Di tích Gò Đống Thây bị "bủa vây" bởi những công trình nhà tạm

Ngọc Huyền Thứ ba, ngày 05/03/2024 07:20 AM (GMT+7)
Nhiều ngôi nhà tạm mọc lên xung quanh di tích Gò Đống Thây (quận Thanh Xuân). Đến nay, một số hộ dân trong diện thu hồi giải phóng mặt bằng vẫn chưa bàn giao đất để thực hiện dự án cải tạo di tích này.
Bình luận 0

Nhiều nhà tạm mọc lên xung quanh di tích

Di tích Gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) được TP Hà Nội giao quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư lập và thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo. Được biết, tổng diện tích của khu di tích là hơn 26.000m2. Tuy nhiên, số nhà dân, hàng quán mọc lên chi chít khiến khu di tích bị thu hẹp đáng kể.

Di tích Gò Đống Thây giờ là một miếu thờ nhỏ nằm sâu trong ngõ 12 Khuất Duy Tiến. Nếu không hỏi người dân, việc tìm đường vào gò là khá khó khăn. Theo ghi nhận, bao quanh khu di tích có nhiều nhà dân, hàng quán được dựng lên không biết từ bao giờ.

Di tích Gò Đống Thây bị "bủa vây" bởi những công trình nhà tạm- Ảnh 1.

Di tích Gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân).

Di tích Gò Đống Thây bị "bủa vây" bởi những công trình nhà tạm- Ảnh 2.

Tổng diện tích của khu di tích là hơn 26.000m2. Tuy nhiên, số nhà dân, hàng quán mọc lên chi chít khiến khu di tích bị thu hẹp đáng kể.

Trong khi một số công trình xây kiên cố thì nhiều công trình khác được dựng lên bằng đủ loại chất liệu như tôn, xốp, thậm chí là cọc sắt. Bên cạnh đó, lối vào khu di tích nhỏ hẹp, chỉ là một con ngách nằm sâu trong ngõ. Cửa vào di tích có chiều rộng chỉ khoảng 2 mét.

"Tất cả những công trình tại đây đều được xây từ nhiều năm trước. Có nhà đã sống 5 đời tại khu vực này. Một số hộ dân không biết là đất di tích, nên cứ ở đây từ đời này qua đời khác", một cư dân sống gần khu vực cho hay.

Di tích Gò Đống Thây bị "bủa vây" bởi những công trình nhà tạm- Ảnh 3.

Những căn nhà dựng tạm xung quang di tích Gò Đống Thây.

Dọc ngách nhỏ dẫn tới Gò Đống Thây, một số nhà dân dựng nhà từ gỗ, tôn xập xệ. Càng đi vào sâu, những con đường với sự xuất hiện của "hàng rào tôn" lại càng nhiều. Có thể thấy, khu vực xung quanh di tích đang là nơi sinh sống của hàng nhiều hộ dân, có những hộ lên tới 9 nhân khẩu sinh sống trong một nhà.

Mới đây, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về tổ chức cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.

Đối tượng cưỡng chế bao gồm 58 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây. Trong đó có 49 trường hợp tháo dỡ toàn bộ công trình; 9 trường hợp cắt xén. Thời gian dự kiến thực hiện trong giai đoạn từ ngày 25 – 27/3 năm nay.

Người dân phản đối vì không nhận được bồi thường

Lùm xùm xung quanh dự án tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây đã diễn ra từ nhiều năm trước. Vào năm 2023, cuộc đối thoại giữa chính quyền và người dân được tổ chức nhưng không có kết quả.

Xung quanh di tích Gò Đống Thây, nhiều gia đình căng băn rôn phản đối việc thu hồi đất phục vụ cải tạo dự nhưng họ lại không nhận được đền bù.

Di tích Gò Đống Thây bị "bủa vây" bởi những công trình nhà tạm- Ảnh 5.

Nhiều hộ gia đình căng băng rôn phản đối.

Trao đổi với phóng viên, một số người dân sinh sống tại đây cho rằng người dân đã sinh sống lâu năm trên vùng đất này, các công trình xây dựng trước đó đều không bị xử phạt. Vì vậy, hầu hết các hộ dân đều phản đối trước thông tin về chủ trương đầu tư dự án do UBND quận Thanh Xuân thực hiện.

Chị Kim Xuyến (tổ 4, phường Thanh Xuân Trung) chia sẻ: "Trước đây, khu vực quanh gò là đất ruộng, sau lại thành đất ao, đất hợp tác xã. Sau khi không còn hợp tác xã, vùng đất gần như bỏ hoang. Do đó người dân mới dần dần đến đây dựng nhà, sinh sống".

Được biết, từ những năm 1970 - 1980, rất nhiều hộ dân đã sinh sống ở khu vực này. Đến năm 1990, di tích gò Đống Thây được công nhận là di tích lịch sử. Trong suốt thời gian đó, cuộc sống của người dân vẫn ổn định, không xảy ra tranh chấp đất đai. Quá trình sử dụng đất, xây dựng các công trình trên đất, các gia đình không bị cơ quan có thẩm quyền nào xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng.

Di tích Gò Đống Thây bị "bủa vây" bởi những công trình nhà tạm- Ảnh 6.

Bên cạnh những nhà tạm, một số ngôi nhà được xây dựng kiên cố cũng trong diện phải di dời.

Về số tiền hỗ trợ người dân sinh sống trong vùng đất thuộc di tích, bà Hồng Vân (phường Thanh Xuân Trung) bày tỏ: "Trước gia đình tôi là có một đời chủ cũ, cũng ở từ những năm 70 rồi. Nhà tôi có 9 nhân khẩu, nhà được xây dựng kiên cố, khang trang. Hiện tại tôi được thông báo nhận số tiền hơn 40 triệu đồng để di dời thì thực sự là không đủ".

Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân - Đặng Hoàng Linh (chủ đầu tư dự án) cho biết, đơn vị đã rà soát tất cả các trường hợp trong diện di dời và có đầy đủ cơ sở pháp lý của từng hộ.

Trong đó, căn cứ hệ thống bản đồ qua các thời kỳ đã được thu thập đầy đủ từ bản đồ năm 1993 do Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội bàn giao, bản đồ địa chính 1996, bản đồ hiện trạng năm 1998 (do Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân lập), Bản đồ hiện trạng năm 2013 của quận Thanh Xuân.

Trước đó, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cũng đã nhiều lần tổ chức công khai, đối thoại với công dân về GPMB dự án tu bổ Gò Đống Thây.

Ông Lê Hồng Thắng - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân - khẳng định trình tự, thủ tục triển khai dự án đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư công và quản lý di sản. Với hiện trạng hiện nay, di tích Gò Đống Thây không phát huy được hết các giá trị to lớn và quý giá vốn có. Do đó, việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích này là rất cần thiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem