Chủ đầu tư, nhà thầu yếu năng lực trong vụ hồ chứa 553 tỷ ở Kon Tum trễ hạn vẫn nham nhở

Tới Phan
28/04/2025 12:01 GMT +7
Đây là 2 trong số nguyên nhân mà cấp thẩm quyền tỉnh Kon Tum và đơn vị liên quan đã thừa nhận trong báo cáo giải trình về dự án hồ chứa 553 tỷ đồng, dự án bị chậm trễ 1,5 năm so với thời gian được gia hạn (giai đoạn 1).

Trước sự chậm trễ đã 1,5 năm so với thời gian gia hạn nhưng hồ chứa Đăk Pokei hiện vẫn ngổn ngang, dang dở chưa hoàn thành giai đoạn 1, PV Dân Việt đã tìm hiểu nguyên nhân.

Nhiều phần việc của một số hạng mục hồ chứa Đăk Pokei hiện vẫn đang ngổn ngang chưa hoàn thiện.Ảnh: TP

Theo thông tin thu thập, vào ngày 4/12/2024, chủ đầu tư là BQL dự án ĐTXD (gọi tắt là BQL) các công trình NN&PTNT Kon Tum đã có báo cáo UBND tỉnh, giải trình về sự chậm trễ của dự án hồ chứa nước Đăk Pokei.

Tại báo cáo giải trình, chủ đầu tư nêu rõ về nguyên nhân khách quan là do quá trình thực hiện, có thông tin vùng dự án bị phóng xạ nên việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường bị kéo dài, dẫn đến đến tháng 12/2019 mới được phê duyệt thiết kế KT- Dự toán và công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu phải thực hiện trong năm 2020.

Hồ chứa 553 tỷ đồng mà Bí thư Kon Tum từng lệnh “trảm” chủ đầu tư nếu chậm tiến độ hiện thế nào?

Trong thiết kế kỹ thuật - dự toán của cụm đầu mối được phê duyệt có nhiều phát sinh (do địa chất có sai), nên thiết kế kỹ thuật phải điều chỉnh kéo dài.

Năm 2021 do ảnh hưởng và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid nên công trình gần như không hoạt động, không huy động được công nhân, nhiều công nhân ở công trường bị nhiễm covid phải cách ly.

Không vận chuyển được các vật tư (tro bay, xi măng rời, sắt thép...) và thiết bị thiết yếu khác (như trạm trộn bê tông, máy làm lạnh bê tông...) từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác vào Kon Tum được.

Giá vật liệu, vật tư (xi măng, thép...) trong năm 2021 biến động lớn (do ảnh hưởng của dịch bệnh covid) làm tăng chi phí xây lắp, dự toán vật tư….

Chậm trễ đã 1,5 năm so thời gian gia hạn nhưng hồ chứa Đăk Pokei hiện vẫn ngổn ngang, dang dở chưa hoàn thành giai đoạn 1.Ảnh: TP.

Giải trình nguyên nhân chủ quan, chủ đầu tư thừa nhận các nhà thầu trong tỉnh lần đầu tiên tham gia thi công dự án thủy lợi lớn, chiều cao đập quá cao nên công tác tổ chức thi công rất lúng túng, không khoa học.

Liên danh 3 nhà thầu cùng thi công trên một mặt bằng nhỏ nên xảy ra chồng chéo, nhiều lúc gây cản trở cho nhau.

Về trách nhiệm của chủ đầu tư, BQL dự án các công trình NN&PTNT Kon Tum cho biết đã thường xuyên bám sát công trường, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng chưa quyết liệt trong tham mưu UBND tỉnh thanh lý hợp đồng (các nhà thầu chậm trễ hợp đồng), làm dự án bị kéo dài.

Tại buổi trả lời chất vấn của Kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 (diễn ra ngày 5/12/2024), ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng đã giải trình. Cùng nội dung liên quan khác, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế, trong tổ chức triển khai thực hiện, điều hành dự án; một số nhà thầu chưa bảo đảm năng lực về tài chính, thi công….Ảnh: Ngọc Chí

Cũng tại thời điểm trên (báo cáo giải trình cho UBND tỉnh Kon Tum), BQL dự án các công trình NN&PTNT cho biết dự kiến trong quí 1/2025, sẽ tiến hành các thủ tục bàn giao đưa công trình vào sử dụng.

Liên quan đến sự chậm trễ của hồ chứa nước Đăk Pokei, tại buổi trả lời chất vấn của Kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 (diễn ra ngày 5/12/2024), ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng đã giải trình.

Giai đoạn 1 (từ năm 2018-2020, sau được gia hạn kéo dài đến năm 2023) có vốn đầu tư gần 435 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách Trung ương (trên 321 tỷ đồng); ngân sách địa phương gần 113,5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành dự kiến sẽ cấp nước tưới 1.600 ha đất sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 15.000 người dân 2 xã Đăk Ruồng - Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy.Ảnh: TP.

Cùng nội dung liên quan khác, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế, trong tổ chức triển khai thực hiện, điều hành dự án; một số nhà thầu chưa bảo đảm năng lực về tài chính, thi công….

Công trình hồ chứa nước Đăk Pokei có tổng mức đầu tư trên 553 tỷ đồng, với qui mô đầu tư chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ năm 2018-2020) có vốn đầu tư gần 435 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách Trung ương (trên 321 tỷ đồng); ngân sách địa phương gần 113,5 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành dự kiến sẽ cấp nước tưới 1.600 ha đất sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 15.000 người dân 2 xã Đăk Ruồng - Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai giai đoạn 1, do nguyên nhân khác nhau nên cấp thẩm quyền Kon Tum đã cho điều chỉnh kéo dài thời gian hoàn thành vào cuối năm 2023.

Giai đoạn 2 (đầu tư sau năm 2020 khi cân đối được nguồn), với tổng kinh phí gần 118,7 tỷ đồng sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại của dự án để phục vụ cấp nước tưới thêm 400 ha đất sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho 20.000 người dân xã Đăk Bla, TP.Kon Tum.