Đề xuất thay đổi giờ đi làm, đi học chống tắc đường: Nên thí điểm

Thứ tư, ngày 19/10/2011 06:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Việc thay đổi giờ làm việc sẽ làm thay đổi thói quen sinh hoạt, nếp sống của từng gia đình, vì vậy phải tính toán kỹ càng...”
Bình luận 0

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Dân Việt về đề nghị thay đổi giờ đi làm, đi học để giảm ùn tắc của Bộ GTVT.

Ông đánh giá thế nào về biện pháp thay đổi giờ làm việc, giờ học vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề xuất với UBND TP.Hà Nội?

- Thực ra, vào năm 2007 cũng có nhiều người đưa ra đề xuất này nhưng sau đó không thực hiện được. Một phần nguyên nhân là tác động quá lớn của biện pháp này. Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp đều có mối quan hệ chằng chịt với nhau, nếu thay đổi giờ làm việc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. 

img
Đường Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) giờ cao điểm chiều 18.10.

Còn nếu thay đổi giờ học, đặc biệt là đối với bậc học mẫu giáo và tiểu học thì việc bố mẹ bố trí đưa đón các cháu sẽ rất khó khăn. Chưa kể, với truyền thống văn hóa Việt Nam, ai cũng muốn ăn bữa cơm tối cùng gia đình, nếu đổi giờ làm việc thì sẽ làm ảnh hưởng nét văn hóa đó. Vì vậy, việc thay đổi giờ giấc phải được tính toán kỹ càng, thí điểm rồi mới nhân rộng.

Vậy theo ông nên thí điểm ở phạm vi nào?

- Có thể nghiên cứu thay đổi giờ học của sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Họ hầu hết là những người độc thân nên việc thay đổi giờ học có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến họ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, để giảm ùn tắc giao thông phải chấp nhận những tác động tiêu cực, như uống thuốc chữa bệnh phải chịu tác dụng phụ. Bộ trưởng Thăng có tiếng là người quyết đoán, nên có thể sẽ không có việc thí điểm?

- Dù là người quyết đoán, tôi nghĩ ông ấy cũng là người biết nghe góp ý của người khác, không phải quyết định một cách duy ý chí. Biện pháp thay đổi giờ làm việc cũng là một cách giúp hạn chế ùn tắc vào giờ cao điểm. Nhưng quan trọng là nên tiến hành như thế nào cho hợp lý.

Bộ GTVT cũng đề nghị cấm xe taxi trên các tuyến đường có lưu lượng phương tiện lớn vào giờ cao điểm. Ông nhìn nhận thế nào về giải pháp này?

- Giải pháp này cũng sẽ có tác động đến những người thường xuyên sử dụng taxi để đi làm. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này phải đưa ra quy hoạch phát triển taxi một cách hợp lý. Hiện nay, số lượng taxi ở các thành phố đã quá nhiều, cung vượt cầu, xe nằm chờ đợi khách nhiều hơn chạy trên đường. Vì thế, cần có biện pháp hạn chế sự phát triển của xe taxi, đáp ứng đủ nhu cầu nhưng không gây sức ép cho hệ thống đường giao thông.

img Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp đều có mối quan hệ chằng chịt với nhau, nếu thay đổi giờ làm việc của các cơ quan T.Ư chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. img

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Ngoài các biện pháp mà Bộ GTVT đưa ra, theo ông nên có những biện pháp nào có thể làm được ngay để hạn chế ùn tắc giao thông?

- Việc tổ chức lại giao thông là hết sức quan trọng. Phải thực sự quyết liệt dẹp bỏ các điểm trông giữ xe dưới lòng đường. Thật vô lý khi đường chật hẹp nhưng lại trông giữ xe dưới lòng đường. Vỉa hè cũng phải trả lại cho người đi bộ để họ không phải đi dưới lòng đường. Bên cạnh đó phải xây dựng các điểm giao thông tĩnh để có nơi trông giữ xe. Ngoài ra, các biện pháp Hà Nội đang hoặc sẽ áp dụng như phân làn đường, hay nghiên cứu thu phí vào trung tâm trong giờ cao điểm cũng là những giải pháp hợp lý. Cuối cùng, về lâu dài, việc hạn chế xe cá nhân là việc cần làm.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem