Đề xuất xây 4.000 cầu dân sinh

Vinh Hải Thứ ba, ngày 05/01/2016 09:46 AM (GMT+7)
Đó là thông tin lãnh đạo Bộ GTVT công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành GTVT năm 2016, tổ chức ngày 4.1 ở Hà Nội.
Bình luận 0

Xây, nâng cấp 47.436km đường nông thôn

Ông  Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Trong giai đoạn 2011 – 2015, ngành GTVT đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400km đường bộ và hơn 94.000m cầu đường bộ; đưa vào khai thác khoảng 704km đường cao tốc, vượt 104km so với mục tiêu đề ra”. Đặc biệt, đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng và đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch; cơ bản hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

img

Người dân huyện Ba Bể (Bắc Kạn) tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Hồng Lê

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm qua là việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT). Cụ thể, ngành GTVT đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp được 47.436km đường GTNT; mở mới 61.400km đường thôn xóm, cứng hóa được 220.246km/492.982km đường GTNT. Đồng thời, ngành GTVT đã chủ động phối hợp các địa phương đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; đến hết năm 2015 có 35% số xã trong cả nước đạt tiêu chí về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ tưởng Nguyễn Nhật cho hay, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số” nhằm đầu tư xây dựng 4.145 cầu, trong đó có 3.664 cầu cứng và 481 cầu treo với tổng mức đầu tư là 8.339 tỷ đồng. Đề án đã được triển khai quyết liệt, 187 cầu hoàn thành của giai đoạn 1 đã phát huy hiệu quả và giai đoạn 2 tiếp tục được xúc tiến huy động các nguồn vốn để triển khai.

Ưu tiên nơi chưa có cầu, đường

 Đến dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Tôi đi nhiều chỗ, các cháu đi học bằng đò ngang rất khổ sở, trời mưa gió rất nguy hiểm. Chỉ cần đầu tư một chiếc cầu nhỏ thôi, rồi thu phí hoàn vốn thì các cháu sẽ có đường đi an toàn. Ở địa phương, HĐND thông qua rồi xem giá vé thế nào để thực hiện dự án, con cháu chúng ta sẽ đỡ biết bao...”. 

Trước đây, trả lời Báo NTNN, ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực nông thôn là mối bận tâm lớn nhất của ngành GTVT. Bởi nguồn lực có hạn, nên chưa thể đầu tư phủ khắp khiến nhiều nơi, đặc biệt là những nơi địa hình miền núi hiểm trở, việc đi lại của bà con còn rất vất vả. Ông Thăng cho hay: “Đó là thách thức rất lớn cho toàn xã hội và là mối ưu tư hàng ngày của tôi”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thăng, giải pháp khả thi và hiện thực nhất là ưu tiên cho những nơi đặc biệt khó khăn, những nơi chưa có đường, có cầu. Bộ GTVT đã tham mưu để Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu là xây dựng được một hệ thống giao thông có thể đi được quanh năm đến tận trung tâm xã, tạo ra sự kết nối liên vùng.

Ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng cho rằng: "Những cây cầu dân sinh được hoàn thành sẽ giúp xóa đói giảm nghèo còn hiệu quả hơn cả các công trình quy mô. Tôi rất mừng vì sắp tới Sóc Trăng được đầu tư xây dựng 300 cầu dân sinh".

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: "Khoản đầu tư 50 tỷ đồng của Bộ GTVT đưa về Hậu Giang để xây cầu dân sinh là “món quà” rất quý với người dân địa phương".

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 100% mặt đường cứng, rải nhựa hoặc bê tông đối với tuyến đường huyện, 70% đối với tuyến đường xã và 50% đối với tuyến đường thôn, xóm. Đồng thời, đưa dần hệ thống đường GTNT vào cấp kỹ thuật; từng bước kiên cố hóa cầu cống trên đường GTNT, xóa bỏ hầu hết cầu khỉ, đặc biệt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; kết hợp hệ thống thủy lợi với các tuyến vận tải thủy nội địa nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.

“Đề án xây dựng 4.145 cầu dân sinh  tại 50 tỉnh, thành phố phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vùng sâu, vùng xa cũng được đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2020” - ông Thăng cho hay. 

Giảm 20,58% số người chết vì tai nạn giao thông

Giai đoạn 2011 - 2015, theo báo cáo của Bộ GTVT, tình hình TNGT liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; cụ thể, đã xảy ra 149.380 vụ, làm 46.391 người chết, bị thương 152.817 người. So với giai đoạn năm 2006 - 2010, số người chết do TNGT đã giảm 12.023 người (giảm 20,58%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem