Đi sau trong phát triển năng lượng tái tạo là lợi thế của Việt Nam

Hoàng Thắng Thứ hai, ngày 15/01/2018 06:10 AM (GMT+7)
Phát triển năng lượng sinh khối có thể giúp cải thiện chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc các ngành năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, biển.... Việt Nam cũng là đất nước có nguồn năng lượng sinh khối lớn, thông qua phụ phẩm thải ra từ rừng, biển, nông nghiệp, công nghiệp... Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng sinh khối vẫn đang lãng phí và còn gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

img

NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Thành (ảnh) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công.

Nên xem xét lại giá điện sinh khối

Ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng phát triển của năng lượng tái tạo tại Việt Nam thời điểm này?

- Phải nói rằng, năng lượng tái tạo là xu thế mà thế giới đang hướng tới. Người ta đang quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu. Những quốc gia trước đây chưa thể tiếp cận với loại năng lượng sạch này giờ đây lại được thừa hưởng lợi thế của người đi sau.

Bởi các quốc gia đang phát triển tỏ ra rất cẩn trọng khi đầu tư các loại năng lượng hóa thạch như than đá, hạt nhân… Những quốc gia cách đây 10 năm chưa thể tiếp cận với công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo, giờ được thừa hưởng lợi thế đi sau khi có đầy đủ công nghệ, kinh nghiệm và sự tự tin khi tiếp cận với công nghệ này. Trong các quốc gia đó, có Việt Nam.

img

Nhà máy điện gió tại tỉnh Bạc Liêu có tổng công suất 99,2 MW đang hoạt động hiệu quả.  Ảnh: T.L

"Không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, Thủ tướng Chính phủ đang khuyến khích vai trò của DN trong nền kinh tế thị trường. Ở tất cả các lĩnh vực, DN đều nên mạnh dạn đóng góp cho sự phát triển chung của kinh tế Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Còn bản thân tôi nghĩ, đã là doanh nhân thì phải thể hiện trách nhiệm của mình, dù mình ở trong môi trường, lĩnh vực nào”.

Ông Đặng Văn Thành

Phải nói Việt Nam là một trong số các quốc gia được thừa hưởng lợi thế trong xu hướng phát triển năng lượng xanh gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối. Ở nước ta có đầy đủ điều kiện phát triển 3 loại hình năng lượng xanh này.

Thứ nhất, chúng ta sở hữu đường bờ biển trải dài từ Bắc chí Nam hơn 3.000km.

Thứ hai, Việt Nam nằm gần đường xích đạo, nên có lượng bức xạ mặt trời lớn. Điều này tốt cho những doanh nghiệp (DN) có quan tâm tới lĩnh vực năng lượng, muốn cung ứng năng lượng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam bởi kinh tế phát triển luôn song hành cùng nhu cầu về năng lượng. Đây là một cơ hội rất tốt.

Bản thân Thành Thành Công đã nghiên cứu kỹ lĩnh vực này và làm việc với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cách đây 2 năm để thảo luận về việc triển khai năng lượng sạch tại Việt Nam. Sau đó, chúng tôi đã đi đến thống nhất về quá trình triển khai và đầu tư.

Theo ông, các DN Việt Nam liệu có đủ khả năng phát triển loại hình điện sinh khối?

- Với loại hình điện sinh khối, tôi đã có báo cáo với Bộ Công Thương. Trong lĩnh vực mía đường, chúng ta có một lượng bã mía lớn từ hơn 40 nhà máy đường ở Việt Nam. Đây là một nguồn hỗ trợ lớn cho thủy điện.

Theo thời tiết, sau khi mùa mưa kết thúc, chúng ta bắt đầu bước vào mùa rét. Điện sinh khối sẽ trở thành nguồn hỗ trợ tốt cho nhu cầu sử dụng, tiêu thụ điện ở Việt Nam.

Tuy nhiên, về giá điện sinh khối, tôi cũng kiến nghị Bộ Công Thương nên xem xét lại. Bởi loại hình điện sinh khối sẽ khuyến khích sản xuất của hơn 40 nhà máy đường ở Việt Nam. Giá điện đồng phát từ bã mía từ các nhà máy đường đầu tư đấu nối lưới điện nên theo một giá thống nhất, không nên phân thành hai loại giá như hiện nay.

Khi các cơ quan quản lý khuyến khích bằng điện sinh khối đúng nghĩa, tôi cho rằng đây sẽ là sự khích lớn cho các DN đầu tư vào ngành mía đường. Hành động này đồng thời sẽ giúp gia tăng phần giá trị cho cây mía. Khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, ngành mía đường dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nên tôi nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước nên áp dụng.

Cần được quan tâm để tạo ra sự chủ động

Năm 2016, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công thuộc Tập đoàn Thành Thành Công đã ký kết hợp tác chiến lược với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (Singapore) để có nguồn tài chính phục vụ phát triển năng lượng sinh khối. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm tìm vốn cho phát triển năng lượng sạch?

- Hiện nay, rất nhiều ngân hàng, định chế tài chính quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo. Bản thân tôi làm việc với IFC không chỉ về vấn đề nguồn vốn.

IFC là cổ đông chiến lược, ngoài ra còn một cổ đông khác đồng hành với IFC là Quỹ Năng lượng sạch Armstrong ở Singapore. Chúng tôi làm việc với họ vì vấn đề kỹ thuật.

Phát triển năng lượng sạch vẫn là một lĩnh mới với Thành Thành Công nói riêng, với Việt Nam nói chung. Quan điểm của tôi khi lựa chọn họ không chỉ vì nguồn vốn, mà còn cả vấn đề kỹ thuật. IFC và Armstrong sẽ đồng hành triển khai cùng chúng tôi với mục tiêu tới năm 2020 phải đạt được công suất 1.000 MegaWatt (MW).

Trong quá trình làm việc, IFC có yêu cầu gì đặc biệt với đối tác của mình?

- Trong quy tắc của IFC, chúng ta phải tôn trọng yêu tố cơ bản nhất là môi trường, bảo đảm môi trường. Làm việc với IFC từ lâu, bản thân tôi hiểu rất rõ tiêu chí, quy chế đầu tư của họ. Chúng tôi đã đi đến đồng thuận với nhau.

Ông có thể chia sẻ những khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam?

- Hiện tại, Chính phủ, Bộ Công Thương rất quan tâm tới hạ tầng truyền tải điện. Hạ tầng cơ sở của Việt Nam chưa được đồng bộ, cơ quan quản lý nên quan tâm tới yếu tố này hơn.

Hệ thống truyền tải hiện hữu của Việt Nam hiện vẫn tập trung, chưa phân bổ theo vị trí địa lý, nhu cầu phù hợp với loại hình điện gió, điện mặt trời. Làm sao để phân bổ vị trí địa lý cho phù hợp trong tình hình hiện nay. Lĩnh vực này phát triển rất nhanh, đủ khả năng tương thích, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Chúng ta không cần phải xây dựng những nhà máy thủy điện, nhiệt điện có công suất 50 – 100 MW trong thời gian vài năm. Ở Thái Lan, những công trình cung cấp năng lượng tái tạo chỉ mất trên dưới 10 tháng để hoàn thành và đóng điện. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam trong vấn để bảo đảm an ninh năng lượng.

Ông đánh giá thế nào về giá mua điện hiện nay?

- Chính phủ đã có bước khích lệ khi giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh). Tôi mong Chính phủ quan tâm hơn nữa để chúng ta có thể chủ động về nguồn năng lượng. Việt Nam có điều kiện rất tốt để phát triển năng lượng sạch.

Theo ông, các DN Việt Nam có cơ hội trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo?

- Tôi nghĩ rằng với những DN đã và đang quan tâm tới lĩnh vực năng lượng, đây là cơ hội để họ hoàn thiện hoặc thay đổi kế hoạch, chiến lược của mình để tự tin hơn khi xu thế phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang được cả thế giới quan tâm. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những hệ lụy phát sinh từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch đã được các chuyên gia nêu chi tiết.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem