Đến ngày học trực tiếp, sinh viên vẫn muốn hoãn: “Mất gốc kiến thức sẽ ảnh hưởng đến đường dài!”

Thảo Linh Thứ hai, ngày 21/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Khi dành lời khuyên cho các sinh viên còn ngại đến trường vì vin vào lý do như dịch bệnh hay thời tiết, một chuyên viên tâm lý cho rằng: “Hãy chấp nhận đó là một phản ứng bình thường”. Tuy nhiên, vị này cảnh báo, học online quá lâu dễ để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực, trong đó có việc về lâu dài sẽ “mất gốc” kiến thức.
Bình luận 0

Trường đại học hoãn học: Người "khóc", người "xin vía" cho trường mình "quay xe"

Ngày 18/2, trên fanpage của Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông báo, do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp, các lớp tạm dừng việc học trực tiếp, chuyển toàn bộ sang học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Nhiều sinh viên của trường này đã bày tỏ tâm trạng trái ngược. Người thì "khóc" vì lỡ đặt tiền cọc nhà trọ - đa phần là sinh viên năm nhất, người thì tỏ ra phấn chấn vì chưa phải đến trường, cũng có người "vỡ òa" khi chưa phải trả tiền thuê nhà, tiền xe đi lại…

Đến ngày học trực tiếp, sinh viên vẫn muốn hoãn: “Mất gốc kiến thức sẽ ảnh hưởng đến đường dài!” - Ảnh 1.

Sinh viên "xin vía" cho trường mình hoãn lịch học. Ảnh CMH

Hà Quyên, sinh viên năm thứ 2 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Mình vừa quay trở lại chỗ trọ thì nhà trường thông báo hoãn lịch học, nhiều bạn của mình khá sốc. Nhưng theo mình thời buổi dịch bệnh thì sức khỏe mới là điều quan trọng nhất, trường quyết định như vậy cũng hợp lý. Mình ở lại và tiếp tục học online, tin là trường sẽ sớm cho đi học trực tiếp".

Trong tuần này và tuần tới, nhiều trường đại học ở Hà Nội cho sinh viên trở lại trường theo như thông báo trước đó. Trên mạng xã hội, không ít sinh viên thấy trường khác hoãn lịch học cũng "xin vía" để trường mình "quay xe", với lý do là sợ dịch bệnh và thời tiết đang rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, từ thực tế này cho thấy, một bộ phận trong giới trẻ vẫn chưa mặn mà với việc quay trở lại chốn học đường.

Trước tình trạng này, trưởng phòng Truyền thông của một trường đại học lớn tại Hà Nội khuyên các sinh viên quyết tâm và nên thích nghi dần vì "nếu các trường đại học rụt rè mở cửa thì không bao giờ có bình thường mới được".

"Điểm số chỉ là hậu quả nhỏ, "mất gốc" kiến thức mới ảnh hưởng đến đường dài"

Trước việc các sinh viên "nô nức" bày tỏ mong muốn trường hoãn đi học trở lại, tiếp tục học trực tuyến, chia sẻ với PV Dân Việt, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng: "Đứng trước bất kỳ một thay đổi nào, phản ứng thường thấy nhất của con người sẽ là háo hức, mong chờ, hoặc lo sợ, ngại ngùng. Cả hai phản ứng đều rất bình thường, vì nó sẽ phù hợp với tính cách, kiểu nhân cách của cá nhân đó.

Mặc dù Việt Nam đã từng nhiều lần giãn cách xã hội (tính từ đợt bùng dịch đầu tiên), nhưng có thể xem đợt vừa rồi là nặng nề nhất, thời gian giãn cách lâu nhất. Khoảng thời gian đó, tôi còn nhớ vẫn chứng kiến thấy sự dè dặt, ngại ngùng của người học khi phải chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, thậm chí có một số bạn cho rằng mình không thể học trực tuyến và đạt các kết quả không thật sự khả quan. Để hình thành một thói quen mới, nhiều người đã quen với con số "21 ngày".

Đến ngày học trực tiếp, sinh viên vẫn muốn hoãn: “Mất gốc kiến thức sẽ ảnh hưởng đến đường dài!” - Ảnh 2.

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An lý giải vì sao sinh viên ngại đến trường. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu về thần kinh và tâm lý, con số này không chính xác với mọi người, một con số trung bình được đề xuất là khoảng 66 ngày. Thậm chí, một số ý kiến chuyên môn cũng cho rằng việc "hình thành các thói quen mới sẽ dễ dàng hơn là việc bỏ một thói quen cũ và bắt đầu một cái mới để thay thế nó". Như vậy, chúng ta có thể hiểu rõ hơn vì sao nhiều sinh viên lại muốn giữ việc học trực tuyến sau một thời gian dài đã làm quen với nó".

Anh Tâm An chỉ ra rằng, việc học trực tuyến cũng được đánh giá làm giảm bớt khả năng tập trung của người học vì các bạn dễ dàng làm việc riêng, thậm chí là mở máy điểm danh xong rồi đi ngủ hoặc chơi game.

"Ảnh hưởng tiêu cực đến điểm số chỉ là một hậu quả nhỏ trước mắt, việc "mất gốc" kiến thức mới là ảnh hưởng đến đường dài, đến việc ứng dụng vào thực tế công việc sau này của sinh viên", chuyên viên tâm lý này khuyến cáo.

Với mục đích lấy lại niềm hứng khởi cho sinh viên, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An khuyên, việc ngại đến trường – trước hết các bạn hãy chấp nhận đó là một phản ứng bình thường, nghĩa là các bạn được quyền cảm thấy khó chịu, được quyền cảm thấy không thoải mái. Sau đó, hãy nghĩ về những trải nghiệm tích cực trong quá khứ mà bạn đã có với việc học trực tiếp, ví dụ như: có không khí học tập hơn, họp nhóm, trao đổi dễ dàng... để dần dần cảm thấy bớt ác cảm với sự thay đổi này. Những tuần đi học trực tiếp đầu tiên có thể rất khó khăn, nhưng khi vượt qua thì cơ thể sẽ tiếp tục thích nghi, năng suất học tập dần cải thiện và ổn định.

"Tôi hy vọng một số trường đại học, cao đẳng có thể linh động kết hợp việc học trực tiếp và trực tuyến, vì bản chất mỗi loại hình đều có những ưu - nhược điểm riêng. Đại dịch Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh sự chuyển đổi số trong giáo dục, "ép" chúng ta phải thử một loại hình mới. Vì vậy, đừng để phung phí những trải nghiệm mà dạy học trực tuyến đem lại. Tìm cách phát huy nó và kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống sẽ là chìa khóa phù hợp cho giáo dục Việt Nam trong thời gian tới", vị chuyên viên tâm lý nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem