp theo quan điểm số đông như tứ quý, lộc phát, biển lặp…. Việc đấu giá này cũng cần đa dạng hình thức, thực hiện nhiều nơi khác nhau (không chỉ giới hạn ở mạng đấu thầu, đấu giá quốc gia…), phát giá và chấp nhận giá theo nguyên tắc tài sản Nhà nước, phải được bán cho ai, người nào đưa ra mức giá cao nhất.

Còn đối với những biển số trùng ngày sinh, trùng số đẹp theo phong thuỷ, theo giới, tín ngưỡng hoặc vùng… nên áp dụng cấp bán cho cá nhân có nhu cầu. Thực tế, ở nhiều nước, trong đó có Úc, nhiều biển số xe sau dãy số định danh địa phương là tên cá nhân, dãy số sinh nhật, không ai giống ai. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi thực hiện đấu giá cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên thuê công ty nghiên cứu thị trường định giá hoặc kết hợp với các công ty đấu giá để đưa ra hình thức đấu giá thu hiệu quả nhất, tránh rủi ro, phát sinh.

Biển đẹp không tạo giá trị gia tăng, nên để tư nhân tham gia đấu giá

Bên cạnh đó, trường hợp mua bán biển số, hiện có hai quan điểm đấu giá thấp nhưng sau đó chuyển nhượng giá chênh quá cao thì sẽ bị coi là trốn thuế. Điều này phải làm rõ căn cứ và tránh rủi ro cho các bên tham gia. Nhà nước cần công khai, minh bạch quá trình xác định giá, đấu giá, thông tin và khoản thu ngân sách… còn lại những vấn đề phát sinh sau đó để thị trường quyết định.

Sau đấu giá, biển xe đẹp bán "giá trên trời": Có phải lỗ hổng đấu giá? - Ảnh 2.

Chuyên gia khẳng định, đấu giá biển số xe là cần thiết cho ngân sách và ngăn chặn đường dây tiêu thụ biển xe đẹp (Ảnh TA)

Thực tế, việc người tham gia đấu giá chuyển nhượng biển xe cao hơn giá khi trúng đấu giá là câu chuyện của cơ chế thị trường. Nếu các thông tin đấu thầu, đấu giá và quy trình đầu giá công khai minh bạch sẽ có những căn cứ pháp lý để tránh oan sai, rủi ro và cũng ngăn chặn tình trạng thất thu ngân sách.

Trao đổi với PV Dân Việt, TS Bùi Trinh, nhà nghiên cứu kinh tế độc lập cho rằng: Đa phần người nghèo không quan tâm biển số đẹp hay xấu, chính vì vậy cần làm rõ khái niệm thu tiền từ đấu giá biển số để phục vụ trở lại xã hội, chống phân hoá giàu nghèo. 

"Biển số xe dù đẹp, có thể đấu giá bán 10 tỷ đồng/chiếc. Tuy nhiên, đây là tài nguyên hữu hạn, quá ít để đem ra xem nó là nguồn thu của ngân sách cả. Nếu quá tập trung vào đây sẽ lãng phí nhân lực mà chúng ta cũng chỉ bán một lần. Vì vậy, nên đơn giản hoá hướng tiếp cận, thị trường hoá mục tiêu đấu giá để thu tiền cho Nhà nước", ông Trinh nói.

Theo ông này, "khi xác định giá để đấu giá, đấu thầu, việc minh bạch và công khai thông tin là yếu tố bắt buộc. Đây là điều kiện quan trọng để hạn chế tiêu cực, phát sinh hậu đấu giá gây ra", ông Trinh nói.

TS Trinh cho rằng, đấu giá của Nhà nước và đấu giá tư nhân là hai chuyện khác nhau. Thực tế những phiên đấu giá cổ vật trên thế giới, hiện tượng chuyển nhượng chênh giá sau đó là chuyện hết sức bình thường, đó là vận động thị trường. Bản thân biển đẹp không tạo giá trị gia tăng, chỉ là biểu tượng cho giới nào đó, chính vì thế quy trình thủ tục đấu giá chỉ cần đến với người cần, đối tượng mục tiêu.

Một số chuyên gia cho rằng, hiện, dự thảo Luật về đấu giá biển số xe đưa ra hai khả năng là người trúng đấu giá có quyền giữ lại biển số khi đổi xe và trường hợp chuyển nhượng kèm theo xe. Vì vậy, quy định này cần rõ ràng để hạn chế chuyển nhượng bởi không nên coi biển xe là tài sản chuyển nhượng đi lại, qua tay nhiều người. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng nên tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, coi biển số xe là loại tài nguyên, tài sản để đấu giá thu tiền cho Nhà nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem