Đây là Dinh trấn Quảng Nam xưa, có một làng cổ hơn 400 năm làm ra thứ nổi tiếng

Trần Hậu - Tuyết Nhung Chủ nhật, ngày 03/12/2023 07:08 AM (GMT+7)
Ngang qua quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận Dinh trấn Thanh Chiêm xưa (nay thuộc phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), du khách sẽ thấy những cửa hàng bày bán các loại đồ đồng nằm liền kề nhau với muôn hình, muôn vẻ. Đó chính là sản phẩm của làng nghề đúc đồng Phước Kiều (vốn là một làng cổ) từng vang danh khắp miền.
Bình luận 0

Dinh trấn Thanh Chiêm ra đời gắn với việc chúa Tiên Nguyễn Hoàng sai con là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ Dinh Quảng Nam năm 1602 và cắt vùng đất Nam Hải Vân (vốn thuộc huyện Điện Bàn xưa) nhập vào Dinh Quảng Nam (1604).

Làng cổ, làng nghề hơn 400 tuổi

Từ nhiều đời nay, người dân xứ Quảng vẫn truyền tai nhau câu nói: "Nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều" để nói về hai làng nghề nổi tiếng là làng làm trống Lâm Yên và làng đúc đồng Phước Kiều ở Quảng Nam.

Có thể không quá nổi tiếng để khiến ai cũng biết đến, nhưng Phước Kiều là nơi đã chế tác ra hầu hết bộ cồng chiêng để tạo ra Di sản văn hóa phi vật thể Cồng Chiêng Tây Nguyên.

Dòng họ làm nghề đúc đồng ở Phước Kiều chủ yếu là dòng họ Dương. 

Con cháu dòng họ Dương bảo nhau rằng, cách đây hơn 400 năm, khi ông Dương Không Lộ từ tỉnh Lạng Sơn, trên hành trình Nam tiến đã dừng chân tại Quảng Nam làm nghề đúc đồng. Sau thời gian khai hoang mở cõi đã lập nên làng Phước Kiều.

Đây là Dinh trấn Quảng Nam xưa, nổi tiếng với làng nghề truyền thống hơn 400 năm  - Ảnh 1.

Làng đúc đồng Phước Kiều-vốn là một làng cổ thuộc phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.N.

Đây là Dinh trấn Quảng Nam xưa, nổi tiếng với làng nghề truyền thống hơn 400 năm  - Ảnh 2.

Đất sét được phơi khô, đập nhỏ, ngâm với nước cho mềm, dẻo mịn, trộn với vỏ trấu bằm nhỏ, sau đó mới nhào nặn thành khuôn. Ảnh: T.N.

Cứ thế đời sau tiếp nối đời trước, con cháu dòng họ Dương đã mang đồ đồng Phước Kiều đến với nhiều vùng trên cả nước. Theo thời gian, làng quy tụ được thêm nhiều người yêu nghề đúc đồng của các tộc họ khác.

Đây là Dinh trấn Quảng Nam xưa, nổi tiếng với làng nghề truyền thống hơn 400 năm  - Ảnh 3.

Làm khuôn là công việc mệt nhọc, đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo lẫn kinh nghiệm. Ảnh: T.N.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, dưới triều nhà Nguyễn, các vị vua mời nhiều nghệ nhân giỏi từ làng đúc đồng Phước Kiều, về kinh đô Huế để đúc các tác phẩm nghệ thuật trang trí và nhiều đồ gia dụng khác.

Là nghệ nhân ưu tú đã gắn bó với nghề đúc đồng ở Phước Kiều gần 50 năm, ông Dương Ngọc Thắng (69 tuổi) bộc bạch: "Ngày trước ở Phước Kiều có hàng chục hộ làm nghề đúc đồng, theo thời gian và trải qua những thăng trầm, đến nay chỉ còn khoảng 7 hộ làm nghề.

Các mặt hàng chủ yếu vẫn là đồ thủ công truyền thống làm từ đồng như chuông, tượng, phù điêu, lư hương, đồ thờ, cồng, chiêng... với hoa văn tinh xảo, âm thanh vang, vọng, bền. 

Đặc biệt, điều làm nên danh tiếng của làng đúc đồng Phước Kiều chính là khả năng thẩm âm của các nghệ nhân".

Muốn có một bộ nhạc cụ dân tộc thì việc khó khăn nhất là thẩm âm, vì mỗi vùng dân tộc có một bộ âm thanh khác nhau, đòi hỏi người thợ phải am hiểu âm sắc của từng miền.

Đây là Dinh trấn Quảng Nam xưa, nổi tiếng với làng nghề truyền thống hơn 400 năm  - Ảnh 4.

Ông Dương Ngọc Minh đang tỉ mỉ tạo khuôn cho sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ. Ảnh: T.N.

Đây là Dinh trấn Quảng Nam xưa, nổi tiếng với làng nghề truyền thống hơn 400 năm  - Ảnh 5.

Những người thợ của xưởng ông Thắng đang tạo khuôn để đúc chiếc chuông đồng có kích thước lớn. Ảnh: T.N.

Đây là Dinh trấn Quảng Nam xưa, nổi tiếng với làng nghề truyền thống hơn 400 năm  - Ảnh 6.

Công đoạn rót đồng đòi hỏi người thợ phải thật cẩn trọng. Ảnh: T.N.

Họ dùng búa, đe, dùi để tạo ra âm thanh, cùng một đôi tai tinh nhạy để nắm bắt được âm thanh và "phần hồn" của nó. Hiện nay, ở Phước Kiều chỉ có 5 nghệ nhân có khả năng thẩm âm cho các nhạc cụ.

Những "ngọn lửa" của làng nghề

Nghề đúc đồng là một nghề khó, yêu cầu cao về kỹ thuật và kinh nghiệm. Song, phải có một niềm say mê với nghề truyền thống của cha ông truyền lại, thì người thợ mới có thể gắn bó với nghề, tạo ra những sản phẩm có tính thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cao.

Ông Thắng cho biết, để làm ra một sản phẩm đúc đồng phải trải qua rất nhiều công đoạn, gồm: chọn đất làm khuôn và nhồi đất, lên khuôn, nung khuôn, nấu đồng, rót đồng, thẩm âm và cuối cùng là khâu làm nguội.

Âm thanh tốt hay không là do người thợ chọn vật tư để đưa vào pha chế hợp kim với nguyên liệu chính là đồng và thiếc. Tỷ lệ pha trộn hợp kim được xem là bí quyết riêng của làng nghề được đúc kết qua hàng trăm năm.

Đang tỉ mỉ đắp đất tạo khuôn đúc, ông Dương Ngọc Minh (57 tuổi) chia sẻ: "Để cho ra đời một sản phẩm đúc đồng hoàn thiện là cả một nghệ thuật liên quan tới nhiều kiến thức khác nhau, trước hết là kỹ thuật luyện kim, rồi hội họa, tôn giáo. 

Ngoài cái tâm của người làm nghề, còn đòi hỏi sự khéo léo, chăm chỉ và hết sức cẩn trọng mới có thể tạo ra những sản phẩm mang cái hồn, cái thần của chính nó".

Đây là Dinh trấn Quảng Nam xưa, nổi tiếng với làng nghề truyền thống hơn 400 năm  - Ảnh 7.

Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng là người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát triển thương hiệu làng đúc đồng Phước Kiều. Ảnh: T.N.

Đây là Dinh trấn Quảng Nam xưa, nổi tiếng với làng nghề truyền thống hơn 400 năm  - Ảnh 8.

Vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm, con cháu khắp nơi tề tựu về nhà thờ Tổ để dâng hương tưởng nhớ công ơn của bậc tiền nhân nghề đúc đồng ở làng nghề Phước Kiều, vốn là một làng cổ ở Quảng Nam. Ảnh: T.N.

Hiện nay đã có công nghệ hiện đại với máy móc tiên tiến phục vụ sản xuất, giúp giá thành giảm, nhưng phương pháp đúc đồng truyền thống vẫn luôn được ưa chuộng. Vì những người thợ thủ công của làng nghề phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết mới tạo ra những sản phẩm có hoa văn tinh xảo, kiểu dáng độc đáo.

Tuy giá thành cao hơn sản phẩm công nghiệp, nhưng "cái hồn" trong sản phẩm của người thợ đúc đồng thủ công thì không có máy móc tối tân nào thay thế được.

Đây là Dinh trấn Quảng Nam xưa, nổi tiếng với làng nghề truyền thống hơn 400 năm  - Ảnh 9.

Làng nghề đúc đồng Phước Kiều sản xuất đa dạng các loại mẫu mã, được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Ảnh: T.N.

Ông Nguyễn Hữu Quang (54 tuổi), chủ một cơ sở đúc đồng tại làng nghề đúc đồng Phước Kiều tâm sự: "Đúc đồng là một nghề rất vất vả, vừa nóng, vừa nặng, lại đòi hỏi ở người thợ tính cần cù, nhẫn nại, chịu khó và khéo tay, nên thế hệ trẻ ít ai theo nghề. Trong xu thế hội nhập thời đại mới, làng đúc đồng Phước Kiều cũng đang nỗ lực làm mới mình, sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng".

Hiện nay, làng đúc đồng Phước Kiều trở thành một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Đến với làng nghề, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những sản phẩm được chế tác tinh xảo, mà còn được tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất, đúc đồng truyền thống.

Trải qua bao thăng trầm của đời người, của nghề, dù cuộc sống có những lúc bộn bề khó khăn, sản xuất bế tắc, nhưng những người con của làng như ông Thắng, ông Minh, ông Quang, vẫn tràn ngập niềm đam mê với cái nghề mà cha ông đã mất bao công sức gìn giữ. 

Vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, làng đúc đồng Phước Kiều lại tổ chức lễ cúng ông Tổ nghề, con cháu khắp nơi tề tựu về để dâng hương tưởng nhớ công ơn của bậc tiền nhân. Không riêng ở Phước Kiều, mà người dân ở các nơi khác nếu làm nghề buôn đồ đồng cũng tập trung về đây dâng hương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem