Đề xuất không để xe ở tầng hầm: Cần tính phương án khắc phục thay vì cấm

20/11/2019 11:06 GMT +7
Chủ tịch HoREA cho rằng đề xuất không mới, Hiệp hội khuyến khích bãi gửi xe bên ngoài tòa nhà nhưng cần có mặt bằng và cơ chế khuyến khích hệ số sử dụng đất. Đại diện doanh nghiệp như Phúc Khang, Thủ Đức House nói đề xuất không khả thi bởi quỹ đất khan hiếm, ảnh hưởng tới giá trị dự án.

Trong phiên thảo luận báo cáo giám sát công tác phòng chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 diễn ra mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị trong Luật Xây dựng nên quy định các chung cư, khách sạn cao tầng không để tầng hầm là nơi đậu xe. Bởi, mỗi xe có thùng xăng nên đậu ôtô, xe máy dưới tầng hầm chung cư sẽ biến nơi đây thành những kho xăng, khi cháy sẽ không thể cứu chữa. Do đó, vị đại biểu đề nghị khi xây dựng các khu chung cư trong tương lai nên xây bãi đỗ xe riêng, không để xe dưới tầng hầm.

Nhận định về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết ý kiến này không mới. Từ năm 2017, HoREA đã có đề xuất trên và nêu 4 vị trí có thể bố trí làm nơi gửi xe gồm hầm chung cư; tầng trệt; một số tầng bên trên; bãi xe ngoài trời thuộc khu vực chung cư.

"Nhìn rộng sang các quốc gia phát triển khác như Singapore, bãi giữ xe không dính khu vực ở và có thể hạn chế vấn đề cháy nổ. Tuy nhiên đó chỉ là một yếu tố, quy chuẩn thiết kế hầm để xe cũng cần được tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về thông thoáng, hướng gió... nhằm đảm bảo an toàn", ông Châu nhấn mạnh. 

HoREA khuyến khích doanh nghiệp có bãi gửi xe bên ngoài tòa nhà nhưng trong khuôn viên dự án. Để làm được điều này, chủ đầu tư phải có mặt bằng, dự án ở ngoại thành. Ngoài ra, Nhà nước phải có chính sách cơ chế khuyến khích về hệ số sử dụng đất riêng so với đất xây nhà, vì nếu chỗ để xe bên ngoài thì chủ đầu tư mất cơ hội kinh doanh, giảm thiểu sản phẩm kinh doanh.

Đề xuất không để xe ở tầng hầm: Cần tính phương án khắc phục thay vì cấm - Ảnh 1.

Một bãi gửi xe trong tòa nhà chung cư ở Hà Nội. Ảnh: Homeland.

Ông Trương Anh Tú, Giám đốc phát triển kinh doanh Địa ốc Phúc Khang, cho biết ý kiến của đại biểu Quốc hội không sai nhưng không phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu thế chung trên thế giới. Ở những nước phát triển như Nhật Bản, đô thị mới trước khi phát triển được quy hoạch luôn khu đỗ xe, xây 5-6 tầng, phù hợp với cuộc sống hiện đại, hướng đến an toàn chung. Nhưng ở Việt Nam, với quỹ đất khan hiếm, nếu chung cư không có hầm đỗ xe thì một lượng lớn xe không có chỗ để. Ông Tú nêu ý kiến đưa ra chưa đánh giá hết thực trạng xã hội. Trong tương lai, ý kiến này sẽ khả thi nếu phát triển một đô thị mới, quy hoạch riêng cho bãi đỗ xe và thuận tiện với các khu vực ở.

"Việc lấy đất ở xây bãi xe càng không hợp lý. Từ Mỹ đến Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, mọi tòa nhà cao ốc đều khai thác tầng hầm làm bãi đỗ xe. Vấn đề là an toàn bãi gửi xe ra sao, phương án xử lý khi có sự cố xảy ra hỏa hoạn thế nào chứ không phải không có phương án thì cấm. Thay vì vậy, hãy suy nghĩ cách thức triệt tiêu, ngăn ngừa rủi ro và phương án xử lý tối ưu nhất cho người dân", ông Tú nói.

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó Tổng giám đốc Thủ Đức House, cũng nhấn mạnh phải chấp nhận lấy hầm làm bãi giữ xe; thay vì cấm thì cần phải đưa ra các quy định nghiêm ngặt và quản lý hiệu quả về an toàn cháy nổ tầng hầm.Việc phòng cháy chữa cháy cần có giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, chủ đầu tư, đơn vị đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

Ngoài ra, ông Chinh cho biết không thể lấy khu vực tầng trệt hay các tầng bên trên làm bãi giữ xe, vì đây vốn là khu thương mại dành cho cộng đồng dân cư trong khu và lân cận. Tiện ích này thu hút nhà đầu tư và người dân đến ở, cũng là một trong các yếu tố tạo nên giá trị dự án. Do đó, để thay thế vị trí hầm giữ xe bằng các tầng bên trên là khó khả thi.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ 7/2014 đến 5/2018, cả nước đã xảy ra hơn 13.100 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người. Trong đó, 40% tổng số vụ cháy xảy ra ở nhà dân, do không bảo đảm an toàn hệ thống điện (chiếm 57%) và sơ suất trong quá trình sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt (chiếm trên 29%).

Theo cơ quan giám sát, tình hình cháy nổ nhà cao tầng, siêu cao tầng diễn biến phức tạp. Tình trạng vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch tại các đô thị lớn còn xảy ra nhiều; một số công trình được đưa vào sử dụng, nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; một số công trình chủ đầu tư tự thay đổi công năng, tự ý chuyển đổi thiết kế xây dựng...