"Di chúc Bác Hồ – Sự kết tinh triết lý trọng dân, vì dân"

Thành An (lược ghi) Thứ ba, ngày 03/09/2019 06:21 AM (GMT+7)
“Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Người nhấn mạnh lấy lợi ích của Nhân dân, trọng dân, vì dân là thước đo chân lý… ”– PGS.TS Lý Việt Quang, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nhấn mạnh.
Bình luận 0

img

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2019), PV NTNN/Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Lý Việt Quang – Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo PGS.TS Lý Việt Quang, nửa thế kỷ đã qua từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, những tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đồng thời, việc thực hiện những lời dặn của Người trong Di chúc vẫn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc.

img

PGS.TS Lý Việt Quang – Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: IT)

Trong đó, nổi bật lên là phong cách quần chúng, trọng dân, vì dân. Đó là nền tảng tư tưởng, là tấm gương sinh động, mẫu mực cho mỗi cán bộ, đảng viên học tập và làm theo trong quá trình hoạt động, công tác, nhất là trong giữ gìn, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân.

“Là văn kiện kết tinh những điều Hồ Chí Minh chú trọng nhất, trăn trở nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú, Di chúc là sự thể hiện và kết tinh sâu sắc phong cách quần chúng, trọng dân, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh”- PGS.TS Lý Việt Quang nhấn mạnh.

Lấy tâm mọi người làm tâm của mình

Đánh giá về Di chúc của Người, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh của Đảng nhìn nhận: Mở đầu bản Di chúc lịch sử với những lời tâm sự chân thành: Dù “Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe”, nhưng Người “đã là lớp người “xưa nay hiếm”… Vì vậy, Người để lại mấy lời phòng khi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi khỏi cảm thấy đột ngột.

img

Bản di chúc viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kết thúc bản Di chúc, Người tiếp tục nhắn nhủ: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình yêu thương cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

“Đó là cách đặt vấn đề và kết thúc vấn đề xuất phát từ sự quan tâm, tình thương yêu sâu sắc đối với đồng bào, đồng chí. Cho đến những thời khắc cuối của cuộc đời mà Người vẫn trăn trở về việc phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân; vẫn lo sao cho đồng bào, đồng chí và bè bạn khỏi cảm thấy đột ngột. Người vẫn không quên nhắn nhủ để lại tình cảm muôn vàn thân yêu cho các tầng lớp nhân dân và cán bộ, đảng viên. Đây chính là sự tiếp nối và kết tinh của phong cách quần chúng, trọng dân, vì dân trong suốt cuộc đời Người”- PGS.TS Lý Việt Quang nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Lý Việt Quang, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh xét đến cùng chính là xuất phát từ tấm lòng vì nước, vì dân, muốn cho người dân ai cũng có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, thoát khỏi kiếp sống nô lệ, lầm than, khỏi mọi đau khổ, bất công. 

img

Toàn văn bản Di chúc chính thức công bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dùng hiện nay.

Khát vọng đó cũng chính là hành trang duy nhất, quý giá nhất và là động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc Người đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước chỉ với hai bàn tay trắng, không có người giúp đỡ, bảo trợ, không có người cùng đi… 

Với Người, chân lý chính là những gì mang lại lợi ích, hạnh phúc cho Nhân dân. Người yêu cầu các cơ quan đảng, nhà nước phải thực hiện nghiêm túc phương châm: Việc gì có lợi cho Nhân dân thì dù nhỏ cũng phải ra sức làm, việc gì có hại cho Nhân dân dù nhỏ cũng phải ra sức tránh.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh bộc bạch, Người chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, người dân được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Cả cuộc đời Người luôn luôn tập trung, phấn đấu cho khát vọng cao đẹp đó. Cũng từ tình thương yêu vô bờ bến đối với Nhân dân, nên trong Di chúc, Người đã nhắc nhở Đảng, Nhà nước chú trọng những chính sách hết sức quan trọng đối với các tầng lớp nhân dân sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất”- PGS.TS Lý Việt Quang nói.

img

Bác Hồ nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II năm 1956; Bác Hồ tặng quà cho các cụ già dân tộc thiểu số sống gần khu mỏ apatit, Lào Cai (năm 1958); Bác Hồ thăm Trường Thanh niên Lao động Xã hội chủ nghĩa Hòa Bình (ngày 17/8/1962); Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Dẫn chứng thêm về điều này, lãnh đạo Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho rằng: Ngay cả ở phần viết về việc riêng, Hồ Chí Minh cũng bắt đầu với những dòng tâm sự: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân…”. 

Người cũng yêu cầu: “Chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” và thi hài Người được hỏa táng để “đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng”, nêu gương cho một tập quán mới văn minh.

“Đó thực sự không chỉ là những việc riêng của Người nữa, mà đã trở thành những việc vì sự nghiệp chung của Đảng, của cách mạng, của Nhân dân. Người đã lấy sự nghiệp cách mạng chung trở thành mục tiêu phấn đấu của riêng bản thân, lấy tâm nguyện của mọi người dân làm tâm nguyện riêng của bản thân, theo tinh thần “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” - (Lấy tâm mọi người làm tâm của mình)” – Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nhấn mạnh.

Tuyệt đối tin tưởng vào nhân dân

Một điều đáng chú ý được PGS.TS Lý Việt Quang chỉ ra là, trong Di chúc không chỉ quan tâm đến nhân dân, Người còn có niềm tin tuyệt đối vào vai trò, sức mạnh của Nhân dân.

img

Bác Hồ với các đại biểu Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, năm 1951. (Ảnh tư liệu)

Người chỉ ra rằng dù đã bao đời chịu đựng gian khổ dưới ách thống trị tàn bạo và phản động của chế độ phong kiến và thực dân, lại phải trải qua nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, song “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.

“Với niềm tin tuyệt đối vào vai trò và sức mạnh của Nhân dân, Người khẳng định, dù khó khăn, gian khổ đến mấy đi chăng nữa, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi…”. Đây là sự khẳng định và tiếp nối niềm tin tuyệt đối của Hồ Chí Minh dành cho Nhân dân trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng.

Bởi trong quan niệm của Người, quần chúng nhân dân là lực lượng có sức mạnh vô địch và là lực lượng chủ yếu, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, Hồ Chí Minh xác định một trong mười hai tiêu chí của một người cách mạng mẫu mực là phải lãnh đạo được Nhân dân. Người lý giải “vì sức mạnh của họ (tức của quần chúng nhân dân) không thể thiếu được với sự thành công của sự nghiệp cách mạng”” - PGS.TS Lý Việt Quang nhấn mạnh.

img

Bác Hồ nói chuyện với dân đảo Tuần Châu ngày 31/3/1959.

Phân tích thêm về Di chúc của Người, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Quần chúng nhân dân không những là lực lượng có sức mạnh vô địch, lực lượng chủ yếu, quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng, mà còn mang lại sức mạnh cho Đảng, Nhà nước, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng vũ trang - bộ phận hạt nhân của cách mạng. 

“Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một chân lý: “Nước lấy dân làm gốc”. “Gốc có vững cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Do đó, “Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần, dân liệu cũng xong”. Chính với niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của lực lượng nhân dân nên Hồ Chí Minh chủ trương sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới nhằm mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân phải là sự nghiệp của chính Nhân dân, do Nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng”, PGS.TS Lý Việt Quang nhìn nhận.

Không được “vác mặt quan cách mạng” với Nhân dân

Một vấn đề được PGS.TS Lý Việt Quang đặc biệt quan tâm đề cập đến, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết sức chú trọng việc giữ gìn Đảng trong sạch, vững mạnh, để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh, trở thành hiện thân tiêu biểu cho lương tâm, phẩm giá và trí tuệ của dân tộc. 

img

Bác Hồ tham gia sản xuất với bà con nông dân.

“Trong Di chúc, Người dành nội dung trước hết để nói về Đảng và ân cần nhắc nhở: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. 

Bốn chữ “thật” ở đây đã truyền tải thông điệp của Người, đó là phải thực sự coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức đó phải là đạo đức chân chính, phải thực hiện nói đi đôi với làm, lý thuyết đạo đức gắn liền với thực hành đạo đức. Trong đó, xét đến cùng chính là để tạo dựng niềm tin yêu, cảm phục ở trong lòng Nhân dân, xứng đáng với sự ủy thác của Nhân dân. Chừng nào nhân dân còn giữ niềm tin yêu, cảm phục với Đảng, thì chừng đó Đảng vẫn còn có sức mạnh và còn giữ được vị trí lãnh đạo, thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình”, PGS.TS Lý Việt Quang lưu ý.

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới các cháu thiếu nhi.( Ảnh tư liệu).

Nói rõ thêm về vấn đề này, PGS.TS Lý Việt Quang cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định trong Di chúc, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. 

Người coi đây là điều kiện đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng giành được thắng lợi, dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn chú trọng chỉ ra nhiệm vụ chống các căn bệnh, hiện tượng tiêu cực làm xói mòn mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Người ghét thói quan liêu, cửa quyền, “vác mặt quan cách mạng” với Nhân dân và các căn bệnh khác làm tổn hại đến quan hệ giữa Đảng cầm quyền với Nhân dân.

Người nhiều lần phê bình và cảnh báo các biểu hiện của bệnh quan liêu ở nhiều cán bộ, đảng viên, như hiện tượng tổ chức phân công làm việc lộn xộn, không đúng người, đúng việc, không phân biệt công việc chính và những việc không quan trọng, làm việc máy móc, thụ động, ỷ lại vào cấp trên, cậy quyền, cậy thế ngông nghênh với dân, kiêu ngạo, vác mặt quan cách mạng, coi khinh dân, v.v..

“Gần hai tháng trước khi đi xa, trong buổi nói chuyện với các cán bộ công đoàn, Hồ Chí Minh vẫn trăn trở về việc còn một số cán bộ, đảng viên lạm dụng chức quyền, quan liêu, xa rời quần chúng, thiếu trách nhiệm trước quần chúng, để đời sống quần chúng còn nhiều khó khăn” – PGS.TS Lý Việt Quang nhắc nhở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem