Đầu quý III sàn giao dịch nợ xấu sẽ ra đời

25/06/2021 19:49 GMT+7
Được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước đầu quý III/2021, sàn giao dịch nợ xấu sẽ ra đời. Đó là thông tin được ông Đoàn Văn Thắng – Tổng Giám đốc VAMC chia sẻ tại buổi tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch Covid-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng tổ chức.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, từ năm 2013 đến 31/5/2021, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt 392.084 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 359.477 tỷ đồng.

VAMC cũng thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được định giá lại, lũy kế từ năm 2017 đến hết 31/5/2021, VAMC đã mua 336 khoản nợ của 192 khách hàng với 11.541 tỷ đồng dư nợ gốc và giá mua nợ đạt 11.628 tỷ đồng.

Đầu quý III sàn giao dịch nợ xấu sẽ ra đời? - Ảnh 1.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Về kết quả xử lý nợ, lũy kế từ khi thành lập đến hết 31/5/2021, VAMC đã phối hợp cùng các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý nợ với kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 176.976 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 115.672 tỷ đồng, chiếm 65% tổng số thu hồi nợ lũy kế từ khi thành lập đến hết ngày 31/5/2021.

Cũng sau khi có Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã hỗ trợ tối đa cho hoạt động xử lý, thu hồi nợ của VAMC, đến nay 21 tổ chức tín dụng đã tất toán dư nợ cho VAMC.

Về hoạt động đấu giá khoản nợ/TSBĐ của khoản nợ, lũy kế từ năm 2018 (là năm đầu tiên VAMC thực hiện hoạt động đấu giá) đến hết 31/5/2021, VAMC đã tổ chức thực hiện đấu giá thành công 21 tài sản (là khoản nợ/TSBĐ của khoản nợ) với tổng số tiền trúng đấu giá đạt 2.296 tỷ đồng.

Thị trường mua bán nợ tại Việt Nam hiện còn khá sơ khai

Không phủ nhận kết quả xử lý nợ xấu đã có kết quả tích cực trong thời gian qua, song ông Thắng đánh giá thị trường mua bán nợ tại Việt Nam hiện còn khá sơ khai, khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia của thị trường mua bán nợ chưa đồng bộ, hạ tầng thị trường mới bước đầu hình thành và phương thức mua, bán nợ xấu còn hạn chế.

Thứ nhất, về chủ thể tham gia thị trường, hiện có 5 nhóm chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ với khoảng gần 30 AMCs trực thuộc các ngân hàng thương mại, DATC, VAMC, tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác được thực hiện hoạt động kinh doanh mua, bán nợ.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán nợ trên thị trường hiện tại chủ yếu tập trung vào DATC và VAMC.

Trong khi đó, chính sách, khuôn khổ pháp lý quy định điều chỉnh hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, mà nằm rải rác tại các văn bản khác nhau, bao gồm các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của các Bộ, ngành.

Do đó, mỗi một nhóm đối tượng có văn bản quy phạm pháp luật khác nhau điều chỉnh hoạt động mua bán nợ của nhóm đối tượng đó nên các quyền và nghĩa vụ của các nhóm đối tượng cũng có quy định khác nhau.

Hai là, hệ thống thông tin về hàng hóa và các chủ thể tham gia còn thiếu, chưa được chuẩn hóa và chưa có 01 đơn vị làm đầu mối thu thập, phân loại, xác thực và quản lý thông tin.

Các tổ chức định giá còn thiếu kinh nghiệm, chưa có đầy đủ thông tin, cơ sở pháp lý trong việc xác định giá trị khoản nợ xấu, giá khởi điểm của khoản nợ xấu (qua thực tế các khoản nợ VAMC đã mua theo giá trị thị trường, việc xác định giá trị khoản nợ xấu vẫn dựa chủ yếu vào giá trị TSBĐ).

Hoạt động của các tổ chức bán đấu giá chưa chuyên nghiệp, đa phần có quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm bán đấu giá khoản nợ xấu.

Số doanh nghiệp thực chất hoạt động chuyên nghiệp về bán đấu giá tài sản trong tổng số doanh nghiệp có đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản là rất ít.

Phần lớn doanh nghiệp còn lại có đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản nhưng trên thực tế chưa thực hiện phiên đấu giá nào.

Đầu quý III sàn giao dịch nợ xấu sẽ ra đời? - Ảnh 3.

Thị trường mua bán nợ tại Việt Nam hiện còn khá sơ khai.

Thứ ba, phương thức mua, bán nợ xấu còn hạn chế.

Hiện tại, việc mua bán nợ được thực hiện chủ yếu thông qua phương thức hợp đồng, nghĩa là bên mua nợ và bên bán nợ ký kết hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ đối với một hoặc một số khoản nợ cụ thể.

Ngoài phương thức này, hiện chưa có cơ chế chuyển các khoản nợ thành một loại hàng hóa có thể chuyển nhượng/giao dịch dễ dàng.

Thực tế, tại một số thị trường mua bán nợ phát triển, "chứng khoán hoá" được sử dụng để biến các khoản nợ, đặc biệt là nợ xấu thành chứng khoán phát hành cho nhà đầu tư, qua đó để giải quyết nợ xấu một cách hiệu quả và tạo điều kiện phát triển cho thị trường mua bán nợ.

Việt Nam sắp có sàn giao dịch nợ xấu

Riêng đối với VAMC, theo ông Đoàn Văn Thắng dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động đời sống kinh tế - xã hội, nên VAMC cũng không tránh khỏi những tác động, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, VAMC vẫn cố gắng tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng.

Hơn nữa, thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 khiến cho các hoạt động nghiệp vụ của VAMC bị gián đoạn. VAMC buộc phải thay đổi hình thức thực hiện từ trực tiếp sang trực tuyến, gặp không ít khó khăn trong hoạt động mua bán nợ (khảo sát tài sản, làm việc với các nhà đầu tư, khách hàng…) cũng như quá trình tổ chức, thực hiện đấu giá tài sản.

Công tác thu hồi nợ thông qua khởi kiện, thi hành án bị ảnh hưởng ít nhiều do việc tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp giải quyết. Hoạt động kiểm tra công tác ủy quyền tại các TCTD cũng bị hạn chế do dịch bệnh.

Đầu quý III sàn giao dịch nợ xấu sẽ ra đời? - Ảnh 4.

Được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước đầu quý III/2021 sàn giao dịch nợ xấu sẽ ra đời. (Ảnh: SBV)

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nguồn thu và dòng tiền của khách hàng, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý thu hồi nợ của VAMC.

"Hiện tại, chúng tôi được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, khoảng đầu quý III/2021 sàn sẽ ra đời. Ngoài ra, được phép của Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, chúng tôi còn thành lập câu lạc bộ VAMC với 23 thành viên, tạo diễn đàn để các bên lên tiếng, hướng tới các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ", ông Thắng nói.

Tổng giám đốc VAMC cũng kiến nghị, nên tiếp tục nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm; Sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ, phải có khuôn khổ pháp luật cho thị trường ấy, các công cụ cũng cần được hoàn thiện.

H.Anh
Cùng chuyên mục