Địa phương dồn tổng lực hỗ trợ lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thùy Anh Thứ tư, ngày 14/07/2021 13:58 PM (GMT+7)
Văn bản, thủ tục đã có, vì thế các địa phương phải "thần tốc" triển khai hỗ trợ cho lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, đặt ưu tiên hỗ trợ nhanh với lao động tự do, lao động mất việc, ngừng việc.
Bình luận 0

Đây là chỉ đạo của ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ của ngành 6 tháng cuối năm với 63 sở LĐTBXH tỉnh thành trong cả nước vào sáng 14/7.

Một số địa phương đã hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Là địa phương đầu tiên thực hiện hỗ trợ, tới nay TP.Hồ Chí Minh đã hoàn thành thực hiện chi trả hỗ trợ cho 46% lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và cam kết trong ngày mai (15/7) sẽ chi trả hỗ trợ cho toàn bộ 230.000 lao động tự do.

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM, ngày 25/6, thành phố đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí 886 tỉ đồng, để hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó có 230.000 lao động tự do.

"Đến ngày 13/7, đã có 46% lao động tự do được nhận mức hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian 30 ngày, từ 31/5 đến 29/6. TP.HCM cũng tiếp tục có chính sách hỗ trợ lao động tự do trong 2 tuần thành phố phải phong tỏa trong tháng 7 này để chống dịch vẫn với mức 50.000 đồng/người/ngày, trong 15 ngày", ông Tấn báo cáo.

ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, tới thời điểm này TP đã hỗ trợ cho hơn 46% lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: N.T

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, tới thời điểm này, TP đã hỗ trợ cho hơn 46% lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: N.T

Theo ông Tấn, gói hỗ trợ 886 tỷ đồng đang triển khai sẽ được hỗ trợ đến 6 nhóm đối tượng là người cách ly tập trung, với mức 80.000 đồng/người/ngày với tất cả đối tượng; hỗ trợ lực lượng tham gia phòng chống dịch các cấp với mức 120.000 đồng/người/ngày; người lao động hoãn hợp đồng, nghỉ không lương có khoảng 80.000 công nhân, kể cả giáo viên mẫu giáo, giáo viên trường nghề đều được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người, với kinh phí 160 tỷ đồng.

24.000 lao động thất nghiệp không đủ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng được hỗ trợ mức 1,8 triệu đồng, với nguồn kinh phí 20 tỷ đồng…

Theo ông Tấn, các cơ quan chức năng thành phố đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản các thủ tục, làm nhanh nhất để người dân, doanh nghiệp, tiểu thương nhanh chóng nhận được hỗ trợ.

Nhiều nhóm đối tượng, người lao động, người dân không phải làm hồ sơ. Tất cả thủ tục, giấy tờ đều do doanh nghiệp, các cơ quan chức năng hoàn thiện để chuyển tiền cho người dân, lao động sớm nhất.

"Thành phố sẽ hoàn thành công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 ngay trong tháng 7 này", ông Tấn nhấn mạnh.

Dự kiến tới 30/7 TP.Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành hỗ trợ cho tất cả đối tượng chịu nảh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Chụp tại Công ty may 10. Nguyệt Tạ

Dự kiến tới 30/7, TP.Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành hỗ trợ cho tất cả đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh chụp tại Công ty may 10: Nguyệt Tạ)

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, thành phố cũng bắt đầu công tác hỗ trợ. Dự kiến sử dụng tổng kinh phí gần 93 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 91.000 đối tượng gồm: 1.387 người có công (gần 1,4 tỷ đồng); 4.289 đối tượng bảo trợ xã hội (gần 4,3 tỷ đồng); 34.582 người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố không còn sức lao động (trên 17 tỷ đồng); trên 29.000 lao động tự do (trên 43 tỷ đồng); 4.687 hướng dẫn viên du lịch (1,39 tỷ đồng); 256 hộ kinh doanh tại chợ đêm (768 triệu đồng).

Đơn vị chậm triển khai gói hỗ trợ dịch Covid-19 phải nêu tên, phê bình

Kết luận tại hội nghị trực tuyến, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định, Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã rất cụ thể. Bộ sẽ không ban hành thêm bất cứ văn bản giấy tờ nào hướng dẫn. Các địa phương nên chủ động thực hiện.

Bộ trưởng lưu ý: "Các địa phương thực hiện hỗ trợ phải lấy an toàn cho người dân đặt trên hết. Không để cho bất kỳ người dân nào bị đói, phải thiếu ăn thiếu mặc. Phải quan tâm, hỗ trợ trực tiếp nhanh nhất tới người nghèo, người yếu thế, lao động mất việc".

Về việc duy trì sản xuất, chống đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng tại các khu công nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chỉ cho doanh nghiệp sản xuất khi đảm bảo an toàn. Nếu đánh giá, dự báo thấy không an toàn cần dừng ngay". Tới đây, 3 đơn vị là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam; Bộ LĐTBXH sẽ ký văn bản hợp tác đảm bảo an toàn trong khu công nghiệp.

"Ngoài chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, các địa phương cũng nên đa dạng các hình thức hỗ trợ. Có thể hỗ trợ bằng hũ gạo tình nghĩa; cơm 0 đồng; nhu yếu phẩm; siêu thị 0 đồng... vì đôi khi có tiền lao động vẫn không thể tiếp cận được với nhu yếu phẩm cần thiết", ông Dung nói thêm.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho rằng, địa phương nào chậm hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là có tội với dân. Ảnh: N.T

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho rằng, địa phương nào chậm hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là có tội với dân. Ảnh: N.T

Bộ trưởng cũng cho rằng trong khó khăn sẽ hé lộ những cơ hội. Và nhân cơ hội này, ngành lao động phải tận dụng để cải cách hành chính. Coi dịch bệnh là cơ hội để số hóa, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.

Quán triệt tinh thần, làm nhanh, làm thần tốc, cẩn trọng, ông Dung cũng khẳng định, đơn vị nào chậm triển khai là có lỗi với dân, cần phải nêu tên phê bình. Vấn đề hỗ trợ không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tấm lòng. Với tinh thần đó, còn cần quyết tâm chính trị cao hơn, thực hiện nhanh hơn.

"Một miếng khi đói, bằng một gói khi no", lúc đói người dân mới cần, lúc no không ai cần nữa. Chúng ta làm nhanh, làm mạnh sau đó sẽ hậu kiểm", bộ trưởng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem