Đầu tư nhà máy điện khí 4.000MW tại vùng ven biển Thừa Thiên Huế
Ngày 7/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã làm việc với nhà đầu tư dự án Nhà máy điện khí Chân Mây LNG và các đối tác về tiến độ triển khai dự án.
Nhà máy điện khí Chân Mây LNG do Công ty Cổ phần Chân Mây LNG đầu tư và phát triển dự kiến đặt tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, có tổng công suất thiết kế 4.000MW. Hình thức đầu tư tư nhân (IPP) với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam.
Dự kiến, khi đi vào hoạt động, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh.
Nhà máy điện khí Chân Mây LNG được đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng 3 tổ máy với tổng công suất 2.400MW, dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2024-2026; giai đoạn 2 xây dựng 2 tổ máy với tổng công suất 1.600MW, dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2026-2028. Sản lượng điện trung bình hằng năm cho 1 tổ máy 4.800 triệu kWh.
Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của đơn vị tư vấn, dự án dự kiến được đặt ở vị trí hết sức thuận lợi về mặt hạ tầng. Đó là có cảng biển nước sâu Chân Mây được đầu tư 3 bến cảng với độ sâu khoảng 15m và đê chắn sóng dài 450m, kết cấu nền móng vùng nước cảng biển đảm bảo cập tàu 100.000 tấn. Nhà máy dự kiến được đặt giữa bến cảng nước sâu và các mạch đường dây 500kV, trong tổng khoảng cách dưới dưới 10km.
Ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chân Mây LNG cho biết, qua các buổi làm việc, các bộ ngành đánh giá dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây là một dự án đặc thù, tiêu biểu của miền Trung. Dự án không những phát triển điện miền Trung mà còn mở đường xây dựng khung chính sách cho đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào các công trình hạ tầng, năng lượng ở Việt Nam.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đánh giá cao tính khả thi của dự án và các đối tác của dự án đồng thời cho biết, tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực môi trường nên các dự án thân thiện với môi trường luôn được ưu tiên.