Đi tìm nguyên nhân những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm xuyên quốc gia

Nhóm PV Chủ nhật, ngày 26/12/2021 08:31 AM (GMT+7)
Lãnh đạo huyện Quảng Ninh và huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về nguyên nhân một số người dân địa phương ra nước ngoài tìm trầm, săn thú dẫn đến vi phạm pháp luật, thậm chí bỏ mạng xứ người.
Bình luận 0

Video: Ông H.V.L kể về những phút giây chạy trốn lực lượng chức năng ở nước ngoài khi đi tìm trầm

Từ 19 - 22/12/2021, Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải loạt bài "Những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm xuyên quốc gia" phản ánh về tình trạng một số người dân ở huyện Quảng Ninh và Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình sang nước ngoài tìm trầm, phá rừng, săn thú bất hợp pháp tại một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei…

Loạt bài đã phản ánh việc di cư bất hợp pháp bằng đường bộ hoặc theo con đường chính thức đi du lịch, sau đó liên kết với một số người dân lập thành từng nhóm người vào rừng tìm trầm, săn thú rừng, có người bị bắt, phạt tù, thậm chí bị sát hại.

Ngay sau khi loạt bài đăng tải, phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã nhận được phản hồi từ lãnh đạo các huyện Quảng Ninh và huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình xác nhận ở địa phương có nhiều người dân vi phạm pháp luật như loạt bài đã phản ánh.

Nguyên nhân những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm xuyên quốc gia - Ảnh 2.

Soi trầm đem từ nước ngoài về, tại làng xuất ngoại tìm trầm nổi tiếng Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Dân Việt

Theo ông Đông, người dân ở huyện Quảng Ninh sang nước ngoài tìm trầm, săn thú là bởi thời điểm các nước bạn chưa quản lý chặt chẽ khách du lịch. "Đó là nguyên nhân dẫn đến có người bị bắt, phải chuộc, thậm chí tử vong" - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh nói.

Còn ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết để hạn chế việc người dân di cư bất hợp pháp, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con đi xuất khẩu lao động theo con đường hợp pháp.

Đồng thời UBND huyện Bố Trạch đã phối hợp với Tổ chức di cư Quốc tế (IOM) tổ chức nhiều đợt tuyên truyền chống di cư bất hợp pháp, tuy nhiên vẫn có một số bà con đi nước ngoài bất hợp pháp hoặc chính thức rồi ở lại.

Nguyên nhân những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm xuyên quốc gia - Ảnh 3.

Tay gấu, xương và da hổ được một số người dân ở tỉnh Quảng Bình vượt biên trái phép hoặc đi theo con đường chính là du lịch rồi ở lại tìm trầm, săn thú đưa về Việt Nam. Ảnh: Dân Việt

"Về nội dung Báo điện tử Dân Việt phản ánh, huyện đã chỉ đạo ngành Lao động Thương binh và Xã hội, Công an huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con" - ông Hồng chia sẻ.

Theo ông Hồng, ở huyện Bố Trạch xuất khẩu lao động thời gian qua được đẩy mạnh, bình quân mỗi năm khoảng 1.150 người đi xuất khẩu ở thị trường các nước. Tuy nhiên từ năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 nên chỉ tiêu này không đạt theo kế hoạch.

Trước đó, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình, hiện đang là Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho rằng nội dung Dân Việt phản ánh là một câu chuyện dài, một số nơi ở Quảng Bình đã có lịch sử lâu dài tìm trầm, sau một thời gian lượng trầm ở nước ta gần như cạn kiệt dẫn đến nhiều người sang nước ngoài, chủ yếu các nước Đông Nam Á.

Nguyên nhân những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm xuyên quốc gia - Ảnh 4.

Những khu rừng nhiệt đới ở một số nước Đông Nam Á là nơi phát triển, sinh trưởng của nhiều loài thực vật, động vật có giá trị kinh tế, cũng như giá trị bảo tồn. Ảnh: Dân Việt

Sở dĩ người dân chọn các nước Đông Nam Á bởi ở đó còn rất nhiều rừng nguyên sinh, rừng nhiệt đới nhưng nước sở tại chưa biết khai thác trầm. 

Khi đó một bà con Quảng Bình sang nước bạn theo dạng du lịch, rồi đi tìm trầm, thấy làm ăn được nên anh em, họ hàng, làng xóm rủ nhau đi. Đến khi thấy dân số biến động, một số người bị bắn chết đưa về địa phương chính quyền đã vào cuộc.

"Về mặt ngoại giao, khi có công dân Việt Nam bị bắt, chính quyền sở tại thông báo đến đại sứ quán Việt Nam, qua kênh ngoại giao gửi văn bản về để xác minh có đúng người vi phạm. Có đợt thì 3 người, có đợt 10 người". - Nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình nói.

Động viên người dân không đi tìm trầm sau khi báo chí phản ánh

Ông Nguyễn Duy Tiễn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nắm rất rõ việc bà con ở địa phương mình quản lý vi phạm pháp luật nước sở tại. Thậm chí ông còn nhớ tên, tuổi, nguyên nhân một số người chết ở Thái Lan do tìm trầm, săn thú.

"Họ đi vào rừng ngoài tìm trầm còn bắt được hổ, gấu, rùa, rắn, heo rừng rồi làm thịt ăn chứ không đem về được" - Chủ tịch UBND xã Võ Ninh kể.

Ông Tiễn cho biết thêm: "Bà con đi là vì miếng cơm manh áo, giờ pháp luật nghiêm khắc ở nước sở tại, đi mấy năm nhưng không hơn người ở tại quê hương nên họ không đi. Sau khi báo chí vào cuộc đưa tin, chúng tôi đã thuyết phục, động viên người dân không đi trầm, săn thú nữa".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem